Zen Meditation Technique

Share & Comment


Giới thiệu

Thiền đem lại nhiều lợi ích to lớn về tinh thần cũng như thể chất cho mọi người. Về tinh thần, thiền giúp nâng cao khả năng tập trung, sáng tạo, tư duy giải quyết vấn đề, giúp chúng ta trở nên tươi vui, thu hút, tính tình ôn hòa hơn đồng thời cũng kiên định, vững vàng hơn trước những việc không như ý muốn hoặc sự mất mát, đau thương. Về thể chất, thiền giúp điều hòa nhịp tim và hơi thở, xoa diu căng thẳng, phát triển các tế bào, giảm tiến trình lão hóa, ngăn ngừa và tự điều trị bệnh tật, khiến cơ thể luôn tràn đầy năng lượng để làm việc và vui chơi.

Khóa học này giúp mọi người có cái nhìn sâu vào thiền, không chỉ như một liệu pháp điều trị thân tâm mà cao hơn nữa là phương pháp song tu tính mệnh, đưa đến giác ngộ để từ đó nhận ra đạo lý thường hằng, thể nhập vào sự thật vũ trụ, chân chính lên một tầng cao mới.

Nội dung

Phần 1: Thiền là gì

Thiền là môt từ thực sự khó định nghĩa ở bất cứ ngôn ngữ nào và thường gây bối rối cho độc giả. Vậy nó có nghĩa là gì?

Theo tự điển tiếng anh Oxford, thiền là sự thực hành suy tư sâu sắc trong tĩnh lặng để cho tâm của người thực hành an tịnh. Còn tự điển Merriam-Webster thì đưa ra hai định nghĩa khác nhau: thứ nhất, thiền là ngâm mình trong sự trầm tư mặc tưởng hay sự phản tỉnh; thứ hai, thiền là tham dự vào việc luyện tâm (như tập trung vào hơi thở hay trì tụng một câu thần chú lặp đi lặp lại nhiều lần) với mục đích hướng đến sự tỉnh thức tâm linh ở một cấp độ cao.

Và theo tự điển Cambridge, thiền là hoạt đông hướng sự tập trung của bạn vào một đối tượng (có thể là một hoạt động mang tính chất tôn giáo hoặc một phương thức nào đó để được trầm tĩnh và buông xả).

Nói chung, tất cả những định nghĩa này đều mang cùng một ý nghĩa: đó là sự nỗ lực hết mình để ràng buộc tâm vào một điểm duy nhất vì dường như người ta không có khả năng tập trung vào hai đối tượng trong cùng một thời điểm.

Suy cho cùng, chúng ta thường có khuynh hướng dùng từ “thiền” để mô tả những sự thực tập có tính trầm tư mặc tưởng hay những sự thực hành phản ánh sự suy nghiệm.

Dựa trên ý nghĩa này, thiền không nhất định mang ý nghĩa tôn giáo. Mà đúng hơn, thiền là một phần tri nghiệm tự nhiên của con người chúng ta, và nó có thể được dùng làm phương thuốc trị liệu để gia tăng sức khỏe cũng như nâng cao hệ miễn dịch trong con người chúng ta.

1. Định nghĩa Thiền >>

Hiện nay, chữ 'Thiền' được sử dụng rất nhiều để diễn tả nhiều cách thực tập.

Trong Phật giáo, chữ Thiền được dùng để chỉ định hai cách thực tập sau đây:

Cách thực tập một gọi là 'Thiền định' (samatha), và cái thứ hai gọi là 'Thiền Minh Sát' (Vipassana).

Thiền định (Samatha) là cách tập trung ý tưởng vào một vật và không để bị chi phối bởi gì khác. Ta chọn một đề mục như hơi thở chẳng hạn, và chú tâm theo dõi hơi thở ra vào. Trong cách thực hành nầy sau một thời gian huân tập, tâm trí của bạn sẽ được an lành, yên tịnh, vì những ý tưởng lăng xăng lộn xộn đến từ những cảm thọ đã bị cắt đứt. Không cần phải nói, muốn được yên tịnh, bạn cần phải sử dụng những gì có thể mang lại sự yên tịnh. Nếu bạn muốn náo nhiệt thì đừng tìm đến thiền viện, mà hãy đi vào vũ trường. Sự náo nhiệt hay làm chúng ta chú ý, phải không nào ? Sự náo nhiệt có những rung động rất mạnh và chúng hút bạn vào trong đó. Nếu đi xem phim mà phim sôi động thì bạn cũng náo nức không kém. Bạn chẳng cần chút cố gắng nào. Nhưng nếu bảo bạn phải chú tâm vào cái gì yên tịnh thì thiệt là chán, phải vậy không ? Còn gì chán bằng khi phải theo dõi hơi thở khi mà bạn đã từng quen chú ý đến những cái náo nhiệt hơn? Vì thế đối với sự thực tập nầy, bạn cần phải có một sự cố gắng lớn nơi tâm trí của bạn, vì hơi thở không có gì đặc biệt, không lãng mạn, không phiêu lưu, hay hấp dẫn...hơi thở rất là tầm thường. Nó chỉ có như thế, vì vậy bạn phải cố gắng nhiều hơn. Trong cách thiền nầy, bạn không cần phải sáng tạo bất cứ một hình ảnh nào. Chỉ cần chú tâm theo dõi hơi thở. Sau một thời gian theo dõi hơi thở, dần dần hơi thở sẽ trở nên nhẹ nhàng, đều đặn, và bạn sẽ trở nên trầm lặng hơn... Có những lời khuyên nên tập thiền định để giúp không bị áp huyết cao, vì thiền định làm cho nhịp tim đập tốt hơn. Ðây là một cách thực tập để được yên tịnh. Bạn có thể chọn những đề mục khác nhau để tập trung sự chú tâm cho đến khi mà bạn cảm thấy mình và đề mục chú tâm trở nên Một. Sau một thời gian tập luyện đến mức độ nầy thì gọi là 'sự hòa nhập'.

Trong khi Thiền Minh Sát (Vipassana) hoặc 'Thiền quán' thì với cách thực tập theo cái nhìn thấu đáo thì tư tưởng của bạn sẽ được mở rộng. Bạn không cần phải chọn những đề mục đặc biệt để tập chú tâm, hoặc phải hòa nhập với chúng. Nhưng bạn chỉ cần nhìn, quan sát để hiểu rõ sự vật như nó là. Khi nào bạn thấy rõ sự vật như nó là thì bạn sẽ thấy những cảm xúc thật là vô thường. Mọi thứ bạn thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm; tất cả những khái niệm trừu tượng... những cảm giác của bạn, ký ức hay ý nghĩ -- đang trên đà thay đổi, và tâm tưởng của bạn cũng vì thế mà đổi thay... Chúng xuất hiện một lúc rồi chúng biến mất. Trong Thiền Vipassana, chúng ta giữ ý niệm của sự vô thường (hoặc thay đổi) như là một cách để quan sát những cảm thọ. Ðây không phải là một triết lý hay một sự tin tưởng có tính cách Phật học, mà đây là thấy được Vô thường -- thấy mọi vật một cách thấu đáo, với cặp mắt của hiểu biết, để biết rõ mọi sự vật như chúng là. Ðây không phải là cách phân tách những sự vật để đánh giá rằng chúng như thế nầy hay thế khác - và khi sự vật không như ta nghĩ, ta lại tìm cách suy đoán nguyên nhân tại sao. Với sự thực tập về ' cái thấy rốt ráo', chúng ta không phân tách hay thay đổi sự vật theo ý của mình. Trong cách thực tập nầy, chúng ta chỉ kiên nhẫn quan sát để thấy những gì xuất hiện sẽ biến mất, cho dù trên phương diện tinh thần hay vật chất. Khi 'căn' và 'trần' duyên với nhau thì ý thức liền xuất hiện. Sau đó là cảm giác thương hoặc ghét đối với những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm. Tất cả những tên gọi, những ý tưởng, những chữ và khái niệm, chúng ta đặt ra theo kinh nghiệm của sự cảm thọ.

Phần lớn đời sống của chúng ta được dựa trên sự phán đoán sai lầm vì chúng ta không hiểu cũng như không chịu tìm tòi sự thật. Vì vậy đối với một người không 'tỉnh thức', cuộc sống dường như chán chường, lộn xộn, nhất là lúc mà những thất vọng hay đau buồn xảy đến. Và như vậy, người đó dễ bị khủng hoảng thần kinh, vì họ đã không quan sát được sự vật như chúng là.

Trong danh từ Phật giáo, chúng ta dùng chữ Pháp (Dhamma or Dharma) có nghĩa là "sự thể như nó là" - "luật thiên nhiên". Khi chúng ta quan sát và 'thực tập pháp', chúng ta mở rộng tư tưởng của chính mình để hiểu rõ sự vật như nó là. Như vậy, chúng ta sẽ không còn phản ứng mù quáng, chạy theo những cảm thọ; chúng ta đã hiểu được, và với sự hiểu biết nầy, là một bắt đầu cho sự từ bỏ chạy theo cảm thọ. Chúng ta không bị những bề ngoài của sự vật làm mờ mắt, và chúng ta bắt đầu giải thoát cho chính mình khỏi sự ràng buộc. Ðể được tỉnh thức không phải là để trở thành như thế mà là 'sống như thế'. Vì thế, chúng ta hãy tập quan sát ngay bây giờ xem như thế nào, hơn là làm cách nào để trở nên như thế trong tương lai. Ngồi nơi đây, chúng ta quan sát thân thể như nó là. Thân thể thuộc về thiên nhiên, phải không nào? Cơ thể con người thuộc về đất, nó cần được nuôi dưỡng bằng những thức từ mặt đất. Bạn không thể sống bằng không khí hoặc thử nhập cảng thực phẩm từ hành tinh hay vệ tinh. Bạn cần phải ăn những thức ăn được nuôi dưỡng và lớn lên từ trái đất nầy. Khi mà cơ thể hư hoại, nó trở về cát bụi, nó hư thối, mục rửa và trở nên một với đất. Nó chỉ theo chu trình tự nhiên của sinh và diệt, của thành và hoại. Tất cả những gì sanh ra sẽ lớn lên, già đi và rồi chết. Tất cả mọi thứ trong thiên nhiên cho đến vũ trụ, cũng có thời hạn của chúng; sanh rồi chết, bắt đầu và kết thúc. Tất cả những gì chúng ta nhận thấy và có khái niệm đều trên đà thay đổi; chúng vô thường, vì thế không có gì có thể làm bạn hài lòng lâu dài.   

