Long Life Health Care

Share & Comment



Giới thiệu

Con người vốn định sẵn rằng tuổi thọ ít nhất cũng trên trăm năm mà vẫn khỏe mạnh nhưng vì những lối sống sai lầm dẫn đến hậu quả sai lầm khiến tuổi thọ giảm sút, bệnh tật trở thành không thể tránh khỏi. Nếu hiểu thông những điều trong khóa học thì có thể sửa chữa sai lầm làm lại từ đầu, sống thuận theo tự nhiên, chưa có bệnh thì phòng, đang mắc bệnh thì có thể tự chữa trị, không dùng thuốc vẫn tự khỏi.

Đây đều là tâm huyết của những thánh y, thọ hơn trăm tuổi, trong ngành Đông y truyền lại, là của báu trong giới y học, giá trị tuyệt không thể nghĩ bàn. Tật bệnh được chữa khỏi, sức khỏe và tuổi thọ bản thân được tăng cường chính là thứ bằng cấp không thể dùng lý lẽ hay giá trị xã hội mà tranh luận.

Độ dài video: ? giờ ? phút.

Các ngôn ngữ: Việt / Anh.



Nội dung khóa học

Phần 1: Đối tượng và phương pháp học

1. Dành cho đối tượng nào? >>


Những ai đang bị bệnh hoặc chưa bị bệnh mà muốn phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe lẫn tuổi thọ. Không phù hợp với những đối tượng thích phong cách làm không cần hiểu, không thích phong cách hiểu rồi mới làm.

2. Phương pháp học >>

Khóa học được trình bày bằng nhiều mục để tiện cho quá trình học theo từng ý, người học chỉ cần nắm được cái ý, cái cốt lõi chứ không cần quá quan tâm đến cái hình, cách trình bày. Những nội dung trong khóa học chỗ nào cũng quan trọng, khi xem lại có thể bắt đầu từ bất cứ chỗ nào.

Khi học không cần nhớ phương pháp. Người học chỉ cần học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ thì mọi lý tự nhiên thông, lại có thể từ nguyên lý suy ra phương pháp, đứng trên phương pháp, ở ngoài câu chữ mà vận dụng vào đời sống riêng của mình.



Phần 2: Hiểu về bản chất: Bệnh là gì? Thuốc lại là gì?

1. Bệnh là gì? >>

Những gì người ta gọi là bệnh tật chỉ là sự phản ứng tự nhiên của cơ thể để tự tái lập quân bình. Đó là điều lành, là lẽ tự nhiên.

Cũng như thông thường bệnh ở chỗ nào nơi đó liền đau. Cơn đau chính là cách để cơ thể báo cho bản thân biết để tự điều chỉnh.

Việc dùng thuốc ức chế cơn đau cũng giống như xem cơn đau đó, bộ phận đó là nguyên nhân gây hại mà đốt bỏ, cắt bỏ dẫn đến cắt đứt khả năng liên lạc giữa các bộ phận. Điều đó chẳng khác gì xem kẻ báo tin không lành là tội nhân mà trừ khử thay vì lên phương án tiêu trừ nguồn gốc thật sự gây ra vấn đề.

Đợi đến lúc bệnh đã thành hình mới lo điều trị khác gì giặc đã đến nhà mới đúc binh khí, khát nước rồi mới lo đào giếng?

Đó đều là sự hy vọng vào việc không thể hy vọng, sự thành tựu việc không thể thành tựu. Cũng như đánh một canh bạc mà mình gần như nắm chắc phần thua. Thua tiền còn có thể làm lại, thua mất cả mạng thì còn vốn nào mà làm lại?

2. Trong việc trị bệnh, điểm trọng yếu là gì? >>

Trị bệnh kỳ thật chính là trị tâm là chính, trị thân là phụ. Bởi vì, bệnh tật là do kiêu ngạo. Sức khỏe, trái lại, chính là khiêm tốn.

Bệnh tật đều là từ tâm khởi phát ra ngoài, chỉ là do cái trí phán đoán thấp của chúng ta mà ra. Trí phán đoán thấp hay trí phán đoán bị che khuất là một chứng bệnh, đúng hơn là gốc rễ của mọi bệnh tật và thói hư tật xấu.

Bệnh tật được chữa lành chủ yếu là do tâm chứ không phải do thân. Bởi vì, hết thảy pháp đều từ tâm sinh. Thế nên, tâm tịnh thân sẽ tịnh. Chữa bệnh bằng các phương cách ngoài tâm không phải là giải pháp tốt vì nguyên nhân của bệnh không nằm ở bên ngoài.

Thân là tâm thô kệch, tâm là thân vi tế. Chữa thân chỉ là chữa phần ngọn, chữa tâm mới là chữa phần gốc. Hết thảy các vị thuốc đều chỉ trị phần ngọn, không trị được phần gốc.

Tại vì hết thảy bệnh đều bắt nguồn từ những nguyên nhân sai lầm mà sản sinh ra hậu quả sai lầm. Nguyên nhân không dứt thì hậu quả sẽ không thể trừ.

Chúng ta có thể dùng thuốc hay các phương cách bên ngoài để chữa lành tật bệnh. Nhưng nếu không trị tâm thì nguy cơ vẫn còn đó. Ta sẽ lại tạo ra nguyên nhân của bệnh, sẽ tái diễn các hành vi đã khiến cho cơ thể đau ốm.

Vì thế khi bệnh rồi không được hướng ngoại cầu mà phải dựa vào hệ thống phục hồi của bản thân để chữa trị cho chính mình. Tin tưởng vào thuốc, tin vào số liệu không bằng tin tưởng vào cảm giác của bản thân, tin rằng chính mình có đầy đủ năng lực để điều tiết.

Con người bị bệnh thì tâm lý càng phải ổn định. Tâm định thì khí sẽ thuận, khí thuận thì máu sẽ thông, khí thuận huyết thông thì trăm bệnh đều sẽ tiêu tán.

Kinh dịch có nói: "Cơ màu dấy động, họa phúc liền sanh." Nội kinh nói: "Điềm đạm rỗng rang, bịnh nào phát khởi."

3. Các phương cách chữa bệnh >>

Có ba lối chữa bệnh:
Cách chữa trị triệu chứng: làm mất đi triệu chứng nhờ vào thuốc thang, phẫu thuật, các loại điều trị khác nhau.

Cách chữa trị nguyên nhân: chữa ngay tật bệnh bằng cách dạy cho người bệnh hiểu về nhân sinh quan, giúp họ trở thành thầy thuốc của chính mình.

Cách chữa nhờ ngăn ngừa: phòng bệnh hơn chữa bệnh, không chờ khi bệnh hình thành rồi mới chữa trị mà chữa từ khi chưa phát bệnh.

Y học đương đại chú trọng cách thứ nhất, y triết cổ xưa tập trung lối thứ ba. Phương thức thứ nhất phức tạp và phân chia vô số ngành chẳng có lợi gì nên không phải là cách chữa bệnh chân chính. Bệnh đã hình thành mới dùng thuốc, xã hội đã rối loạn mới lo chấn chỉnh chẳng phải đã quá muộn sao?

Cần nhớ trong các phương pháp chữa trị bệnh tật tuyệt không có biện pháp nào mang tính đối kháng, tấn công trực diện vào bệnh tà. Đối tượng chính không phải là bệnh mà là con người. Phương châm cơ bản trong chữa bệnh là lưu nhân trị bệnh, nghĩa là trước hết phải giữ lấy mạng sống của con người, sau đó mới nghĩ tới vấn đề khống chế, tiêu trừ ổ bệnh. Mục tiêu chữa bệnh là lập lại trạng thái cân bằng chỉnh thể.

Do đó trong quá trình chữa bệnh phải coi trọng khả năng tự khôi phục và tái tạo của cơ thể con người, lấy việc huy động tiềm năng của con người làm phương châm chính. Vì vậy, bệnh nhân được coi là chủ thể. Nhân vi bản bệnh vi tiêu, nghĩa là người là gốc, là chủ thể, bệnh chỉ là ngọn.

Con người cùng với môi trường, vũ trụ hợp thành một chỉnh thể thống nhất, người xưa gọi đó là thiên nhân hợp nhất. Trời có sáu khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả. Ðất có ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Người có ngũ tạng ứng với đất, lục phủ ứng với trời và thích nghi theo từng thời tiết bốn mùa. Bản thân con người cũng là một chỉnh thể thống nhất, nên tinh thần và thể xác hợp nhất với nhau, gọi là hình thần hợp nhất.

Bệnh tật chính là từ tâm sinh ra, từ miệng đi vào. Ăn uống điều hòa có thể trừ tà mà an tạng phủ, tình chí vui vẻ sảng khoái có thể bổ khí huyết. Điều chỉnh được hai điều này thì bệnh tật không trị cũng tự khỏi.

4. Thuốc là gì? >>

Người thường nghe đến thuốc đều nghĩ là dùng thuốc chỉ có thể qua đường miệng. Người thông hiểu biết rằng thuốc có thể là bất cứ thứ gì, qua bất cứ đường gì, miễn là có thể tiêu trừ tật bệnh. Chữa bệnh, nói không dùng thuốc chính là không dùng các dược phẩm của y học phương Tây, nói không thuốc nào mà không dùng chính là dùng tất cả những phương pháp trị liệu khác nhau của y học viễn Đông.

Thuốc là khái niệm mở. Nếu trước đây, thông thường cho rằng những chất gì đưa vào cơ thể thông qua đường miệng thì mới gọi là thuốc. Nhưng bây giờ tiếp cận khái niệm thuốc ở góc nhìn mở rộng hơn thì không chỉ miệng là một cửa khẩu mà cơ thể con người còn có các cửa khẩu khác nữa đều có thể tiếp nhận các yếu tố vật chất từ bên ngoài.

Thậm chí, có thể nhận thấy rằng mỗi lỗ chân lông cũng là một cửa khẩu. Tất cả những cửa khẩu ấy đều có khả năng nhập bệnh vào cơ thể đồng thời cũng có thể thu nhận các loại thuốc để trị bệnh. Nói trị bệnh không dùng thuốc là chỉ dựa trên sắc tướng và khái niệm hẹp trước đây, còn về ý nghĩa hiện đại thì thuốc là một khái niệm rất rộng, tượng trưng cho những giải pháp đẩy lùi tật bệnh ra khỏi cơ thể

Khi chúng ta ngẫu nhiên bị bệnh đều là hệ thống phục hồi thân thể của chúng ta đang hoạt động, không nên quá lạm dụng thuốc Tây khi vừa mới xuất hiện bệnh trạng, nếu không chính thuốc ấy sẽ phá hoại chức năng phục hồi thân thể. Khi mà chức năng phục hồi bị suy yếu hoặc mất đi cũng chính là chúng ta đã giao vận mệnh của mình cho thuốc rồi.

Về phương diện tâm lý, thức ăn và cách ăn tác dụng mạnh tới nhận thức, suy nghĩ của não bộ con người. Nếu ăn đúng thì nhận thức đúng và hành động đúng. Thức ăn vào cơ thể tạo thành máu và tạo nghiệp. Ăn uống sai thì bệnh tật đến và vọng niệm phát sinh, sáu căn dính mắc sáu trần, con người trầm luân đau khổ. Ăn uống đúng thì cơ thể khỏe mạnh và tâm không khởi vọng niệm, tâm lặng yên thanh tịnh.

Thế nên, một y sư sau khi khám bệnh và xác định được căn nguyên bệnh thì trước tiên phải lấy việc trị tâm làm chủ, trong đó bao gồm cả phương pháp dùng thức ăn để trị bệnh, còn gọi là ẩm thực liệu pháp. Khi nào liệu pháp này thất bại thì mới dùng đến thuốc.



Phần 3: Điều trị tật bệnh

1. Các tâm thái khi bị bệnh >>

Tình chí đối với bệnh tật có mối tương quan mật thiết với nhau, có một số bệnh tật là do tình chí gây ra, bạn dùng thuốc trị liệu, trị mãi mà vẫn không khỏi, đối với loại bệnh tật này, muốn cởi chuông thì phải tìm người buộc chuông. Ngũ chí có thể gây bệnh, ngũ chí cũng có thể giải trừ bệnh.

Tĩnh thì thần tàng, động thì thần vong. Tĩnh dưỡng là việc đầu tiên của dưỡng sinh. Tâm vốn mềm yếu, chỉ tâm có đặc tính sinh lý yên tĩnh, thu liễm, điều hòa. Điềm đạm hư vô chân khí được giữ gìn, tinh thần yên tĩnh không để mắc bệnh. Nếu tâm hỏa quá thịnh sẽ thành táo cuồng nhiệt, làm mềm yếu trở thành cuồng loạn.

Tâm bị nhiễu loạn chính là do cái tâm ngông cuồng đầy tham vọng Cho nên muốn trị bệnh cần làm an cái tâm này lại, an cái tâm này lại chính là chấm dứt vọng tưởng, để chấm dứt vọng tưởng cần có tâm sáng, tâm sáng chính là tâm khỏe mạnh, mà để đạt được tâm khỏe mạnh thì công hiệu nhất lại là ở tản bộ.

Người mà tâm quá lao lực, tâm trí mệt mỏi thì gan sẽ vượng. Tâm quá lao lực chính là tâm quá đầy, không rỗng. Tâm đầy, ắt không thể dung nạp can mộc sinh chi hỏa, tâm không dung nạp can sinh chi hỏa, khí trong gan ắt sẽ tích tụ lại nhiều. Gan là mộc khắc thổ, nên tì vị sẽ mắc bệnh, tiêu hóa sẽ không tốt, dinh dưỡng không đủ, tối ngủ sẽ không yên. Mộc lại khắc thủy, từ đó mà thận thủy bị thiếu, thủy không đủ ắt hỏa càng vượng, tâm thận có liên hệ tương hỗ, nên tâm khí càng yếu, bệnh phổi sẽ hình thành.

Con người khi bị bệnh kỵ nhất là khởi tâm oán giận. Lúc này nhất định phải giữ sự bình an hòa ái, khiến cho tâm an định. Sau đó dần dần điều chỉnh, sức khỏe sẽ rất nhanh hồi phục. Nếu không ắt tâm sẽ gấp hỏa sẽ thăng, can khí sẽ phải chịu hao tổn, làm bệnh tình càng thêm nặng.