Với sự thực tập pháp, chúng ta quan sát sự bất như ý của các cảm thọ. Bạn hãy để ý xem, trong cuộc sống của bạn, khi bạn muốn được như ý từ những cảm thọ thì sự thỏa mãn nầy chỉ ngắn hạn, dù hạnh phúc, cũng chỉ trong giây phút -- và rồi thì nó cũng thay đổi. Bởi vì trong ý thức cảm thọ, không có tính chất thường còn. Vì vậy cảm thọ luôn đổi thay và vì si mê, thiếu hiểu biết, nên chúng ta hay đòi hỏi quá đáng nơi những cảm thọ. Chúng ta hay hy vọng, đòi hỏi, tạo ra đủ mọi thứ để rồi sau đó cảm thấy thất vọng, chán chường, hối tiếc, với nỗi thống khổ già, bệnh, chết. 

Ðây là cách xem xét ý thức của cảm thọ. Tư tưởng có thể suy nghĩ một cách trừu tượng, có thể tạo ra đủ thứ ý kiến và hình ảnh, có thể làm cho mọi vật trở nên xinh đẹp hay thô xấu. Nó có thể biến một trạng thái từ sang đẹp, hạnh phúc tới đau đớn, thô kệch, khổ sở : từ thiên đàng đến địa ngục. Nhưng không có thiên đàng hay địa ngục thường trực, bởi vì tất cả đều là vô thường. Trong lúc chúng ta thực tập thiền, chúng ta bắt đầu biết được những giới hạn, thấy rõ sự bất như ý, tính chất thay đổi của cảm thọ; chúng ta cũng bắt đầu hiểu rằng không có gì là "tôi" hay "của tôi", tất cả chỉ là "anatta", vô ngã.

Vì vậy, khi hiểu rõ điều nầy, chúng ta bắt đầu giải thoát cho chính chúng ta khỏi những ràng buộc với những trạng thái của cảm thọ. Không phải là chúng ta chán ghét chúng nhưng để hiểu rõ thực chất của chúng.

Ðây là một sự thật cần được thấu hiểu, không phải là niềm tin. "Anatta" không phải là niềm tin của Phật giáo nhưng mà là một chứng nghiệm thực sự. Bây giờ nếu bạn không chịu bỏ thời gian để tìm hiểu điều nầy, và vì thế suốt cuộc sống của bạn, bạn tin rằng bạn là thân thể nầy. Măc dù đôi lúc bạn cũng chợt nghĩ, "Ô, tôi không phải là thân nầy" lúc bạn đọc một bài thơ gây hứng khởi hoặc một đoạn về triết lý mới. Bạn có thể nghĩ thật là hay quá, vì mình không phải là thân thể nầy, nhưng chính bạn đâu có chứng nghiệm được điều đó. Cho dù có những người rất thông thái sẽ nói, 'chúng ta không phải là thân thể, thân thể không phải là tôi' - nhưng thật ra, nói thì dễ, nhưng thật sự Biết thì là việc khác. Xuyên qua việc thực tập Thiền, khi có được sự hiểu biết về tính chất thật của sự vật, chúng ta bắt đầu cởi trói cho chính chúng ta khỏi những ràng buộc tham đắm. Khi chúng ta không còn đòi hỏi, ham muốn thì chúng ta sẽ không còn hối tiếc hay chán nản, đau buồn khi chúng ta không được những gì chúng ta muốn.  

Và đây là mục đích -- Niết bàn (Nibbana hay Nirvana), là sự thấu hiểu về không ham muốn bất cứ điều gì có bắt đầu và có kết thúc. Khi chúng ta bỏ đi những ham muốn thường hằng, chúng ta bắt đầu thấu hiểu được sự bất tử.

Nhiều người chỉ sống một cuộc sống giống như con chó của Pavlovian. Dù có thông minh nhưng chỉ là sự thông minh được 'uốn nắn' sẵn. Nhìn xem con chó của Pavlovian, chảy nước dãi khi nghe tiếng chuông - chúng ta cũng có hơn gì đâu. Bởi vì với kinh nghiệm cảm thọ, tất cả chỉ là được 'uốn nắn' sẵn. Thân thể, cảm giác, ký ức, ý nghĩ là những khái niệm đã 'có sẵn' trong tâm thức, xuyên qua cuộc sống làm người. Ðược sanh ra trong một gia đình, chủng tộc, quốc tịch, thuộc về một giai cấp nào đó, dựa trên cơ thể đàn ông hay đàn bà, xấu hay đẹp, vân vân và vân vân. Ðây là tất cả những trạng thái 'có sẵn', không phải là của chúng ta, không phải Tôi hay Của tôi. Những trạng thái nầy theo quá trình của quy luật thiên nhiên, chúng ta không thể nói, "Tôi không muốn già đi"-- Chúng ta có thể nói như thế, nhưng mà cơ thể vẫn cứ già. Chúng ta không thể nào đòi hỏi cơ thể không bao giờ đau đớn hay đừng bịnh, lúc nào cặp mắt cũng thấy rõ, tai lúc nào cũng nghe rõ.

Chúng ta thường hy vọng như vậy, có phải không nào? "Tôi mong sao cho tôi luôn khỏe mạnh, không bao giờ bị tàn tật, luôn luôn có mắt sáng, không bao giờ bị mù lòa; có tai thính để luôn luôn nghe rõ, không như những người già lãng tai, luôn bị người la vào mặt; và tôi sẽ không bị lãng, lúc nào cũng điều khiển được các giác quan của mình cho đến khi 95 tuổi, vẫn còn lanh lẹ, sáng suốt, yêu đời, và được chết trong giấc ngủ không đau đớn." 

 Chúng ta ai ai cũng đều mong muốn như vậy cả. Có những người trong chúng ta có thể sống lâu và chết an lành. Cũng có thể xảy ra như thế, nhưng mà khó nói trước lắm! Nhưng gánh nặng cuộc sống sẽ nhẹ đi nhiều nếu chúng ta biết được giới hạn của chính mình. Chúng ta sẽ biết được chúng ta làm được gì và học được gì trong đời sống nầy. Những nỗi khổ đau của con người đều bắt nguồn từ những ham muốn quá đáng, muốn được hết những gì mình đòi hỏi.

Do đó, khi thực tập thiền, thì chúng ta sẽ thấu hiểu rõ ràng về sự vật cũng như tính chất thật của chúng. Chúng ta có thể thấy vẻ đẹp, vẻ cao quý, sự sung sướng, cũng như sự xấu xí, sự đau đớn, nỗi khổ đau, là những trạng thái vô thường. Nếu bạn thật sự hiểu điều nầy thì bạn có thể sung sướng và chịu đựng tất cả những gì có thể xảy ra cho bạn. Thật ra, bài học của cuộc sống là học chịu đựng những gì chúng ta không thích nơi chúng ta cũng như nơi cuộc sống, để trở nên kiên nhẫn và tử tế hơn và sẽ không quá chú trọng đến những gì bất toàn nơi những cảm thọ. Chúng ta có thể thích ứng và chịu đựng cũng như chấp nhận tính cách đổi thay của sự vật, để không còn bám víu vào chúng nữa. Khi chúng ta không còn đồng hóa mình với sự vật, chúng ta sẽ kinh nghiệm được bản chất thật của mình. Một cái gì đó trong sạch, sáng suốt, hiểu biết. Không còn sự lệ thuộc giữa ta và vật. Không có "của tôi" hay "tôi"... không có gì để bám víu vào hay phải đạt cho được.

Những lời dạy của Ðức Phật giúp chúng ta thấy rõ được sự vật như chúng là. Những lời dạy đưa chúng ta đến sự hiểu biết. Những lời nầy không phải là những lời răn hay giáo điều mà chúng ta buộc phải chấp nhận hay tin tưởng. Chúng ta không học những lời dạy của Ðức Phật như học bài; nhưng mà học những lời nầy để tự nhắc nhở mình phải luôn tỉnh thức, sáng suốt và chú ý đến những gì đang xuất hiện cũng như biến mất.

Ðây là một cách luôn luôn theo dõi và quan sát không ngừng nghỉ về những hiện tượng của cảm thọ. Khi có được thân thể nầy và sống trong một xã hội như hiện nay, ai ai trong chúng ta cũng cảm thấy bị 'búc xúc' phần nào. Mọi sự diễn biến rất nhanh...truyền hình và máy móc hiện đại, xe cộ... mọi thứ dường như tiến triển ở mức độ khá nhanh. Thật là hay, thật là náo nhiệt và thích thú, và mọi thứ hình như thu hút mọi giác quan của chúng ta. Chẳng hạn ở Luân Ðôn, để ý xem, chúng ta sẽ thấy những bích chương quãng cáo mời gọi chúng ta dùng rượu và thuốc lá! Sự chú ý của chúng ta được mời gọi để tiêu thụ, các giác quan luôn luôn tìm kiếm những kích thích mới cho sự cảm thọ. Xã hội vật chất luôn kích thích lòng tham của chúng ta, để cho chúng ta phải xài tiền, và sẽ không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có. Lúc nào cũng phải có gì khác hơn, tốt hơn, đẹp hơn, ngon hơn, mới hơn những thứ của ngày hôm qua....Và cứ tiếp tục như thế, các giác quan của bạn bị bao thứ mời gọi, lôi kéo...

Nhưng khi chúng ta bước vào thiền phòng, chúng ta không đến đây để nhìn nhau, hoặc để cho những đồ vật trong phòng lôi cuốn. Nhìn mọi vật để nhắc nhở lấy mình, nên tập trung tư tưởng vào một vật an lành, hoặc tìm hiểu và suy ngẫm về bản chất của sự vật. Chúng ta cần phải chứng nghiệm điều nầy tự nơi bản thân mỗi người. Không có sự giác ngộ của ai khác có thể làm cho mình trở nên giác ngộ. Ðây là một việc làm đòi hỏi nơi tự tâm. Không thể nào đem sự giác ngộ của người khác để giúp mình giác ngộ. Ðây là một cơ hội để khuyến khích và chỉ dẫn cho những ai muốn 'tự thức tỉnh'. Nơi đây, thường thì không ai giựt bóp của bạn cả! Vì đây là Thiền Viện nên vẫn an toàn hơn ngồi ở gánh xiếc phải không nào ? Thiền Viện là nơi tạm trú để khai thị tư tưởng của chúng ta. Ðây là một cơ hội duy nhất của chúng ta để thực tập Thiền khi chúng ta đang mang được thân người.


Ðược làm người chúng ta có được tư tưởng có thể suy ngẫm và quan sát. Bạn có thể quan sát sự giận dữ, hay ghen tuông, hoặc sự lộn xộn nơi tư tưởng của mình. Khi bạn ngồi xuống và cảm thấy thật sự lộn xộn hay tức giận, có một cái gì nơi bạn đang biết được điều nầy. Nếu bạn không thích nó thì bạn sẽ phản ứng một cách mù quáng. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn và quan sát thì bạn sẽ thấy sự tức giận, lộn xộn, hay tham lam đều là những trạng thái luôn thay đổi, không thường hằng. Nhưng một con thú thì không thể quan sát như chúng ta được. Khi nó giận thì nó chỉ biết giận. Thử bảo một con vật nào đang giận, quan sát cái giận của nó xem! Dĩ nhiên là không thể nào được. Nhưng chúng ta có thể quan sát được con mèo, và luôn cả những ham muốn của nó khi nó nhìn thấy đồ ngon. Chúng ta thấy đồ ngon, thích thú những đồng thời cũng thấy được cái ham muốn nơi chính mình. Và đây là cách dùng sự sáng suốt của chính mình để theo dõi cái ham muốn và để hiểu rõ nó hơn. Cái mà đang quan sát sự ham muốn. Sự ham muốn không thể quan sát lấy chính nó. Vì thế cái mà đang quan sát theo dõi sự vật, chúng ta gọi là "Phật" hay "Phật tánh" -- 'Cái biết' , sự chú ý về những gì đang xảy ra.