Dưỡng bệnh trị bệnh không thể đòi hỏi nhanh. Bởi vì nóng vội sẽ trợ giúp hỏa, hỏa vượng sẽ tổn khí, gây tác dụng ngược lại. Ngoài ra không thể tham nhiều, tham lam ắt tâm không kiên định mà nóng vội, huống hồ bách bệnh đều do tham mà ra, nên không thể lại tham mà làm cho bệnh tình càng thêm nặng là vậy.

Càng sợ chết, càng chết nhanh. Nếu muốn trị bệnh thì phải không sợ chết. Chỉ có không sợ chết mới có thể cách xa cái chết. Quan sinh tử đã qua rồi, còn gì mà không thể vượt qua nữa? Không nghĩ đến bệnh tình, trái lại lại có thể khỏi bệnh. Tâm luôn nghĩ muốn mau khỏi trái lại bệnh càng nặng.

Không có lợi lạc gì khi xem bệnh tật là một vấn đề bất ổn. Đó chẳng qua là do cách nhìn. Theo cách nhìn của tâm này là vấn đề bất ổn, theo cách nhìn của tâm khác lại không phải là vấn đề. Chúng ta có thể chọn nhìn nó một cách tích cực và cảm thấy thích thú với nó.

Một trong những lợi ích của bệnh tật là chúng ta có thể sử dụng nó để loại bỏ tâm kiêu ngạo, chính tâm này đã tạo ra nhiều khiếm khuyết. Những ai khốn đốn vì khổ đau sẽ từ bỏ tính kiêu ngạo và phát sinh tâm bi mẫn xót thương. Cảm giác bấn loạn khi thất bại một việc gì sẽ giúp chúng ta loại bỏ được tính kiêu ngạo vốn luôn gây khó khăn cho sự phát triển tâm.

Bằng việc chuyển hóa các vấn đề bất ổn thành hạnh phúc, chúng ta sử dụng chính các vấn đề bất ổn để phát triển tâm mình và mang hạnh phúc niềm vui đến cho mọi người. Một khi chúng ta chuyển hóa được các vấn đề bất ổn thành hạnh phúc thì sự chịu đựng bệnh tật tự nó có thể trở thành liều thuốc chữa bệnh. Và đây mới là thuốc chữa bệnh thực sự, vì nó không chỉ chấm dứt sự đau khổ mà còn loại bỏ các nguyên nhân của căn bệnh cũng như tất cả các đau khổ khác nữa.

Khi có một vấn đề bất ổn, để chuyển hóa nó thành hạnh phúc, chúng ta phải làm hai việc:

Trước tiên, chúng ta phải loại bỏ tư tưởng xem tình huống đó là một vấn đề bất ổn hay ý nghĩ không ưa thích nó.

Thứ hai, chúng ta phải phát sinh tư tưởng xem vấn đề đó có tính cách tích cực và xác lập ý nghĩ ưa thích nó. Khi chúng ta có khả năng xem các vấn đề bất ổn như suối nguồn của hạnh phúc thì tư tưởng ưa thích chúng sẽ tự nhiên phát sinh.

Điều chỉnh tính tình là chỉ sự di chuyển thay đổi cách nghĩ, hướng nghĩ sang sự việc khác, phương hướng khác. Hoặc thay đổi tâm tính, loại trừ những nhận thức sai, những định kiến, những thói quen không tốt.

Phương pháp tự cứu khi lâm đại bệnh:

Một là không được sợ chết, tin tưởng rằng bệnh của mình không những có thể khỏi mà thân thể có thể trở nên đặc biệt khỏe mạnh, sống lâu trường thọ. Bởi vì bản thân cơ thể bản chất đã có năng lực này, không phải chỉ là suy nghĩ để tự an ủi.

Hai là tin tưởng không cần dùng thuốc hoặc dựa vào bất kỳ thứ dược phẩm nào, nhất định bản thân tự có khả năng trừ bệnh kéo dài tuổi thọ.

Ba là bắt đầu từ hôm nay phải quyết định không được nghĩ tới bệnh của bản thân là bệnh gì, tốt hay xấu đều không được suy tính về nó, chỉ làm một người vô tư.

Bốn là trong khoảng thời gian chữa trị không được nghĩ tới công việc, cũng không được hối hận về công việc và thời gian đã mất, chuyên tâm nhất trí. Nếu không sẽ lại chậm trễ có khi hỏng việc.

Sự thực mà nói, không có bệnh gì là trị không khỏi, chỉ là xem cái tâm có thể buông xuống được không. Tất cả bệnh tật đều từ tâm sinh, tất cả bệnh tật cũng đều từ tâm mà trị. Chỉ cần vẫn còn sống là vẫn còn cơ hội.

Kỳ thực đây chính là sự vận dụng tuyệt diệu của chữ Hư. Đạo gia giảng, hư thì linh. Chính cái đó cùng với sự khiêm tốn khiến cho con người tiến bộ, giống như tự mãn khiến con người lạc hậu. Vì thế con người nhất thiết phải thường xuyên duy trì trạng thái hư linh mới có thể luôn luôn duy trì sự thanh tĩnh, duy trì sự khỏe mạnh.

2. Phương pháp dưỡng tĩnh >>

An tọa trên giường, đặt thân tâm nhất tề hạ xuống, toàn thân như hòa tan, không được phép dùng một chút khí lực nào, như thể không có cái thân thể này vậy, hô hấp tùy theo tự nhiên, tâm cũng không được phép dùng lực. Để tâm đặt xuống tận dưới bàn chân, như thế có thể dẫn hỏa đi xuống, dẫn thủy đi lên, tự nhiên toàn thân khí huyết sẽ thông thuận. không cho phép bất cứ bộ phận nào dùng khí lực dù chỉ một chút, bao gồm ý niệm, hô hấp, tứ chi.

Cần làm được: mắt không nhìn, tai không nghe, mũi không ngửi, lưỡi không nếm, miệng không nạp, tâm không nghĩ. Đó là điều kiện duy nhất. Nếu có bất cứ hành vi tư tưởng, nghe, cảm giác nào đều là đang dùng khí lực. Thậm chí cử động ngón tay cũng là dùng khí lực, thở mạnh cũng lại là dùng khí lực, một niệm khởi lên cũng là đang dùng lực.

Không bao lâu hơi thở sẽ tự nhiên trở nên an hòa, như thể không phải ra vào từ lỗ mũi, mà như thể tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông trên toàn cơ thể đều có động tác, hoặc nở ra hoặc khép lại, lúc này sẽ là trạng thái vô ngã vô thân vô khí vô tâm, tự nhiên tâm sẽ quy hồi vị trí bản nguyên. Cái gọi là dẫn hỏa quy nguyên, hay còn gọi là thủy hỏa ký tế, chính là bí quyết chung để điều trị bách bệnh.

Những vật chất tinh vi nơi rừng sâu núi thẳm như ion điện âm sẽ thông qua trạng thái thả lỏng của con người trong khi hít thở sâu mà hấp thụ vào trong nội bộ nhân thể, từ đó mà tưới đều lục phủ ngũ tạng, khiến cho người ta có được sức sống mới. Ngoài ra còn có một điểm là con người không chỉ hô hấp thông qua lỗ mũi mà mỗi một lỗ chân lông trên thân thể con người đều có thể hô hấp. Những gì chúng hấp thụ chính là tinh hoa của trời đất.

Con người trong trạng thái thả lỏng và tĩnh, hít thở sâu và chậm có thể cảm nhận được sự giao hoán những tinh khí của con người với trời đất: Trong khi hấp thụ khí, thực tế ngoại trừ lúc phổi đang hít khí vào, toàn bộ thân thể đều đang bài trừ khí bên trong thân thể ra ngoài và đem khí của người phóng thích ra ngoài trời đất. Còn khi phổi đang thải khí ra, thực tế con người đang hấp thụ tinh khí của đất trời thông qua các lỗ chân lông. Điều này đại khái chính là điều mà Lão Tử đã nói: Thiên địa chi gian, kỳ do thác dược hồ; hai là không được vận động trong môi trường bị ô nhiễm.

3. Minh triết trong việc trị bệnh >>

Con người vốn hội tụ hết thảy trí huệ, tuyệt đối không phải là học từ trong sách vở mà là từ tâm chân thành, tâm thanh tịnh của bản thân, từ trong thiền định mà sinh ra. Có được quan niệm đúng đắn thì sẽ có quyết định đúng đắn, dẫn tới hành vi đúng đắn và chúng ta sẽ có thể phòng ngừa bệnh tật phát sinh.

Phức tạp và đơn giản kỳ thực là một thứ, là hai mặt của một thứ. Điều người thông minh nhìn thấy là mặt đơn giản, điều người ngu xuẩn nhìn thấy là mặt phức tạp. Đơn giản và phức tạp là một cặp âm dương, sự tình càng phức tạp, thường thường sử dụng biện pháp đơn giản nhất lại có thể giải quyết. Cũng đồng dạng như thế, một vấn đề nhìn tưởng chừng đơn giản, để giải quyết nó bạn sẽ thấy thật không dễ dàng, bạn phải phó xuất nỗ lực rất lớn cũng không nhất định giải quyết được.

Điều này giống cương nhu vậy, cực nhu có thể khắc chế cương, cực cương thì nhu cũng không thể chống. Cho nên, chúng ta khi giải quyết vấn đề cần có lối suy nghĩ rằng, gặp phải vấn đề phức tạp nên tìm biện pháp đơn giản để giải quyết, gặp phải vấn đề đơn giản đừng vội coi thường nó, cần phải chú trọng đủ mức tới nó.

Đạo về âm dương chính là sự tương hỗ dựa vào nhau và chuyển hóa lẫn nhau của hai phương diện mâu thuẫn đối lập. Bất kỳ một cặp mâu thuẫn nào, nếu một bên thoát ly khỏi bên kia, không còn chịu sự ức chế của đối phương nữa, thì thời điểm mà nó bị diệt vong cũng không còn xa. Trong đại tự nhiên, khi một sự vật xuất hiện, đều có mang theo nhân tố do nó sinh ra, nhưng đồng thời cũng sẽ xuất hiện một nhân tố để khắc chế nó. Đó chính là đạo lý ngũ hành tương sinh tương khắc, cũng là đạo lý dựa vào nhau, ức chế lẫn nhau của âm dương. Tất cả đều không thoát được âm dương, vạn sự vạn vật đều không thoát khỏi được âm dương. Căn bản của điều này chính là âm dương. Biết được một điều này, mọi sự đều có thể hoàn thành.

Cho nên đạo lý dưỡng sinh cũng vậy, khi bạn bị bệnh, luôn tồn tại một nhân tố khiến bạn sinh bệnh, đồng thời cũng sẽ có một nhân tố ức chế nó, giúp bạn tiêu trừ nhân tố gây bệnh. Tương tự như thế trong thế giới tự nhiên, tại chỗ có tồn tại rắn độc, chắc chắn khu vực xung quanh sẽ có tồn tại loại thảo dược có thể giải độc. Ở những vùng có khí hậu lạnh, sinh ra các loại động vật và thực vật dương; ngược lại, những loài động vật và thực vật ở các xứ nóng lại có tính âm.

Có câu: Linh cơ nhất động, kế thượng tâm lai. Chủ phát gọi là cơ. Mũi tên muốn bay ra từ cánh cung bắt buộc phải có cái cơ này để phát động. Bất kỳ sự tình nào cũng đều như thế, đều có một cái cơ. Chỉ khi nào kích động cái cơ này thì sự tình mới phát sinh. Nếu chẳng kích động được cái cơ này các điều kiện khác dẫu có nhiều đến mấy cũng không có cách nào dẫn khởi sự việc. Nó là điểm, không phải là diện. Thế nhưng nếu kích động được điểm này, thì có thể kéo theo cả một diện.

Cho nên bệnh cơ là nhân tố then chốt nhất trong sự phát sinh, phát triển và biến hóa của bệnh. Cũng có thể nói, bệnh cơ một khi khai mở bệnh trạng của người đó sẽ hiển hiện ra, người đó sẽ tiến nhập vào trạng thái tuần hoàn ác tính của bệnh. Đối lập với bệnh cơ là sinh cơ. Khi sinh cơ mở ra, người đó sẽ tiến nhập vào trạng thái thuần tốt đẹp của quá trình hồi phục. Thực tế bệnh cơ và sinh cơ là hai phương diện của cùng một thứ, là một cặp âm dương. Khi bệnh cơ mở ra, sinh cơ sẽ đóng lại; khi sinh cơ mở ra, bệnh cơ tự nhiên cũng sẽ đóng. Đây gọi là pháp biện chứng.

Trong tâm con người ngày nay những căn bệnh nan y như ung thư đồng nghĩa với tử hình. Kỳ thực nếu như chúng ta không gọi nó là ung thư, thế thì đối với bệnh nhân mà nói chính là mang cho bệnh nhân một tia hi vọng, bằng như lưu lại cho họ một cơ hội sống. Bệnh nhân ung thư ngày nay có đến hơn một nửa là bị dọa chết, là bị áp lực tinh thần dày vò đến chết. Đồng thời chế độ ăn uống kiêng khem không đủ dưỡng chất trong khi phải phẫu thuật, tiêm chích, hóa trị, xạ trị đủ đường khiến cơ thể không ngừng bị tàn phá, bào mòn. Đây cũng chính là bị bệnh viện hành hạ đến chết. Đáng ra nên hiểu rõ: cái đã được định không phải là mệnh mà chính là tâm, cái mà con người phải đối mặt không phải túc mệnh mà chính là bổn tâm của bản thân.

Con người chỉ khi ngộ ra được cái gì là tự nhiên, mới được coi là đắc đạo. Biết được tự nhiên, sau đó mới có thể tùy kỳ tự nhiên, người này chính là Thần Nhân. Hiểu được âm dương, hiểu được tùy kỳ tự nhiên nhất định sẽ trở thành lương y đại đức.