2. Thiền Phật Giáo Theo Quan Điểm Bình Dân >>

Khi được hỏi về thiền, ai trong chúng ta dường như đều có cùng câu trả lời bất kể chúng ta là ai đi nữa. Người bình thường hay liên tưởng đến thiền Phật giáo theo một trật tự sau đây: thứ nhất, thiền giả phải tìm một nơi thanh vắng như chùa, hay một góc phòng, hay một khóa tu thiền; nghĩa là người ta phải tách mình ra khỏi đời sống thường nhật bận rộn.

Điều tiếp theo họ nên làm là ngồi kiết già, thẳng lưng, và nhắm mắt.

Sau cùng, họ điều chỉnh sao đó để tập trung vào một đối tượng cụ thể.

Tại Vietnam, người Phật tử thường quen với việc Niệm Danh Hiệu của đức Phật A Di Đà. Họ có thể dùng một xâu chuỗi 108 hạt hoặc 18 hạt hay 54 hạt để biết chính xác số lần niệm Phật.

Tuy nhiên, những ai có trí nhớ tốt không nhất thiết phải dùng xâu chuỗi. Hầu như bất kỳ buổi lễ nào liên quan đến Phật giáo, phật tử Việt Nam đều Niệm Phật A Di Đà, và xem việc Niệm Danh Hiệu Phật này là thiền định.

Nói đúng hơn, đây là tịnh độ trong thiền. Theo phật tử Việt Nam, niệm danh hiệu Phật A Di Đà là để tịnh hóa cái tâm khỏi phiền não và vọng tưởng. Chúng ta không rõ quan điểm thiền trên bình diện chung có hợp với quan điểm thiền của đức Phật hay không? Bởi thế, tôi muốn dành phần tới để bàn về quan điểm thiền của đức Phật.

3. Thiền Phật Giáo theo quan điểm của đức Phật >>

Theo Đại Kinh Saccaka (Mahāsaccaka-Sutta), câu chuyện về cuộc đời đức Phật tường thuật nhiều tình tiết liên quan đến sự giác ngộ cũng như giáo lý của ngài.

Lúc lên bảy tuổi, ngài theo phụ vương dự lễ Hạ Điền, khi ngài rời cung điện lần đầu tiên, và ngài đã chứng kiến lễ Hạ Điền. Lúc ấy, ngài nhận ra đươc thực trạng đời sống bên ngoài thế giới nhung lụa. Chứng kiến lễ Hạ Điền mở ra cho Sĩ Đạt Tha (Siddhartha) một viễn cảnh mới lạ về thế giới bên ngoài. Những gì diễn ra trong lễ Hạ Điền này đã tạo trong ngài mối ưu tư sâu thẳm. Ngài chứng kiến người nông phu quật liên hồi lên thân trâu đang cày cực nhọc. Tại đấy, ngài chứng kiến nhiều sự kiện mà trước đó ngài chưa hề được thấy trong hoàng cung.

Ngài lặng lẽ thoát khỏi không khí buổi lễ và muốn được an trú một mình. Rồi ngài cảm thấy tâm ngài đưa ngài về trạng thái an định. Ngài quán sát tường tận lưỡi cày cứa từng miếng đất trên thửa ruộng. Rôi ngài chứng kiến lưỡi cày nghiền nát côn trùng trên thửa ruộng, và chim chóc mổ xé những sinh vật nhỏ hơn.

Ngài tự hỏi mình: tại sao chúng sinh lại khổ đau như vậy? Ngài liền nghĩ, nếu phụ vương ta không làm lễ Hạ Điền, ắt hẳn những loài sinh vật này sẽ không bị sát hại như thế.

Ngài liền nhận chân ra mọi thứ đều có mối tương quan chặt chẽ. Mỗi hành động đều đem lại kết quả, điều sau này trở thành giáo lý cốt lõi của ngài.

Sĩ Đạt Tha chuyên chú sâu thẳm vào vấn đề này. Ngài chỉ chuyên tâm vào sự di chuyển của lưỡi cày trên đám ruộng cùng những hậu quả theo sau của nó; và ngài đã chứng đắc Jhāna, một trạng thái tâm thức trở thành bước đầu tiên trên lộ trình giác ngộ của ngài. Theo tự điển Pali-Anh, Jhāna là một trạng thái hỷ lạc.

Điểm liên hệ giữa sự kiện này với Thiền Phật Giáo về sau được hiểu là chuyên nhất trên một đề mục với sự tĩnh lặng. Chúng ta cũng có thể suy ra rằng chính với cái tâm tĩnh lặng, đức Phật đã khám phá ra một giáo lý quan trọng khác là học thuyết Từ Bi (metta) cho thế gian đang khổ đau, khi ngài chứng kiến chúng sinh đấu tranh, sâu xé nhau để tìm kiếm sự sống cho mình, phải sát hại chúng sinh khác.

Một chi tiết quan trọng khác trong cuộc đời đức Phật liên hệ đến thiền là khoảnh khắc trước khi ngài thành đạo. Sau khi từ bỏ cung điện, ngài theo học với hai vị thầy trứ danh lúc bây giờ là Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta. Không lâu sau khi nhận họ làm thầy, ngài chứng đến thiền thứ bảy và thứ tám – Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Ngài vẫn kết luận rằng đây không phải là con đường đem lại an lạc và giải thoát. Ngài gia nhập nhóm năm nhà tu khổ hạnh và bắt đầu tu tập theo lối khổ hạnh hành xác như họ. Ngài cố gắng tìm ra chân lý qua sự tu tập ép xác.

Tuy nhiên, con đường giác ngộ vẫn xa lánh người tu sỹ trẻ tuổi. Ngài trở nên ốm yếu và bệnh tật; thân thể còn chỉ như nắm xương. Ngài nhận chân ra rằng không thể tìm cầu giác ngộ bằng lối tu khổ hạnh như thế này.

Ngài quyết định dùng thức ăn trở lại và một cách tự phát ngài nhớ lại sự chứng nghiệm lúc ngài tham dự lễ Hạ Điền.

Sau này Phật kể lại cho Aggivessana như sau: “Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ". Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?" Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ". Rồi Ta suy nghĩ: "Ta có sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện?" Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta không sợ lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện".

Sau khi nhớ lại sự kiện thưở ấu thơ, nhà tu sy trẻ tuổi Sĩ Đạt Tha không còn tự ép buộc ngài vào lối tu khổ hạnh hành xác nữa. Ngài bắt đầu quan sát tâm qua sự di chuyển của từng hơi thở đi vào và hơi thở đi ra. Ngài thấy sự cảm thọ hiện hữu khắp thân thể cho đến nơi lỗ mũi theo cách thức dần dần đưa tâm đến tĩnh lặng, an định, buông thư, minh giải và thanh tịnh.

Ngài tiếp tục hành thiền lối này, vượt qua tứ thiền rồi thành Phật.

Tóm lại, quan điểm thiền của đức Phật có thể được mô tả theo hai cách sau đây: thứ nhất, hành giả thiền tông phải tìm một nơi thật thanh vắng, gắn chặt tâm trên một đề mục thiền quán thích hợp với tâm tính của họ, như đối tượng quán chiếu của Sĩ Đạt Tha là theo dõi sự di chuyển của lưỡi cày; bước thứ hai là nỗ lực hết mình để an trú tâm trên đối tượng đã được chọn cho đến khi hành giả khiến tâm an tịnh.

Một khi tâm đã an tịnh, hành giả sẽ thể nhập sâu lắng vào bản tính của một hiện tượng nào đó mà họ muốn thấu triệt. Trong trường hợp của đức Phật, khi quán sát lưỡi cày trên thửa ruộng sâu lắng với cái tâm tuyệt đối an tịnh, ngài nhận chân rằng hữu tình chúng sinh đấu tranh lẫn nhau để sinh tồn và cam chịu khổ đau.

Chứng kiến sự khổ đau của chúng sinh với tâm quán chiếu như vậy, có lẽ đây là điểm khởi thuỷ để đức Phật thuyết giảng học thuyết về Từ Bi. Từ Samatha thường được dịch là an bình hay tỉnh thức trong tiếng Anh (tranquility or calm), và Vipassana được dịch là quán có lẽ cũng bắt đầu từ câu chuyện về cuộc đời đức Phật được chép trong Đai Kinh Saccaka.

Điều đáng bàn là quan điểm ban sơ của đức Phật về thiền được phát triển và diễn giảng rộng hơn dựa những bài kinh nói về thiền trong tạng Pāli.

4. Thiền Trong Kinh Tạng Pāli >>

Giữa những kinh nói về thiền trong tạng kinh điển Pāli, phải nói rằng Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipatthana sutta) là Kinh tiểu biểu và quan trọng bậc nhất. Có thể nói rằng toàn bộ hệ thống thiền phật giáo được cô đọng trong kinh này. Những Kinh quan trọng khác về thiền như Kinh Quán Niệm Hơi Thở hay Nhập Tức Xuất Tức Niệm (Ānāpānasati sutta), Kinh Thân Hành Niệm (Kāyagatāsati sutta), hay Kinh Niệm Xứ (Satipatthana sutta) chỉ là những sự diễn giảng rộng thêm dựa trên nền tảng của kinh Kinh Đại Niệm Xứ. Bởi tầm quan trọng của kinh này đối với hệ thống thiền học phật giáo, người viết xin lấy kinh này để bàn về nội dung của thiền học.

Theo trình tự và cấu trúc của Kinh Đại Niệm Xứ, thiền gồm có bốn thành phần chính yếu: thứ nhất là quán niệm thân (kāyānupassanā); thứ hai là quán cảm thọ (vedanānupassanā); thứ ba là quán niệm tâm (cittānupassanā); và thứ tư là quán niệm pháp (Dhammānupassanā).

Quán thân gồm có quán niệm hơi thở ra vào (anāpāna), quán bốn hành động của thân – đi, đứng, nằm, ngồi (iriyāpatha), liễu tri (sampajañña), quán bất tịnh của thân thể (paṭikulamanasika pabba), quán các giới – đất, nước, lửa, gió (dhātumanasika), quán chín giai đoạn thối rữa của thân thể (navasivathika).

Nói ngắn gọn, có tất cả mười bốn thành phần về quán thân.