Điều tâm còn khiến cho thần minh, thần minh ắt cơ linh. Người có tâm thanh tĩnh thật tuyệt diệu biết bao, họ có cái nhìn biện chứng, tác phong bề ngoài linh hoạt, thấu hiểu các nguyên lý một cách chính xác, liệu sự nhìn xa trông rộng, gặp loạn bất kinh, thấy cảnh đẹp không bị mê hoặc, có thể thông đạt mọi thứ, bản thân không có những ý kiến chủ quan sai lệch, đại cơ đại dụng chính là từ đó mà ra.

Các bậc hiểu sâu đạo lý tu dưỡng đời thượng cổ dạy: gặp hư tặc tà phong của ngoại giới phải xa lánh kịp thời, đồng thời tư tưởng cũng phải ổn định, yên tĩnh không khởi tham vọng thì chân khí trong người được hòa thuận, tinh thần có thu mà không hao tán, bệnh tật không có ngõ nào để xâm nhập được. Nhờ vậy mà ý chí của họ rất an nhàn, ít có dục vọng, trong lòng của họ luôn luôn yên tĩnh, chẳng có sợ sệt, tuy lao động mà không mệt mỏi. Tâm không tham nên cái gì cũng thuận, lòng tự thấy đủ dễ được mãn nguyện, không đòi hỏi nhiều nên cũng dễ đạt được.

4. Đạo lý trong ẩm thực liệu pháp >>

Cơ thể con người bị bệnh là do mất quân bình quá lớn giữa hai yếu tố âm và dương. Chỉ cần ăn đúng quân bình âm dương là trị dứt hẳn mọi bệnh hoạn thân xác và tiêu trừ các vọng tưởng đảo điên cũng tức là trị lành bệnh tinh thần.

Khi ăn cần phải chú trọng ăn toàn phần. Thực phẩm toàn phần là thực phẩm chưa qua hoặc qua ít công đoạn chế biến nhất. Ăn toàn phần chính là tôn trọng trật tự của vũ trụ. Khi tiêu thụ thực phẩm toàn phần, cơ thể con người dễ dàng tái lập lại quân bình âm dương, từ đó bệnh tật được đẩy lùi, sức khỏe được khang kiện. Bệnh tật chính là sự đi ngược lại quy luật này.

Thực phẩm thiên nhiên ở đây bao gồm các thực phẩm đúng mùa và trồng tại địa phương. Theo thuyết Thân thổ bất nhị, con người và thiên nhiên vốn gắn bó mật thiết với nhau, như hai mà một. Con người ăn thực phẩm từ thiên nhiên, vì thế máu, nội tạng, khí lực cũng chính là từ thiên nhiên.

Ăn uống đúng giờ có thể không bị bệnh. Lượng thức ăn cũng tùy theo mỗi người. Nếu ăn quá no dễ gây thực trệ tổn thương chức năng vị tràng hoặc có thể gây các bệnh khác. Nếu để đói lâu ngày làm tạng phủ và cơ thể không được nuôi dưỡng, chính khí ngày càng hư, tạo điều kiện cho ngoại tà xâm phạm. Khi ăn cũng cần duy trì một trạng thái tâm tốt đẹp, lòng biết ơn, niềm tin và vui sống.

Ăn uống quá độ không những không thể gia tăng khí huyết mà lại trở thành cặn bã, khiến cơ thể phải tiêu hao khí huyết thanh lọc chúng. Lục phủ ngũ tạng là một xưởng gia công khí huyết, thức ăn là nguyên vật liệu, năng lực gia công là hữu hạn còn thức ăn là vô hạn, cho nên số lượng thức ăn nhất thiết phải được khống chế. Con người hiện đại bị bệnh, đại đa số là do ăn uống không điều độ mà thành.

Người ta khi khí không đầy đủ, không được mù quáng mà bổ khí, nếu không ắt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu như khí không đủ, thì cần phải bổ huyết trước bởi vì huyết là mẹ của khí, nếu không ắt sẽ thành dụng cụ thiêu đốt, làm cho nội tạng bị đốt cháy. Nếu là vì kinh lạc không thông, thì có thể gia tăng khí huyết, đồng thời bồi bổ khí huyết. Như vậy mới có thể đạt được tác dụng của bổ khí. 



Phần 4: Phòng ngừa tật bệnh

1. Điều hòa tâm tính >>

Hiện nay ngoài xã hội đều nói về cạnh tranh, việc này đã khiến cho mọi trật tự bị đảo loạn, xã hội trở nên điên loạn. Cạnh tranh chính là khiến người ta bị cuốn vào cảnh giới tham dục vô hạn. Một mặt đề xướng cạnh tranh, một mặt lại nói về những gì là xây dựng và ổn định xã hội, đây chẳng phải là điển hình của việc tự lừa mình dối mình sao? Cái tâm không sợ chịu thiệt, không sợ bị người khác chiếm lấy lợi ích, hay nói một cách khác là có thể chịu thiệt, người khác muốn lấy mạng của mình mà vẫn có thể buông xả, đều có thể cho họ hết, hơn nữa tự bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều không ham lợi ích, khi đó cái tâm của chúng ta có thể nào không định sao?

Người hiện đại thường chú trọng vào phương diện truy cầu đề cao chất lượng cuộc sống, hậu quả của loại truy cầu này rất đáng sợ. Cần biết, dục vọng của con người đối với vật chất là không có giới hạn. Khi mà loại dục vọng này không được khống chế, cũng tương đương sự thống khổ không có giới hạn của chúng ta. Kỳ thực, vật chất có thể đem lại sự hưởng thụ, thì tinh thần cũng có thể. Thuốc có thể trị bệnh, thì phương pháp trị liệu tâm lý cũng có thể làm được. Cho nên, chúng ta dùng cả cuộc đời để truy cầu tài phú thì chi bằng hãy dùng quãng thời gian ấy để bồi dưỡng một loại tâm thái tốt, khiến cho tinh thần của chúng ta đạt tới một loại cảnh giới siêu phàm.

Người thường mong cầu trường thọ, trước tiên phải trừ bệnh. Mong cầu trừ bệnh, phải biết dụng khí. Muốn biết dụng khí, trước hết phải dưỡng sinh. Phương pháp dưỡng sinh, trước hết phải điều tâm. Cho nên, đối với dưỡng sinh mà nói, hạ sỹ dưỡng thân, trung sỹ dưỡng khí, thượng sỹ dưỡng tâm. Chí ý hòa thì tinh thần luôn thoải mái, hồn phách không tán, không cáu gắt, ngũ tạng không dễ mắc tà bệnh. Nhìn một cá nhân cũng giống như thế, nhìn tướng không bằng nhìn khí, nhìn khí không bằng nhìn tâm.

2. Thường xuyên vận động >>

Bệnh tật, điển hình là ung thư, chẳng qua chỉ là những tế bào có trạng thái năng lượng bất thường. Các bác sĩ thông thường sẽ tìm cách loại bỏ các tế bào ung thư đó, trong khi cách làm đúng phải là tìm cách khiến các tế bào đó trở về trạng thái năng lượng bình thường. Muốn tế bào trở về trạng thái năng lượng bình thường điều quan trọng là phải biết luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần.

Hầu hết các bệnh tật đều là do tình trạng thiếu vận động, thiếu khí mà ra. Tản bộ là phương pháp điều hòa tâm, tâm điều hòa ắt thần an, thần an ắt khí đủ, khí đủ ắt huyết vượng. Khí huyết lưu thông, nếu có bệnh có thể trừ bệnh, nếu không đủ có thể bồi bổ, đã đủ rồi có thể gia tăng. Bệnh hiện tại có thể trừ, bệnh tương lai có thể phòng tránh. Hãy nhớ kỹ, vận động là có thể sinh dương, tản bộ thì có thể sinh âm. Âm là mẹ của dương, dương là được vận dụng bởi âm.

3. Khí huyết và kinh mạch >>

Sức khỏe con người không thể xa rời hai nhân tố: khí huyết đầy đủ, kinh mạch thông suốt. Khí huyết đầy đủ dựa vào ăn uống ngủ nghỉ và lối sống lành mạnh. Kinh mạch thông suốt cần tâm thanh tịnh. Trung Dung là nguyên tắc căn bản của dưỡng sinh. Khí huyết trong cơ thể người cũng là một cặp âm dương, huyết là âm là thể, khí là dương là dụng. Huyết là mẹ của khí, khí là chủ tướng của huyết.

Bệnh của con người có thể chia thành hai loại: một là kinh lạc cơ bản thông suốt nhưng khí không đủ. Hai là kinh lạc không thông, khí không có chỗ nào để lưu lại trong thân thể.

Trị bệnh về ngũ tạng, đầu tiên cần phải bổ khí. Khi bổ khí cấm động tâm, tâm động ắt gan vượng, gây chấn động mạch, chân thủy sẽ hao tổn. Tâm là quạt. Khi Tâm bị động, sẽ dẫn khởi phong, phong động ắt hỏa vượng, hỏa vượng ắt thủy can, thủy can ắt địa tổn. Tâm thuộc tính Hỏa, Thận thuộc tính Thủy, Tâm Thận liên hệ tương hỗ. Hỏa cần giáng hạ, Thủy cần thăng lên, Thủy Hỏa tương tề, ắt khí trong thân thể sẽ bộc phát.

Phàm là người nhìn nhiều ắt tổn thương huyết, nằm nhiều tổn thương khí, ngồi nhiều tổn thương thịt, đứng nhiều tổn thương xương, đi nhiều tổn thương gân, thất tình lục dục quá độ ắt tổn thương nguyên khí, hại tới tâm thận.

4. Dưỡng sinh theo mùa >>

Ấm dương bốn mùa là căn bản của vạn vật, là nguồn gốc của sinh, trưởng, lão, tử. Trái với quy luật này thì tai hại sẽ đến, thuận theo quy luật này thì bệnh tật không phát sinh. Theo thời nhiếp dưỡng là phương pháp dưỡng sinh thuận theo khí hậu bốn mùa, quy luật biến đổi của âm dương, phối hợp điều hòa tinh thần, nghỉ ngơi, ăn uống, vận động. Xuân Hạ dưỡng dương, Thu Đông dưỡng âm. Dưỡng dương đây là dưỡng Sinh khí của mùa Xuân và dưỡng Trưởng khí của mùa Hạ. Dưỡng âm chính là dưỡng Thâu khí của mùa Thu và dưỡng Tàng khí của mùa Đông.

Mùa Xuân, ấy là mùa dưỡng khí sanh sôi bày bố khắp nơi trời đất đều sanh, muôn vật đều tốt, đêm ngủ dậy sớm, rảo bước nơi sân thềm, bao trùm tóc lại, hình dáng chậm rãi. Khiến cho phần chí sống động, tha mà không giết, cho mà không lấy, thưởng mà không phạt. Mùa Xuân cần hạn chế vị chua và tăng thêm vị ngọt. Nghịch khí mùa Xuân, thì Kinh Thiếu Dương không lên được, mà khí tạng Gan sanh biến.

Mùa Hạ cỏ cây rậm tốt, khí trời đất giao nhau, muôn vật đơm bông kết trái. Đêm ngủ dậy sớm, không chán ngày dài, khiến cho phần chí không phẫn nộ, khiến cho hoa đẹp thêm xinh, khiến cho phần khí được bài tiết, tình thương nới rộng ra ngoài. Mùa Hạ nên ăn ít các thứ đắng, mặn và ăn nhiều các thứ cay ấm. Nghịch khí mùa Hạ, thì Kinh Thái Dương không trưởng thành được, mà khí tạng Tâm trống trải.

Mùa Thu, ấy là muôn vật đã thành hình trạng mà bình định. Khí trời khẩn cấp, khí đất an ninh để hòa hưởng sự hình hại của mùa Thu. Thu liễm thần khí, khiến cho khí mùa Thu bình hòa, không để cho phần chi rong ruổi ra ngoài, khiến cho hơi phổi trong trẻo. Mùa Thu cần giảm cay tăng chua. Nghịch khí mùa Thu, thì Kinh Thái Âm chẳng hấp thu được, mà khí tạng Phổi nám, sưng.

Mùa Đông vì là mùa bế tàng, nước đọng lại thành nước đá, đất nức nẻ, không nên làm nhiều kẻo loạn khí Dương, ngủ sớm thức trễ, phải chờ có ánh nắng mới thức. Khiến cho phần chí dưỡng ẩn núp, dưỡng cất giấu, dưỡng có ý riêng, dưỡng mình có sở đắc, tránh lạnh gần ấm, đừng để da thịt trầy trụa, khiến cho phần khí bị hao hớt. Mùa Đông thì nên hạn chế vị mặn và tăng cường vị đắng. Nghịch khí mùa Đông, thì Kinh Thiếu Âm chẳng bể tàng được, mà khí tạng Thận bị bế tàng.

Tháng 1: Dưỡng Thận phòng lạnh

Nguyên tắc dưỡng sinh: Thu đông dưỡng Âm, dưỡng Thận phòng lạnh.

Chú ý rèn luyện: Đi tản bộ nhiều, chạy chậm … đồng thời chú ý giữ ấm để phòng ngừa bệnh về đường hô hấp phát sinh.

Lưu ý trong ăn uống: Bồi bổ hợp lý có thể kịp thời bổ sung khí huyết, ăn nhiều thịt dê, thịt gà, ba ba, nhân của quả hạch đào, táo, thịt quả long nhãn, khoai từ, hạt sen, hoa bách hợp, hạt dẻ…Các loại đồ ăn này có công hiệu bổ tỳ vị, ôn thận dương, kiện tỳ tiêu đàm, khỏi ho bổ phổi. Nếu thể chất có thân nhiệt nóng, dễ dàng phát hỏa có thể bồi bổ ít hơn, ăn nhiều ít thì tùy thể trạng cho thỏa đáng. Kỵ hết thảy vật lạnh, như kem ly, thực phẩm sống, nguội.

Tháng 2: Dương khí sinh sôi, mùa xuân thích hợp ủ ấm

Nguyên tắc dưỡng sinh: Xuân hạ dưỡng dương, thích hợp ủ ấm vào mùa xuân.

Sinh hoạt thường ngày: “Lập xuân mưa đến, dậy sớm ngủ muộn”, sau lập xuân khí hậu vẫn đang khô ráo, bổ sung nước cũng là điều rất cần thiết.