Quán thọ bao gồm có ba loại: lạc thọ (sukkha), khổ thọ (dukkha), và bất khổ bất lạc thọ (adukkhamasukkha).

Quán tâm bao gồm quán tâm tham và tâm vô tham, tâm sân và tâm vô sân (dosa and vitadosa), tâm si và tâm vô si, tâm tán loạn và tâm thâu nhiếp, tâm quảng đại và tâm không quảng đại, tâm hữu hạn và tâm vô lượng, tâm có định và tâm không định, tâm giải thoát và tâm không giải thoát. Có tất cả mười sáu thành phần quán về tâm nhưng chúng thường được xem là một thành phần duy nhất là quán tâm.

Quán pháp gồm có quán năm triền cái – tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi (nīvaraņa), năm thủ uẩn – sắc, thanh, hương, vị, và xúc ( khanda), sáu nội ngoại xứ (āyatana), bảy giác chi – niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, và xả (bojjhaṅga), bốn sự thật hay bốn thánh đế - khổ đế, tập đế, diệt đế, và đạo đế (ariyasacca). Nói tóm lại, có tất cả năm thành phần về quán pháp (Dhamma).

Bài viết này không phải dành riêng để bàn về nội dung của Kinh Đại Niệm Xứ, mà chỉ dựa vào nó để trình bày ngắn gọn phương pháp hành thiền. Theo nhận định của người viết, có hai điểm chính yếu đáng quan tâm trong Kinh Đại Niệm Xứ cũng như trong nền thiền học phật giáo của kinh tạng Pāli.

Thứ nhất, tất cả bốn phép quán (thân, thọ, tâm, và pháp) đều dựa trên nền tảng chính niệm. Hay nói khác, thiền được hiểu là nói đến những sự thực tập nhất định được y cứ bằng việc thiết lập chính niệm. Từ “satipatthāna” bắt nguồn từ tiếp đầu ngữ sati, có nghĩa là chính niệm, và tiếp vị ngữ pathana, có nghĩa là nền tảng.

Một cách rõ ràng, satipatthāna mang nghĩa là nền tảng của chính niệm. Chính niệm cấu thành bốn thành phần tu tập đưa đến sự giác ngộ, và nó được nhận thức là kim chỉ nam cho tất cả các phương pháp thực hành thiền định.

Bốn thành phần quán niệm không gì khác hơn là quán thân, quán cảm thọ, quán tâm, và quán pháp.

Điều thứ hai người viết muốn nhấn mạnh là, tất cả giáo pháp của đức Phật (Buddhadhama) đều có liên đới với thiền định. Những gì được dạy trong Kinh Đại Niệm Xứ bao hàm tất cả những gì đức Phật đã thuyết giảng trong suốt bốn mươi lăm năm. Kinh Đại Niệm Xứ không chỉ nói về thiền định mà còn trình bày toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật giáo.

Lý do để chúng ta khẳng định điều này là những gì đức Phật thuyết giảng cho thế gian đều bắt nguồn từ sự khám phá, chứng nghiệm, và nếm vị ngọt của chính pháp một cách thực tiễn và thực nghiệm từ bản thân ngài qua sự thực hành thiền định hơn là những học thuyết có tính lý thuyết suông và siêu hình.

Và chúng ta không rõ giáo lý thiền được giải thích như thế nào trong văn học và luận tạng Phật giáo về sau. Do đó, phần tới sẽ được dành để khảo sát thiền dựa theo quan điểm trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) của Buddhaghosa (Phật Âm).

5. Thiền Phật Giáo trong Luận Tạng >>

Trong Thanh Tịnh Đạo Luận, Buddhaghosa trình bày thiền dưới bốn mươi đề mục (kammaṭṭhāna).

Đó là Định Mười Biến Xứ (10 kasinas): đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, không gian, và ánh sáng.

Định Bất Tịnh Quán (10 asubha): tướng phình trướng, tướng bầm xanh, thây chảy mủ, tướng nứt ra, tướng bị gặm khói, tướng rã rời, tướng phân tán rã rời, tướng máu chảy, tướng trùng ăn, và tướng bộ xương.

Mười Tùy Niệm (10 anussati): niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm chết, thân hành niệm, niệm hơi thở, và niệm an bình.

Các Phạm Trú (4 Brahmavihāra): từ, bi, hỷ, và xả.

Các Vô Sắc Xứ (arūpasamāpatti): không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tưởng về Bất Tịnh trong thức ăn (1) và phân tích Bốn Đại (1).

Giữa bốn mươi đề mục thiền, mười biến xứ (kasinas) được tìm thấy trong tạng kinh (Suttapiṭka) thuộc tam tạng hệ Pāli. Quán Bất Tịnh được tìm thấy trong Kinh Đại Niệm Xứ, Kinh Niệm Xứ, Kinh Quán Niệm Hơi Thở và Kinh Thân Hành Niệm. Mười Tùy Niệm được chép trong Kinh Tăng Chi (Tập I); trong Bốn Phạm Trú, Từ và Bi được nói đến trong Kinh Từ Bi (Metta Suttā), và trong phần Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhidamagga) thuộc Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikàya); hỷ và xả được bàn đến trong phần Thất Giác Chi (Bojjhaṅga Pabba) thuộc Kinh Đại Niệm Xứ. Bốn Vô Sắc được tìm thấy trong kinh Tăng Chi (tập IV); Tuởng về Bất Tịnh trong Thức Ăn cũng được tìm thấy trong kinh Tăng Chi (tập IV); và phần Phân Tích Bốn Đại được nói đến trong Đại Kinh Dấu Chân Voi (Mahāhatthipadopama Sutta).

Nhìn lướt qua danh sách bốn mươi đề mục thiền, chúng ta thấy rằng Buddhaghosa làm được một công trình rất lớn lao là hệ thống hóa bốn mươi đề mục thiền theo một trình tự có tính học thuật cao.

Cho dù tất cả bốn mươi đề mục đều được tìm thấy trong kinh tạng Pāli, thiền Phật giáo, theo Buddhaghosa, vẫn khác rất nhiều với thiền được đề cập trong kinh tạng Pāli nói chung và kinh Đại Niệm Xứ nói riêng. Không ai biết chắc rằng tại sao Buddhaghosa lại phân loại bốn mươi đề mục theo cách như vậy. Theo sự mô tả trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga), Buddhaghosa gợi ý rằng hành giả thiền tông nên chọn đề mục thiền nào phù hợp với căn tính của họ.

Buddhaghosa nói rằng có sáu loại căn tính khác nhau: đó là tánh tham, sân, si, có niềm tin, thông minh, và phỏng đoán (greed, hate, delusion, faith, intelligence, and speculation). Đơn cử là, Buddhaghosa tuyên bố rằng những ai có tính khí tham nên quán tưởng bất tịnh và thực hành Thân Hành Niệm; những ai có tính sân nên quán tưởng bốn biến xứ - xanh, vàng, đỏ, và trắng cũng như bốn phạm trú – từ, bi, hỷ, và xả; những ai có tánh si và phỏng đoán nên quán niệm hơi thở; những ai có niềm tin nên quán tưởng sáu Tùy Niệm – Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Thí, và Niệm Thiên; những ai có tính khí thông minh nên quán niệm an bình, niệm Chết, sự Bất Tịnh trong thức ăn, và bốn đại – đất, nước, lửa, và gió.

Theo nhận xét của người viết, thiền Phật giáo theo quan điểm được mô tả trong Thanh Tịnh Đạo Luận như sau:

Để mang lại lợi lạc và thành công trong việc hành thiền, hành giả phải nhận ra được tính khí của chính mình. Có lẽ đây là lý do tại sao Buddhaghosa thiết lập và hệ thống hóa bốn mươi đề mục thiền quán. Buddhaghosa cũng giải thích thêm rằng trong trường hợp hành giả không nhận ra căn tính của chính mình, họ phải cần có một thiền sư hay một pháp lữ giỏi và có kinh nghiệm để hướng dẫn (Kalyāṇa Mitta), yếu tố cũng được nhắc đến trong Thanh Tịnh Đạo Luận.

Theo người viết, hệ thống của Buddhaghosa là một điểm thật sự lôi cuốn nhưng cũng khá thách đố. Nói như vậy là bởi vì hành giả vẫn hoàn toàn đối mặt với thất bại cho dù có sự hướng dẫn của minh sư hay thiện hữu tri thức. Minh sư hay thiện hữu tri thức không ít lần đọc sai tư tưởng của người khác.

Cần nhấn mạnh lại rằng đại ý quan trọng nhất trong phương pháp thiền của Buddhaghosa là, người ta cố gắng nhận ra căn tính của mình. Chúng ta không đoan chắc rằng hệ thống thiền này có phản ánh đúng những gì đức Phật dạy hay không. Bốn mươi đề mục thiền đã có mặt trong kinh điển Pāli.

Điểm đáng chú ý là không phải tất cả kinh điển trong tạng Phật giáo nguyên thủy đều do Phật thuyết giảng, có thể do chư thánh đệ tử của Phật nói và được Phật chấp thuận. Theo dòng thời gian, như Phật giáo nói chung, giáo lý về thiền cần tự điều chỉnh để thích nghi với nhiều nền văn hóa khác nhau mà nó du nhập.

6. Tạm kết >>

Chúng ta thấy không có nhiều thay đổi trong phương pháp hành thiền từ thời đức Phật cho đến ngày hôm nay. Điểm cốt lõi của thiền Phật giáo vẫn còn được lưu hành.

Một cách khái quát, hành giả thiền tông cần thực hiện hai bước quan trọng: thứ nhất, nỗ lực để an tịnh cái tâm của mình; thứ hai, cái tâm an tịnh sẽ giúp hành giả tuệ tri sâu thẳm vào những gì mà họ thực sự muốn khám phá.

Trong ý nghĩa này, thiền là trung tâm trong hệ thống giáo lý của đức Phật. Bất kỳ học thuyết nào mà đức Phật đã thuyết giảng trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy đều có liên đới đến thiền như chúng ta đã bàn khi nói về Kinh Đại Niệm Xứ.

Nói một cách khác, suốt bốn mươi lăm năm đức Phật chỉ thuyết giảng hai điều: (1) Khổ và (2) con đường đưa đến sự diệt Khổ. Để diệt trừ cái khổ, người ta phải nhận ra bản chất nội tại của vấn đề khổ. Mà để được vậy, trước hết người ta phải cần có một cái tâm an tịnh mà thiền Phật giáo gọi là samatha (thiền chỉ).


Như mặt hồ phẳng lặng, với cái tâm an tịnh, người ta có thể nhìn thấu suốt những gì bên dưới nó. Đây là điều Phật giáo gọi là Vipassana (thiền quán).

xem thêm Thiền là gì của Thích Thông Huệ do Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM phát hành năm 2002: http://thuvienhoasen.org/a6199/thien-la-gi

7. Vì sao nên thực tập thiền? >>

Từ tầm nhìn đúng, hành động đúng, sẽ đưa đến kết quả đúng như ý muốn. Khi làm một công việc gì, thông thường chúng ta phải biết trước rồi làm sau, như vậy sẽ có kết quả tốt. Như quý vị muốn đi từ đây ra đằng kia thì đầu tiên phải mở mắt trước, thấy đường rồi mới đi, còn nếu cứ nhắm mắt mà đi thì chắc chắn sẽ bị té. Vì quý vị muốn ngồi thiền cho nên quý Thầy sẽ nói sơ qua lý do tại sao chúng ta ngồi thiền, ngồi như thế nào, có những sự chuẩn bị gì, rồi trong khi ngồi chúng ta phải dụng công như thế nào…. Khi quý vị nắm vững, hiểu rõ rồi thì khi ngồi sẽ có sự phấn chấn, có lòng thiết tha, từ đó sự tu hành sẽ dễ tiến bộ hơn. Cụ thể là trước tiên mình phải hiểu thiền là gì, sau đó ứng dụng tọa thiền mới có kết quả tốt.

Giả sử hôm nọ khí trời oi bức căng thẳng, người không được khỏe, trong nhà có việc xích mích không vui, ra đường gặp toàn những việc vớ vẩn không đâu, lên công sở, ra chợ bị đồng nghiệp bạn bè hiểu nhầm hoặc quấy phá..., khi ấy, nếu mình phải xem một tập tài liệu gì đó, hoặc phải đọc một cuốn sách hay phải xem một tờ báo, quý vị thấy có dễ hiểu hay không? Đọc thì đọc chữ thôi chứ ý này nó đá ý kia rất khó tiếp thu một cách trọn vẹn. Qua đó cho chúng ta thấy, nếu để những thứ lăng xăng lộn xộn trong đời nó chi phối trong đầu mình thì nó sẽ làm cho trí tuệ chúng ta bị mờ tối và con người chúng ta không được ổn định.

Một hôm khác thức dậy với một sức sống tràn trề, mọi chuyện trong nhà ổn định, vui vẻ, khí trời mát mẻ dễ chịu, ra đường yên ả, mọi việc tại công sở đều được trôi tròn, đồng nghiệp thân thiện đáng quý, nhân khi rảnh rỗi, quý vị cầm một tờ báo hay một quyển sách mình thích lên đọc thì có dễ hiểu hay không? Không những dễ hiểu mà chúng ta còn hiểu sâu, phát minh ra những điều mới lạ, thâu gọn hết ý bài văn muốn nói gì nữa là khác. Vậy thì khi tâm mình ổn định, lóng lặng, chính là lúc trí tuệ mình được phát huy cao. Và ngay khi tâm lóng lặng, tinh thần tươi sáng, người mình ổn định, trí tuệ phát huy, ngay đó, quý Thầy tạm đặt cho nó cái tên gọi là Thiền.

Hoặc là trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, nhiều lúc chúng ta bỏ quên một thứ gì đó, cố nghĩ xem để nó ở đâu, nhưng những công việc trong ngày bao nhiêu thứ lại tới tấp đến mà chúng ta phải giải quyết, khi đó, càng cố nghĩ để tìm thì càng căng đầu, càng mệt. Cho đến cuối ngày, lúc xong xuôi hết mọi việc, thảnh thơi thì tự nhiên lại nhớ ra đồ mình để quên. Từ đó suy ra, những công việc hàng ngày làm cho tâm mình bị xáo trộn, khuấy động nên mình không sáng. Khi chúng ta lắng lại tất cả những tư tưởng lăng xăng trong đầu để tâm được an định, sáng suốt thì ngay trạng thái đó là thiền.

Ví dụ như có một cốc nước đang bị đục, chúng ta có đổ thêm nước trong vào thì nó vẫn đục. Muốn nước trong, không có cách gì hơn là để yên cái cốc đó cho những cặn đục lắng xuống dưới thì nó sẽ tự trong. Như vậy, trong cái đục vốn đã có cái trong, tại vì chúng ta lắc động nên nó đục vậy thôi. Tâm của chúng ta cũng vậy, tự tâm của mỗi người vốn sáng, nhưng vì theo trần cảnh, không biết cách lắng lại nên đục đi, từ đó làm cho mình bực bội, mệt mỏi, tối tăm, rối ren, lăng xăng, lộn xộn, gặp việc gì cũng khổ đau, đó là chúng ta sống với tâm phàm phu tầm thường của chúng sanh. Nếu chúng ta lắng lại tất cả thì trạng thái tâm thể LẶNG MÀ SÁNG hiện tiền, ngay đó là THIỀN.

Khi vua Trần Thái Tông trốn vào núi Yên tử tu hành gặp Quốc sư Phù Vân (hiệu Tĩnh Lự), Quốc sư hỏi: “Lão tăng đã lâu ở chốn sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng, cắn hạt dẽ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay bệ hạ bỏ ngôi vị nhân chủ, nghĩ đến cảnh núi rừng hoang dã này, ắt hẳn muốn tìm cầu việc gì phải không?” Vua nghe nói cảm động nên thưa: "Trẫm còn thơ ấu đã sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng, sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường cho nên mới vào đây chỉ muốn cầu thành Phật, không muốn tìm cầu gì khác." Quốc sư nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Tâm lặng mà biết, đó chính là Phật thật. Nếu bệ hạ ngộ được tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.”


Ngài Tĩnh Lự nói: "Tâm lặng mà biết, đó chính là Phật thật." Vậy thì, cái lắng lại mà hằng sáng biết đó là ở ngay nơi chúng ta hay do Phật cho? Phật chỉ đưa cho ta chìa khóa để mở ra thôi chứ không thể cho ai được. Thiền cần một sự thể nghiệm nơi mỗi người, chứ không phải chỉ học hiểu suông. Học hiểu là để làm, để thực hành. Vì vậy, chúng ta cần phải HIỂU và THỰC TẬP TỌA THIỀN.

8. Đối diện để chuyển hóa >>

Tất cả chúng ta đi trong sanh tử chịu khổ là vì cái gì thúc đẩy? Vì nghiệp trói buộc nên chúng ta thọ thân. Ví dụ khi chúng ta chưa biết hút thuốc thì thấy đắng, rất khó chịu, nhưng khi hút một thời gian quen rồi thì thấy ngon. Hút lâu ngày quen quá rồi, hôm nào không có điếu thuốc là thơ thẩn, tìm mọi cách để có được một điếu thuốc hút. Sức mạnh khiến mình phải đi tìm đó là sức mạnh của nghiệp, nên gọi là nghiệp lực. Nghiệp là tập lâu thành thói quen. Hàng ngày quý vị huân tập bao nhiêu thói quen rồi, chỉ cần nhắm mắt lại là thói quen về nhiều lắm, làm cho mình lộn xộn và chạy theo. Ví dụ như khi quý vị chưa đến đây, chưa gặp quý Thầy, nếu có ai hỏi về Thiền viện, quý vị có hình ảnh gì trong đầu không, có thấy quý Thầy không? Chưa đến là chưa biết nên khi nhắc đến thì chúng ta không có hình ảnh gì trong đầu cả. 

Hôm nay đến đây rồi, ngồi nghe giảng, nói chuyện, khi về lại nhà mình có ai hỏi về chuyến đi thì những hình ảnh này có hiện lên trong đầu quý vị không? Có, quý vị có muốn xóa đi cũng không được. Gặp, tạo tác là có huân trong đầu rồi, dù mình không sờ mó được mà nó vẫn có. Đây là một ví dụ điển hình cho tất cả các hành động của chúng ta hàng ngày. Một chuyến đi về khi được khơi gợi lại thì thấy rõ ràng không mất. Vậy thì tất cả các việc làm hàng ngày quý vị huân tập, liệu có bỏ qua được không? Tất cả việc làm hàng ngày, hành xử đối đãi đúng sai thiện ác đều huân tập trong đầu không bao giờ mất, đến khi chúng ta chuẩn bị chết là nó về ồ ạt, làm cho mình bị rối. 

Quý vị muốn biết lúc sắp chết nó có về hay không thì bây giờ mình cũng có thể làm một thí nghiệm để thử. Hôm nào đó mình dẹp hết việc làm, đóng cửa phòng ở một mình, không có điện thoại, tivi, sách báo gì cả, chỉ ở không thôi, không được làm gì cả. Đến bữa thì có người mang cơm để bên ngoài, chờ cho người ấy đi khuất rồi mình mới ra lấy cơm vào ăn. Sống như thế khoảng ba đến bảy ngày thì sẽ thấy những gì từ tấm bé đến giờ nó sẽ đua nhau kéo về ào ạt, rõ ràng mồn một không thiếu sót tí nào, thậm chí khi nó về nhiều quá sẽ làm cho chúng ta cảm thấy hoảng sợ, mất tự chủ.

Quý Thầy đã nhập thất và đã từng trải qua trạng thái này rồi. Khi đóng cửa nhà mà các huân tập nó đã đua nhau kéo về rồi huống nữa lúc sắp lâm chung là lúc đóng lại cánh cửa cuộc đời, cuộc đời chúng ta kết thúc và cánh cửa được khép một cách tuyệt đối thì nó sẽ ồ ạt dồn nhau ập về đến dường nào. Nếu mình làm ác nhiều thì khi đó sợ, hốt hoảng, không tự chủ và đi vào đường xấu. Nếu làm lành nhiều thì thấy nhẹ nhàng, vui vẻ và sanh đường lành. Như chúng ta đang sống trên một vùng biển, tình cờ có chuyện đi xa, ở nhà bị sóng thần cuốn sạch không còn gì cả. Lúc ấy nếu người không có công trạng gì với cuộc đời, bị chấn động mạnh dẫn đến tinh thần không ổn định thì bị lang thang trôi dạt làm thuê làm mướn, đi vào nơi khổ sở mà mình không có quyền quyết định gì được cho mình. 

Nếu người có công với xã hội, mọi người sẽ đưa ra nhiều căn hộ khác nhau cho chúng ta có quyền chọn lấy một căn, chúng ta sẽ chọn lấy căn nào mình thích, đúng không? Việc theo nghiệp thọ sanh cũng tương tự như vậy. Người làm ác thì lúc sắp lâm chung hốt hoảng bị cuốn đi đường dữ không cưỡng lại được. Người làm lành thì sẽ có được nơi vui cho mình đến đúng với nghiệp mình đã tạo thành thói quen. Nếu quý vị không tu thì sẽ theo luồng đó, nhưng có tu là đứng đằng sau những cái đó một chút, quý vị tỉnh trở lại để nhìn nó thì tự nhiên nó là một khối bên ngoài, mình là giác nên tự chủ được, buồn vui tách ra ngoài, đi đâu là quyền của mình, không bị những thứ buồn và vui, thích hay không thích chi phối. Đó là người đã có căn bản bước đầu chập chững biết sống bằng thiền và làm chủ phần nào trong sự sống chết. Khi quý vị thực tập thiền, quý vị sẽ có khả năng sống đó, làm chủ ngay khi sống và đến khi chết cũng vậy.