Lưu ý trong ăn uống: Ăn nhiều thức ăn cay ấm, như táo, đậu, hành tây, rau thơm, đậu phộng, rau hẹ, tôm bóc vỏ…Kỵ đồ quá cay. Mùa xuân dương khí mới sinh, nên ăn chút ít đồ cay ngọt, không nên ăn chua. Bởi vì vị chua ứng với tạng gan, có tính kìm nén lại, bất lợi đới với sinh sôi dương khí và tiết ra can khí, ăn uống bồi bổ cần phải cung cấp chỗ tốt cho tạng phủ.

Tháng 3: Ngủ trễ dậy sớm, ăn ngọt dưỡng gan

Nguyên tắc dưỡng sinh: Xuân hạ dưỡng dương, xuân dưỡng gan.

Lưu ý trong ăn uống: Nên ăn nhiều đồ ngọt, như táo, cơm cháy, khoai từ, rau hẹ, cải bó xôi, cây tể thái, thịt gà, gan gà…Ít ăn các thức nhiều chua như cà chua, chanh, quýt…Mùa xuân thích hợp ăn nhiều loại đồ ăn có thể ôn bổ Dương khí. Dược Vương Tôn Tư Mạc đời nhà Đường nói: “Mùa xuân nên ít ăn đồ chua, ăn nhiều đồ ngọt, dùng dưỡng Tỳ khí.” Trung y cho rằng Tỳ khí là vốn cho hậu thiên, mùa xuân ứng tạng gan, can khí vượng có thể làm tổn thương Tỳ, cho nên mùa xuân phải chú ý ăn nhiều thức ăn ngọt, ít đồ chua để dưỡng Tỳ.

Tháng 4: Điều tiết âm dương

Nguyên tắc dưỡng sinh: Bổ thận, điều tiết Âm Dương.

Dưỡng sinh then chốt: Bảo trì tâm tình thoải mái, lựa chọn động tác nhu hòa, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động, như đi chơi trong tiết thanh minh, tập thể dục, tập Thái Cực Quyền, tập thiền định… Phương diện bồi bổ ẩm thực, cần đúng giờ đúng lượng, tránh rượu chè ăn uống quá độ.

Lưu ý trong ăn uống: Ăn nhiều rau cải xôi, cây tể thái, hành tây, hoa quả, khoai từ, củ cây kỷ, thịt thỏ; ăn ít đồ ăn quá cay, nhiều mỡ, thức ăn lạnh, như ớt, thịt mỡ, cá biển, tôm biển…

Tháng 5: Chú ý tạng Tim

Nguyên tắc dưỡng sinh: Trung y luận rằng: “Vào hạ” trước sau lợi cho hoạt động sinh lý của tạng Tim. Vào lúc chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hạ mọi người cần thuận theo biến hóa của thời tiết, trọng điểm chú ý tạng Tim.

Điều dưỡng tinh thần: “Vào hạ”, trên tinh thần bảo trì tâm tình hài lòng, tránh quá vui quá giận làm suy giảm tâm dương.

Lưu ý trong ăn uống: Nên ăn nhiều đồ ăn thanh nhiệt lợi ấm, như đậu đỏ, ý dĩ nhân, đậu xanh, bí đao, mướp dây, cần tây nước, nấm mèo, ngó sen, cà chua, dưa hấu, khoai từ…Kiêng đồ ăn quá ngọt, quá cay như mỡ động vật, các loài cá biển tanh, hành tây, tỏi, ớt.

Tháng 6: Ngủ trễ dậy sớm

Nguyên tắc dưỡng sinh: Chú ý tăng cường thể chất, tránh phát sinh bệnh tật trong mùa, như cảm nắng, viêm tuyến nước bọt, thủy đậu.

Dưỡng sinh then chốt: Cần ngủ trễ dậy sớm, để thuận theo tự nhiên tăng cường dương khí, lợi cho vận hành khí huyết.

Lưu ý trong ăn uống: Lấy thức ăn thanh bổ làm nguyên tắc. Nên ăn các loại rau quả, các loại đậu, hoa quả… như lê, mướp đắng, dưa hấu, vải, xoài, đậu xanh, đậu đỏ… Kỵ thức ăn quá cay nhiều mỡ.

Tháng 7: Lao động nhàn hạ, bảo hộ dương khí

Nguyên tắc dưỡng sinh: Bảo hộ dương khí

Chú ý trong dưỡng sinh: Đối với người bị xuất huyết não mà nói, phải cam đoan ngủ đủ giấc, cũng tăng cường thông gió trong phòng, ở chỗ trời nóng oi bức phải chú ý giảm nhiệt. Còn phải chú ý vệ sinh ăn uống, tránh bệnh truyền nhiễm qua đồ ăn. Ngày nóng tránh bị cảm nắng là vô cùng quan trọng. Người lao động chân tay, ngoài lúc làm việc thì cần uống nhiều nước.

Lưu ý trong ăn uống: Thức ăn lấy thanh nhạt làm chủ, nhiều rau lá xanh và mướp đắng, dưa leo…, hoa quả thì nên dùng dưa hấu. Kỵ thức ăn quá cay nhiều mỡ.

Tháng 8: Thần chí an bình

Nguyên tắc dưỡng sinh: Đề phòng trúng gió hạ nhiệt

Chú ý trong dưỡng sinh: “Nắng gắt cuối thu” thuộc ấm khô, tổn hại nướt bọt của thân thể người, dễ làm khô da, khô mắt, khô cổ, ít nước bọt, tiểu vàng, táo bón… Người cao tuổi dễ bị bệnh tim mạch và tai biến mạch mãu não

Điều dưỡng tinh thần: Tinh thần sau “Lập thu” cần điều dưỡng đạt tới nội tâm yên bình, thần chí an tĩnh, tâm tình thoải mái, tránh quá đau buồn, để thích ứng mùa thu cần bình hòa.

Sinh hoạt thường ngày: Sinh hoạt cần ứng với “Ngủ sớm dậy sớm, giống như loài gà vậy”

Tháng 9: Điều hòa âm khí, giữ gìn dương khí, phòng cái khô của mùa thu
Nguyên tắc dưỡng sinh: Âm dương cân bằng, điều hòa âm khí, giữ gìn dương khí

Chú ý trong dưỡng sinh: Tâm tình vui vẻ, có thể rèn luyện thân thể. Phòng khí khô của mùa thu cũng rất quan trọng.

Lưu ý trong ăn uống: Ăn nhiều tây dương sâm, sa sâm, nhân hoa bách hợp, xuyên bối, bí đao, dưa leo, củ cải trắng, lê…Còn có thể dùng hành, gừng, đậu khấu, rau thơm để dự phòng và trị cảm mạo.

Kiêng: Đồ ăn tanh tôm cá biển, như cá hố, cua, tôm, rau hẹ, ớt …

Tháng 10: Kìm chế cảm xúc, dưỡng âm tinh

Nguyên tắc dưỡng sinh: Thu đông dưỡng Âm. Mùa thu phải bảo dưỡng âm khí trong cơ thể, khi khí hậu trở nên lạnh, chính là lúc thân thể thu lại dương khí, âm tinh ẩn núp bên trong, nên cần phải lấy dưỡng âm tinh làm chủ.