Khi có thời gian rảnh khoảng 1-2 ngày, quý vị đóng cửa ngồi thiền, không tiếp xúc với ai, quý vị sẽ thấy những ký ức trào về trong mình ghê gớm lắm. Khi đó mình nghĩ rằng, tại sao đi ra ngoài mình thấy an lạc, thấy vui, mà đóng cửa lại ghê gớm vậy? Tu mà dễ sợ hơn là sao? Hàng ngày chúng ta tiếp xúc bị những rối ren che mắt mình. Chúng ta đóng cửa để tu, thấy nhiều không có nghĩa là tu bị lạc, mà vì hôm nay mở mắt nên mới thấy những cái gì đang có trong tâm mình. Để rồi một lần đối diện chúng ta chuyển hóa, thay đổi, lặng trở lại cho những thứ đó tiêu đi. 

Đến khi chết, những thứ đó đã được thanh lọc rồi, nếu có về thì mình cũng đã thấy rồi, đã gặp rồi, đã quá quen rồi và đã giải quyết rồi và mình yên ổn. Lúc ấy nếu sức giác mạnh thì mọi thứ chỉ như mây qua đỉnh núi, gió qua ngọn tùng, không có gì chi phối được. Nếu yếu, quý vị thấy điều gì chưa tốt thì ghi nhận và sẽ sửa đổi sau, điều gì tốt thì sẽ phát huy nữa, thấy liền xem nhẹ và cho qua, không để cho những thứ đó chi phối mình thì chúng ta sẽ tự chủ phần nào.

Như đống hồ sơ ở văn phòng, hàng tuần chúng ta đều giải quyết gọn gàng rồi lưu hồ sơ theo tháng, theo năm một cách ngăn nắp thì 10 năm sau, khi thanh tra đến kiểm tra, lấy ra dễ không? Rất dễ. Đó là tự chủ. Còn chúng ta cứ để ùn một đống đó, khoảng 10 năm sau thanh tra lại thì rất khó tìm được vì đã thành một mớ rối bòng bong. Thanh tra có nói lỗi gì mình cũng phải chịu, vì không tìm được căn cứ để giải thích và mất tự chủ. Cũng như vậy, nếu trong ngày quý vị có ít nhất 15, 30 phút, 1 tiếng hay nhiều hơn để đối diện với nội tâm mình, giống như hồ sơ đã được kiểm tra rồi. 

Quý vị không cần suy nghĩ, cứ lặng lại thì nó sẽ hiện ra, cứ gạn lại thì những gì dơ sẽ nổi lên, mình nhìn thấy cái nào không phải thì sám hối, sửa đổi, điều nào được thì phát huy, cái nào không phải không trái thì bỏ qua. Làm được như vậy giống như quý vị kiểm tra sổ sách hàng ngày, kiểm tra hết rồi thì tới khi nhắm mắt, chắc chắn chúng ta sẽ tự chủ được. Dù các niệm khởi có còn hay hết, có về hay đi thì chúng ta cũng đã kiểm tra rồi, không còn bàng hoàng, không bỡ ngỡ, không bối rối và không sợ hãi nữa, vì hàng ngày đã đối diện và chuyển hóa rồi. Còn nếu không như vậy, khi nó ụp về một lúc nhiều quá quý vị sẽ rối rắm, hốt hoảng và sợ hãi lắm.

Có nhiều vị nói, từ hồi nhỏ đến giờ sống hết lòng với gia đình, bạn bè, không nghĩ gì cho mình cả, tự nhiên có một ngày mọi người quay lưng lại với mình, không hiểu mình, khi đó thấy trống trải, cô đơn, không biết nương tựa nơi đâu. Nhưng thực ra, nếu mà cảm nhận được như vậy thì đó là người có phước. Vì sao vậy? Chúng ta dù muốn dù không, ai rồi ít nhất trong đời cũng phải đối diện với trạng thái cô đơn một lần, chính là lần cuối cùng chia tay cuộc đời để ra đi. Khi quý vị già, yếu, bệnh, chết, thân nhân có giúp mình được không? Của cải đầy nhà có giúp mình được không? Tất cả chia tay hết, một mình mình ra đi. 

Nếu như chúng ta có một lần buồn khi còn trẻ, còn khỏe mạnh, chúng ta mới ý thức, nếu bây giờ không đối diện thì nay mai cũng phải đối diện mà thôi, có ai trốn được đâu? Bị người hất hủi là chuyện phủ phàng, nhưng với mình thì phải cám ơn đã cho mình một cơ hội để kịp nhận ra nổi cô đơn ấy khi còn thời gian, tinh thần và sức khỏe để giác ngộ, chuyển hóa. Đó là cơ hội tốt để chúng ta trưởng thành và không lầm trong cuộc sống. Cho nên bây giờ còn trẻ, còn sức khỏe, còn trí tuệ, còn thời gian thì mình phải nhận biết và chuẩn bị những gì cần làm cho mình. Cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè, của cải, mình cảm thấy quan trọng nhưng rồi cũng có ngày phải bỏ lại. Tất cả những gì bên ngoài đều là duyên trần, mình không bỏ nó thì có ngày nó cũng bỏ mình. 

Đừng dại dột mà dính mắc thái quá, giao cả sứ mạng cho một cái không bền để rồi chúng ta phải khổ. Phải ý thức rằng, trong cuộc sống tương đối này cũng cần có sự tương giao ở một mức độ nào đó, nhưng đừng để nó chi phối mình lớn quá, đừng lệ thuộc lớn quá để một ngày nó chia tay mình thì mình khổ. Cái chính là phải trở về với tâm rõ ràng sáng biết của mình. Khi trở về rồi, chúng ta định tĩnh, sáng mạnh, khi đó cái gì đến chúng ta cũng sẵn sàng đối diện với tất cả những thứ phải đối diện, không có gì làm ngăn ngại. Xem nhẹ bớt mọi thứ trong đời, tất cả chỉ là bình thường, không tâm thì tự nhiên được sáng trong, yên ổn và an lạc. Cuộc đời sống như vậy là đã sang một trang mới rồi. Người này khi nhắm mắt chắc chắn sẽ nở nụ cười an vui.

Tọa thiền chính là lúc đối diện với chính mình để thanh lọc, chuyển hóa và làm chủ được tâm mình. Được như vậy thì ngay khi ở thế gian mình bình ổn, lúc chết được tự tại, an vui. Ví dụ như quý vị đi trên một sa mạc nắng nóng, có ai cho một ly nước lạnh, uống có ngon không? Rất ngon. Khi về lại thành phố, ăn uống đầy đủ, những gì ngon nhất đã ăn uống rồi, ai cho một ly nước lạnh quý vị uống thấy ngon không? Cũng bình thường. Như vậy, ly nước lạnh vẫn là ly nước lạnh, nhưng quá ngon khi chúng ta đói và khát, và sẽ trở nên bình thường khi chúng ta no. 

Cuộc đời này cũng thế, hơn thua, được mất, phải trái, tất cả mọi thứ nó chỉ là một ly nước lạnh. Nhưng mình lại cho nó quan trọng bởi vì chúng ta đang đói với thượng vị an định, trí giác, chưa cảm nhận và sống qua, không có gì khác hơn những thứ hơn thua được mất đó nên chúng ta cho nó là quan trọng. Thử gẫm lại thời còn bé, đã có lúc chúng ta có những cuộc cải lộn chiến thắng người khác vinh quang lừng lẫy. 

Bây giờ có tuổi rồi ngồi gẫm lại xem có đem ra cái chiến thắng ấy ra sử dụng vào đâu được không? Không xài được. Mới thấy nó không có gì đáng quan trọng, nhưng khi ấy vì còn non dại nên chúng ta quan trọng nó một cách thái quá và khổ vui theo nó một cách vô ích. Gẫm xa hơn nữa là khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, những thứ ấy đều để lại, không đem theo được thì thử hỏi nó có giá trị gì không? Nếu không có lần ngồi gẫm xem lại cho kỹ để nhận ra thì chúng ta sẽ tiếp tục làm người non dại muôn đời trong ngôi nhà trí giác chân thật chính mình. 

Vì chúng ta không có cái gì hơn những thứ tầm thường trong đời nên bị nó cuốn hút và làm cho mình khổ. Nếu chúng ta có cái gì hơn nó thì nó sẽ trở thành tầm thường. Khi chúng ta sống trở về với tánh giác mạnh mẽ rồi thì sẽ có niềm an vui vô thượng, những thứ bên ngoài này quý vị không cần bỏ mà tự nhiên nó mất giá trị, không còn đủ giá trị tác động lên thân và tâm mình nữa. Không cần bỏ mà nó tự mất giá trị, có và không giống nhau, ngay đây quý vị đã được giải thoát. Thực tập tọa thiền đúng pháp chính là giúp quý vị trở về với sức giác đó. Khi sức giác đủ lớn, đủ mạnh, tự nhiên quý vị sẽ có được niềm vui, trí tuệ sáng, định tĩnh cao, niềm an lạc lớn. Chính lực đó sẽ giúp cho chúng ta giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại, nơi chợ búa, công sở, gia đình. Khi những thứ bên ngoài không còn đủ giá trị làm mình lung lay nữa thì chính là lúc chúng ta đã được giải thoát rồi. Nếu chúng ta đã no cái thượng vị thiền rồi thì những cái còn lại tự nhiên sẽ chia tay mình, dù có đối diện hay không đối diện cũng không dính dáng. Công năng tọa thiền rất lớn là vậy.

Quay trở lại, chúng ta sanh tử là do nghiệp, mà nghiệp là do thân, miệng, ý tạo. Ý khởi nghĩ, miệng nói, thân làm theo, tạo nghiệp, có sanh tử, có khổ đau. Nếu ý không nghĩ thì thân, miệng có làm được gì không? Cho nên trị ngay nơi ý. Khi ý vừa khởi lên mà đi theo thì tạo nghiệp trong sanh tử. Bây giờ ý khởi lên, chúng ta lắng lại, không theo, không tạo nghiệp thì dứt sanh tử. Tọa thiền, lắng những niệm tưởng lại là một biện pháp dứt nghiệp. Đức Phật nói Niết Bàn là củi hết, lửa tắt. Tọa thiền có giá trị lớn như vậy, nhưng đơn giản và thực tế vô cùng.

9. Nhận biết để chuyển hóa >>

Thiền là một danh từ có rất nhiều người mượn để làm hình thức che dấu những cái khác ở bên trong. Vì vậy, khi tu thiền, quý vị cũng phải nắm vững những điều cơ bản, nếu không dễ bị chữ thiền này làm lòa mắt, khiến chúng ta thực hành sai. Đó là lý do nhiều người nói tu thiền điên. Muốn kiểm tra có đúng hay không, phải từ tâm mà nghiệm biết. Cơ bản là các phương thức làm lắng lại các vọng niệm, tâm mình tự sáng ra, đó là đúng. Còn nếu tìm cầu một điều gì đó ở bên ngoài thì không đúng. Con mắt của chúng ta chỉ thấy các vật bên ngoài mà không thể tự thấy được con mắt. 