Điều dưỡng tinh thần: Chú ý kìm chế cảm xúc, tránh những chuyện vui buồn quá nhiều, bảo trì tâm tình hài lòng, bình an vượt qua mùa thu. Mùa thu đối ứng với nội tạng là phổi, cho nên lúc này cần đề phòng khí khô tà xâm phạm thân thể mà hao tổn âm tinh, tổn thương phổi.

Lưu ý trong ăn uống: Nên ăn nhiều hạt mè, gạo nếp, gạo tẻ, mật ong, gà, thịt bò, cá, táo, khoai từ… để tăng cường thể chất. Ăn ít hành, gừng, tỏi, đồ ăn quá cay.

Tháng 11: Ngủ sớm dậy muộn, bảo hộ dương khí

Nguyên tắc dưỡng sinh: Nghỉ ngơi dưỡng sức, tăng cường thể chất.

Điều dưỡng tinh thần: Điều dưỡng tinh thần trong tháng 11 cần làm được tinh thần yên tĩnh, bảo hộ dương khí, không nên tiêu hao âm tinh quá độ, cần bảo trì tâm thái hài lòng.

Sinh hoạt thường ngày: Trong sinh hoạt cần làm được ngủ sớm dậy muộn, đảm bảo ngủ đủ giấc, chú ý giữ ấm phần lưng, như vậy, có lợi cho ẩn núp dương khí, súc tích âm tinh, ăn mặc cũng chú ý giữ ấm. Ăn uống tuân theo nguyên tắc “Thu Đông dưỡng âm”.

Lưu ý trong ăn uống: Ăn nhiều thịt bò, thịt dê, gà đen, sữa đậu nành, sữa bò, củ cải trắng … Ăn ít đồ lạnh, như hải sản…

Tháng 12: Bồi bổ vừa phải, kết hợp động và tĩnh

Nguyên tắc dưỡng sinh: Bồi bổ “Theo người, theo mùa, theo đất” .

Trọng điểm dưỡng sinh: Dưỡng sinh nên vừa phải, kết hợp động và tĩnh. Tinh thần cần hướng về phương diện tích cực, bảo trì sự lạc quan. Người có thể chất yếu, hay chức năng tiêu hóa kém, cần “bồi bổ chậm”, thích hợp ăn nhiều “súp đương quy thịt dê”… Ăn nhiều rau quả, tránh đồ quá bổ, bồi bổ quá nhanh. Người thể chất tốt thì “Bồi bổ bình thường”, không nên ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, để ngừa sinh nóng bên trong thân thể mà nảy sinh bệnh tật.

Lưu ý trong ăn uống: Ăn nhiều thịt dê, thịt bò, rau cần, củ cải trắng, khoai tây, cải trắng, rau cải xôi, táo, long nhãn…kỵ ăn thức ăn sống nguội, như hải sản quá lạnh hoặc đồ ăn lạnh.



Phần 5: Những hướng dẫn dưỡng sinh

Ăn gạo có cám, thức ăn có chất xơ. Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen. Củ cải trắng, sống không tốt nhưng chín thì bổ.

Ăn không quá no, no không nên nằm. Ăn nhiều rau quả, ít ăn đồ thịt. Ăn uống chừng mực, ngủ dậy đúng giờ.

Cá thối tôm rữa, lấy mạng oan gia. Đồ chín mới ăn, nước chín mới uống. Ăn mặc giữ ấm, nhất thân là xuân.

Ẩm thực không tham, bữa tối ăn ít, khi ăn không nói, không nên hút thuốc; ít muối ít đường, không ăn quá mặn, ít ăn chất béo, cơm không quá nhiều.

Mỗi ngày ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh hoa quả, ăn nhiều không sợ; đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp không vội.

Uống rượu có độ, danh lợi chớ tham, chuyện thường không giận, tấm lòng phải rộng.

Ăn no không gội đầu, đói không tắm. Rửa mặt nước lạnh, vừa đẹp vừa khỏe. Mồ hôi chưa khô, đừng tắm nước lạnh.

Đánh răng nước ấm, chống ê chắc răng. Lạnh chớ chạm răng, nóng chớ chạm môi. Đầu nên để lạnh, chân nên giữ ấm.

Mùa hè không ngủ trên đá, mùa thu không ngủ trên phản. Mùa xuân không hở rốn, mùa đông không che đầu. Ban ngày hoạt động, tối ngủ ít mơ.

Tối ngủ rửa chân, hơn uống thuốc bổ. Buổi tối mở cửa, hễ ngủ là say. Tham mát không chăn, không bệnh mới lạ.

Ngủ sớm dậy sớm, tinh thần sảng khoái, tham ngủ tham lạc, thêm bệnh giảm thọ. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối.

Một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngáy trên giường. Ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường.

Gối đầu chọn không đúng, càng ngủ người càng mệt. Tâm ngủ trước, người ngủ sau, ngủ vậy sẽ thành mỹ nhân.

Đầu hướng gió thổi, ấm áp dễ chịu, chân hướng gió thổi, hãy mời thầy lang. Không ngủ nơi ngõ hẻm, độc nhất khi gió lùa.

Muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông. Đi ngủ không thắp đèn, sáng dậy không chóng mặt.

Luyện thân thể, động cùng tĩnh, cuộc sống hài hòa tâm khỏe mạnh; phải thực dưỡng, no tám phần, tạng phủ nhẹ nhõm tự khai thông.

Tay vận động, tốt cho não, phòng ngừa bị lạnh và cảm cúm.

Người đến tuổi già, thì phải rèn luyện, đi bộ chạy chậm, luyện công múa kiếm; đừng sợ giá lạnh, quét sạch sân nhà, hội họa thêm vui, tấm lòng rộng mở.

Người nóng giận, dễ già yếu, thổ lộ thích hợp người người vui; thưởng thức thư họa, bên suối thả câu, lựa chọn sở thích tự do chơi.

Dưỡng sinh là động, dưỡng tâm là tĩnh. Dưỡng sinh là cần cù, dưỡng tâm là tĩnh tại. Tâm không thanh tịnh, ưu tư vọng tưởng dễ nảy sinh. Tâm thần an bình, bệnh sao đến được. Nhắm mắt dưỡng thần, tĩnh tâm ích trí.

Tâm không bệnh, nên phòng trước, tâm lý tốt thân thể khỏe mạnh; tâm cân bằng, phải hiểu biết, cảm xúc ổn định bệnh tật ít.

Dược bổ thực bổ, đừng quên tâm bổ. Coi tiền như cỏ, coi thân như bảo. Khói hun cháy lửa, tốt nhất không ăn. Chiên dầu ngâm ướp, ít ăn thì tốt.

Nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm, trồng hoa nuôi chim, đọc sách ngâm thơ; chơi cờ hát kịch, không ham phòng the, việc tư không nhớ, không chiếm lợi riêng. Vui chơi biết đủ, không cầu an dật.

Dùng đầu óc, không mệt nhọc, bớt lo dưỡng tâm ít náo nhiệt; có quy luật, sức khỏe tốt, cuộc sống thường ngày phải hài hòa.



Phần 6: Các tài liệu tham khảo






















































































Tags:

Written by

But nevemind.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
@2015 | Designed by SuperDoctor