Như vậy, thấy là thấy cái gì bên ngoài rồi chứ không phải thấy con mắt. Con mắt không thể thấy con mắt mà chỉ có thể thấy cái ly, bông hoa, đồng hồ… Chỉ là khi thấy hoa, đồng hồ thì biết con mắt mình đang sáng chứ không thể thấy được con mắt của mình. Cũng vậy, khi thấy một cái gì đó, dù đó là hào quang hay ánh sáng lạ thì nó đều là cái bên ngoài, không thật, không phải là tâm mình. Nếu chính thực là tâm mình thì chỉ có thầm nhận chứ làm sao mình lại thấy trở ngược lại cái tâm của mình được! Trên thế gian này, vật chất quý nhất là vàng ngọc, nhưng nếu nghiền nát bỏ vào mắt thì có thấy xốn không? Con mắt vốn tự thể là trong suốt, nó không nhận thêm bất cứ một thứ gì dù đó là vật quý nhất trên thế gian này. Cũng vậy, bản tâm chúng ta vốn tự lặng trong, thanh tịnh, vốn không một vật. Ánh sáng, hào quang hay bất cứ cái gì bên ngoài cũng chỉ giống như mạt vàng làm xốn thêm con mắt mình mà thôi. Tâm nó không nhận tất cả những thứ đó. 

Cho nên các Ngài nói, khi ngồi thiền, gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma. Phật hay ma trong khi mình ngồi mà thấy chẳng qua chỉ là ảo tưởng thôi, ma cũng có thể hóa thành Phật để dụ dỗ mình. Cho nên Phật là tự tâm, không phải tìm cầu bên ngoài. Nếu tu tập đúng, mình trở về tâm Phật nơi chính mình. Còn nếu mong cầu Phật tới thì ma sẽ hóa hiện đến lôi kéo mình làm quyến thuộc của ma. Khi tọa thiền, những gì diễn ra đều là giả. Thấy cái gì đó bên ngoài dù là hay cũng không phải tâm mình, thêm vào chỉ làm tâm bị ô nhiễm thêm mà thôi. Tổ Huệ Năng nói: “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”. Đức Phật dạy, ngoài tâm mà cầu Phật thì đó là ngoại đạo. Ngồi thiền mà thấy ánh sáng này, hào quang nọ, đó là hiện tượng bên ngoài, không dính dáng đến bản tâm, chỉ cần không để ý đến thì nó qua. Còn nếu thấy vậy rồi nghĩ mình đã chứng thánh là sai, dễ dẫn đến bệnh hoạn. Cho nên không biết tu thiền mới là điên, còn nếu biết thì rất tốt.

10. Buông xuống >>

Bây giờ đi thẳng vào việc thực tập. Tu thiền nói khó, thực ra không phải khó. Quý vị nghĩ tâm mình ở đâu, nơi mình hay nơi người khác? Nơi mình thì mình có quyền lấy lại dễ dàng. Chung quanh mình có vàng bạc, châu báu, nhà cửa..., quý vị thử bỏ đi có được không? Vẫn có thể bỏ được. Rồi bà con thân thích, quý vị đóng cửa một ngày dưỡng bệnh, không gặp ai hết, cũng bỏ được. Gần nhất là thân mình đây, quý vị đừng nghĩ đến nó nữa, thử bỏ một chút có được không? Được. Vì có cái để bỏ mà. Rồi tâm của mình, nghĩ đúng, nghĩ sai, nghĩ phải, nghĩ trái, một lúc nào đó không nghĩ nữa, bỏ cũng được. Của cải vật chất, bà con thân quyến, bạn bè, thân tâm suy nghĩ, quý vị thử bỏ hết, ngồi lắng lại, đừng suy nghĩ gì hết, quý vị có nghe thấy quý Thầy nói không? 

Có nghe. Mình lắng trở lại vẫn nghe được, quý vị có dẹp đuổi cái nghe này đi được không? Không, mà cụ thể là chúng ta đang nghe thấy rõ ràng, đúng không? Ngay cái thấy, cái nghe chưa động đây, là quý vị đang sống bằng cái thấy biết của thiền. Những cái gì bỏ được, chúng ta đã bỏ rồi, còn một cái không thể bỏ được, muốn bỏ cũng không được, thì cái đó mới trung thành với chúng ta. Cái gì bỏ được thì không trung thành, có ngày nó sẽ ra đi. Còn cái không bỏ được thì chính nó luôn là mình, chính thực là mình.

Có vị Tăng đến hỏi Thiền sư Tùng Thẩm ở Triệu Châu:
- Khi một vật chẳng đem đến thì thế nào?
Sư đáp:
- Buông xuống đi.

Một vật đã chẳng đem đến, tức là không còn có gì cả, nhưng vì sao ông Thầy này lại còn thấy có vấn đề để hỏi? Nếu còn có một vấn đề gì đó để hỏi là còn có một vật rồi, buông nó xuống luôn đi! Khi buông sạch rồi, không còn gì để buông nữa, thì nhìn lại coi, ai đang biết hỏi đáp một cách rõ ràng đó? Ngay đó khéo thể nhận lấy thì toàn thể hiện bày.

Khi gạn tất cả mọi thứ, còn một tánh sáng lặng chưa từng động, ngay đó mà sống thì đó là thiền. Cho nên Sơ Tổ Trúc Lâm nói: "Buông xuống! Buông xuống! Cái buông chẳng được, chính là kẻ ấy." Cái buông cũng không được, bỏ cũng không được, nó chưa hề bị sanh diệt chính là cái chân thật của mình. Sống ngay đó là phải. Như vậy chúng ta mới thấy sự tu tập thiền là sống bằng tâm đó. Tu thiền là gạn những cái huyễn hóa để nhận lại cái thật, sống với cái đó thì quý vị không muốn giải thoát cũng tự giải thoát. Khi quý vị an định, tâm sáng, trí sáng, tất cả mọi thứ tràn đầy niềm vui rồi thì những cái thế gian tự nhiên mất giá trị với mình, không còn đủ sức tác dụng chi phối mình, ngay đó tự mình là giải thoát, không tìm cầu một cái gì đó bên ngoài. Sự giải thoát có ngay trong cuộc sống cho đến lúc chết cũng vậy thôi. Khi nhắm mắt xuôi tay, tất cả mọi thứ bỏ lại, đối diện mọi thứ trong trạng thái tĩnh, lực đó làm chủ nghiệp và chúng ta muốn đi đâu là quyền chúng ta. Đây là năng lực cơ bản ban đầu của người tu thiền.

Từ từ thực tập rồi quý vị sẽ thấy. Khi ngồi thiền mà chúng ta chưa biết dụng công thì tự nhiên nhiều thứ nó chi phối mình. Nhưng khi biết rồi, chỉ cần giác trở lại thì những thứ đó tự nó tiêu tan, không còn. Việc này không khó, có khó chăng là tại chúng ta chưa tập quen nên thấy khó trở về, còn tập quen lâu ngày thuần thục rồi thì rất dễ, vì ngay nơi chính mình chứ không phải ở đâu hết.

11. Dụng công chánh thống thiền >>

Kế nữa đi vào thực tế, trong bốn oai nghi, đi cũng thiền, đứng cũng thiền, ngồi cũng thiền, nằm chúng ta cũng có thể thực tập được, nhưng ngồi vẫn là một tư thế thù thắng giúp cho chúng ta có sức tỉnh cao, mạnh mẽ và có hiệu quả nhất. Cho nên cần phải thực tập tọa thiền là vậy. Khi ra chợ chúng ta vẫn ứng dụng được, chỉ cần tỉnh trở lại, không theo cảnh thì chúng ta đã sống với thiền rồi. Cho nên vua Trần Nhân Tông nói “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Khi đi, khi nói chuyện, trên tất cả mọi thứ chúng ta luôn tỉnh trở lại, luôn lặng sáng để làm tất cả việc thì lúc đó là thiền rồi. Nhưng nếu muốn có công phu mạnh mẽ, hiệu quả cao hơn, thời gian tu tập nhanh thuần thục hơn thì chúng ta phải tọa thiền. Ngồi là thế tốt nhất, ưu việt nhất nên muốn tu tiến, chúng ta cần phải ngồi thiền. 

Nếu quý vị nghe nhiều, hiểu nhiều mà không thực tập thì nói chỉ uổng công mà thôi. Quý Thầy nói nhiều mà quý vị không thể nghiệm thì cũng chịu, giống như đến ngân hàng, đếm bao nhiêu tiền mà về nhà không có gạo ăn. Mình đang bị bệnh, đến bác sĩ kê thuốc để uống cho hết bệnh, quý vị mua thuốc về nhưng không uống thì có lành bệnh không? Cũng vậy, nghe nói nhiều, hiểu nhiều mà quý vị không thực tập thì một thời gian sau, chắc chắn quý vị cũng sẽ cảm thấy nhàm chán với những thứ lý thuyết này thôi. Chúng ta chỉ cảm thấy hân hoan, nhận ra giá trị chân thật khi tự thân chúng ta dụng công, thể nghiệm. Cho nên, thực tập tọa thiền là điều cần thiết. Chỉ khi thực tập tọa thiền, thể nghiệm, nhận chân được giá trị đích thực thì chúng ta mới thích thú, phấn chấn trong công phu tu tập, mới có duyên sâu với chánh pháp, đời đời sanh ra sức giác này sẽ nhắc thức mình sớm giác ngộ, tiếp tục tu hành, không bị lầm đường lạc lối.

Muốn tọa thiền tốt, chúng ta phải chuẩn bị trước khi tọa thiền. Nếu ăn no thì phải nghỉ ít nhất đến hai tiếng đồng hồ sau rồi ngồi thì mới tốt. Còn nếu đang no mà ngồi liền thì thần kinh phải tập trung làm việc với bao tử khiến cho chúng ta cảm thấy buồn ngủ hoặc là nặng nề ì à ì ạch, rất khó tập trung, hơi thở bị thô phù làm cho mình tán loạn nhiều hơn, ngồi sẽ bị mệt. Vì vậy, ăn uống xong hai giờ sau quý vị mới nên thực tập ngồi thiền. Thứ hai, trong khi ngồi, nếu chúng ta ăn đồ ngọt, đồ béo nhiều quá thì dễ bị nặng nề, dễ bị đau chân.

Kế nữa, khi chuẩn bị ngồi thiền, quý vị nên nhớ giờ này là giờ của mình, mình cần phải tập trung làm việc của mình. Trong một ngày 24 tiếng đồng hồ mình đã sống cho người khác rồi thì tối hoặc khuya, còn một ít thời gian, mình phải làm cho được việc của mình. Khoảng nửa giờ trước khi chuẩn bị ngồi, quý vị nhớ đi đứng cho nhẹ nhàng, ăn nói hạn chế, những chuyện đúng sai trong gia đình, xã hội, công việc làm ăn mình buông bỏ, đừng để trong đầu nữa, tốt nhất là chúng ta nằm buông thư, thư giãn, tâm mình buông, không nghĩ gì hết. Thân mình cũng vậy, buông lỏng các cơ, cho đến hơi thở cũng buông thở nhẹ nhàng, tự nhiên quý vị sẽ nhận thấy khinh an. 

Sau đó quý vị đứng dậy đi ngồi thiền thì sẽ dễ an định. Còn nếu trước khi ngồi thiền mà quý vị tranh thủ quá, đi cho nhanh, tính toán công việc, tất cả mọi thứ cứ đang còn lăng xăng lộn xộn mà bắt chân lên ngồi thiền thì hơi thở sẽ hổn hển, không yên được. Rồi các chuyện cứ tấn công mình hoài, ngồi mấy tiếng đồng hồ giống như một đợt bị tra tấn mạnh làm cho mình rối lên, nhúc nhích, mệt mỏi..., không có an vui. Khi bắt đầu ngồi xuống cũng vậy, tất cả mọi động thái đều nhẹ nhàng, còn nếu làm mạnh và thô tháo quá sẽ không hỗ trợ được tốt cho mình khi ngồi thiền. Cho nên muốn ngồi thiền hiệu quả chúng ta phải có các bước chuẩn bị tốt trước khi ngồi.

Kế nữa là thế ngồi, nếu quý vị ngồi khom thì hơi thở không thông, lâu ngày sẽ có trạng thái giống như bị đau bao tử. Khi bị như vậy, cứ ngồi thẳng, thở cho sạch hơi, mọi thứ thông thì sẽ hết các triệu chứng, không có gì trở ngại. Còn nếu ngồi mà căng thẳng quá, vì muốn ngồi cho thẳng mà ngực bị ểnh về phía trước quá thì sẽ có tác dụng phụ là dễ bị sân, nghe tiếng động là bực mình, nghe hơi bị tức ngực..., Khi có các triệu chứng đó thì biết mình ngồi bị sai thế, phải chỉnh lại thế ngồi cho ngay thẳng, buông thỏng, thỏa mái, bình thường, hơi thở suốt thông thì các triệu chứng phụ sẽ hết, đừng cố gồng cho thẳng rồi ưởng ngực về phía trước quá sẽ không tốt.

Về cách dụng công, cái chính vẫn là trở lại nội tâm của mình, nhưng mà ban đầu do chưa thuần nên hay bị loạn động nhiều quá, thì đầu tiên dùng cách đếm hơi thở. Hít vô, thở ra đếm một, hít vô, thở ra, đếm hai, đếm đến mười thì bỏ, đếm lại từ đầu. Nếu đếm nửa chừng mà bị lộn hoặc bị quên thì cũng đếm lại từ đầu. Khi đếm hơi thở thuần rồi, quý vị cảm thấy thân tâm tương đối nhẹ nhàng, hơi thở thông, số đếm không bị lộn, vọng niệm thưa dần thì chúng ta chuyển qua tùy tức, hít vào hoặc thở ra, hơi thở đến đâu chúng ta biết đến đó, biết theo hơi thở một cách rõ ràng.

Khi tùy tức thuần thục rồi thì qua bước thứ ba là biết vọng, biết những niệm khởi đó là giả, không có tâm dẹp đuổi, không đè nén mà chỉ là không theo. Đến khi dụng công thuần thục, quý vị xem lại coi, ngay khi biết những niệm đó là giả, không theo, thì "biết" đó là chúng ta "biết theo" vọng niệm hay là chúng ta "tự biết"? Ví dụ như khi thấy bông hoa thì phần đông chúng ta biết về bông hoa, biết theo bông hoa và khi không có bông hoa thì mình không biết. Còn nếu chúng ta tự biết thì đang sáng rõ, mình đang thấy thì khi có hay không có bông hoa mình vẫn đang thấy biết rõ ràng đây. Khi quý vị thấy mà thấy biết theo bông hoa, thấy niệm mà biết theo niệm, biết về một niệm nào đó thì niệm có rồi mình mới biết theo, thế là chạy theo đuôi niệm và như thế sẽ bị vọng niệm dẫn mình hoài, không thắng được là vậy. 

Cho nên ban đầu thì tạm dùng cái biết này để vọng niệm nó không lừa gạt và dẫn mình đi. Đến khi dụng công khá rồi thì trăm ngàn muôn thứ có đến, quý vị chỉ cần an tịnh lại, lóng lặng lại và tâm mình đang tự sáng biết rõ ràng đây thì mọi thứ tự tiêu tan, cháy hết, ngay đó quý vị đang sống bằng bản tâm chân thật chính mình. Sống bằng tâm thái đó thì ngay khi biết là chân tâm mình đang hiện tiền, ngay đó chúng ta đã bắt đầu sống được với thiền rồi.

Quý vị cứ yên lòng thực tập từ từ, rồi quý Thầy sẽ chỉ, đừng gấp quá, giống như mình đang tập đi chập chững thì cứ đi từ từ, khi tiến nhanh hơn một chút, quý Thầy sẽ dìu thêm, chứ đi chập chững mà ham chạy thì sẽ bị té.

Xưa kia, Mã Tổ Đạo Nhất hàng ngày chuyên tọa thiền, Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng thấy vậy biết đó là bậc pháp khí (người hữu ích trong Phật pháp) nên đi đến hỏi:
- Đại đức ngồi thiền để làm gì?
Đạo Nhất thưa:
- Để làm Phật.
Sau đó, Sư lấy một cục gạch đến trên hòn đá ở trước am Đạo Nhất ngồi thiền mà mài. Đạo Nhất thấy lạ hỏi:
- Thầy mài gạch để làm gì?
Sư đáp:
- Mài để làm gương.
- Mài gạch đâu có thể thành gương được?
- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?
- Vậy làm thế nào mới phải?
- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?

Ngồi kiết già đó mà không biết dụng tâm thì cũng không thể gọi là thiền. Cái thân có nhúc nhích là do cái tâm ở bên trong. Bây giờ ngồi để làm Phật mà không nắm vững cách dụng tâm thì làm sao thành Phật được. Thân này là chiếc xe, mà tâm là con trâu. Chiếc xe thì vô tri vô giác mà con trâu mới có tri giác và mình điều khiển được. Ngồi là một phương pháp hỗ trợ để chúng ta định tâm tốt nhất, ngồi đó là một tư thế để điều trị tâm thì mới chính là ngồi thiền chứ không phải ngồi là thiền. 

Không phải thấy ai bắt chân lên ngồi kiết già là thiền, mà phải hỏi ngồi để làm gì, ngồi như thế nào và dụng công như thế nào, gạn kỹ thì mới biết là đúng hay không. Cho nên cái dụng công chính vẫn là từ tâm. Cụ thể là ban đầu khi mới tập ngồi, vọng tưởng nhiều quá cho nên chúng ta đếm hơi thở. Phương pháp này rất quan trọng, quý vị đừng bỏ qua. Nó sơ cơ, nhưng là nền tảng. Ban đầu ngồi chưa quen, hơi thở còn thô phù, hổn hển cho nên định lực chưa có và vọng tưởng sẽ nhiều. Khi quý vị đếm hơi thở là tạm thời mượn hơi thở để quên cái vọng tưởng kia. Dụng công như vậy một thời gian thì hơi thở của mình sẽ tự nhẹ lại, vi tế hơn, thân mình sẽ trở nên khinh an, dễ chịu. Chính cái nhẹ lại, khinh an, thưa dần vọng niệm sẽ giúp mình có sức làm chủ vọng niệm. Khi chúng ta đếm không lộn, thuần rồi thì qua tùy tức theo hơi thở. Theo hơi thở thuần rồi thì qua biết vọng, thấy vọng tưởng biết là giả nên không theo. Khi quen rồi mới xem lại biết là biết theo vọng niệm hay tâm tánh mình đang tự sáng biết. Khi thể nhận tâm mình đang tự sáng biết rồi thì ngay khi biết là chân tâm, là tánh Phật hiện tiền. Sống ngay đó là tu thiền chánh thống.

12. Điều hòa thân tâm khi tọa thiền >>

Thường quý vị mới tập thì ngồi khoảng chừng 15 – 30 phút, trải qua khoảng 1-2 tuần thấy thuần thục muốn tiến thêm thì tăng lên 5 phút. Ít nhất phải một tuần sau mới tăng thêm 5 phút nữa. Nếu cảm thấy đau quá thì hai tuần sau rồi hãy tăng thêm. Khi tăng rồi, đừng có lùi lại, thì chúng ta sẽ tiến. Còn nếu ham quá, tăng một lần nửa tiếng, gồng quá vài bữa sau nghe đến giờ ngồi thiền thì liền có cảm giác chán ngán, hơi ớn ớn và sợ, như vậy là hư việc. Cho nên tăng phải có khoa học thì mới bền, và điều kiện để tiến nhanh nhất chính là phải có điều độ, liên tục. Giờ sáng, giờ tối, giờ nào quý vị cảm thấy có thời gian tự do cho riêng mình thì chọn giờ đó để ngồi, và tới giờ đó quý vị luôn tập trung để ngồi thì quý vị sẽ tiến. Còn bữa nay ngồi, mai không ngồi nữa thì sẽ tiến chậm hơn. Nếu quý vị giữ điều độ thì sẽ mau tiến, còn không điều độ thì vẫn tiến, nhưng chậm hơn. Trồng cây cũng vậy, ươm mầm rồi tưới điều độ thì cây sẽ lên, còn lâu lâu mới tưới một lần thì cũng lên nhưng yếu ớt.

Thứ hai, phải nhớ ngồi thiền là tự nguyện để an tâm mình chứ không phải là ai bắt buộc, cho nên giờ ngồi phải chủ động, mạnh mẽ, thì ngồi sẽ có kết quả. Còn ngồi giống như là ai bắt buộc, ngồi cho có thì ngồi là ngồi đó thôi chứ trâu hoang vẫn cứ chạy rong, không có hiệu quả.

Thứ ba, quý vị nên nhớ, con người chúng ta thường muốn có kết quả sớm quá, hễ làm gì là muốn phải có kết quả liền, khi không có kết quả thì chán, muốn bỏ. Nhưng nếu cái gì dễ quá thì không quý, khó mà làm được thì mới quý. Cái gì hay thì hay, nhưng phải có thời gian thực hành thì mới đạt đến được, nếu nôn quá thì dễ bỏ cuộc. Cho nên khi tu thiền, muốn tiến bộ, chúng ta phải có sự thiết tha, tức là mình mong muốn, thích thực tập cho được, giống như đói muốn ăn, khát muốn uống. Ngày xưa có nhiều vị khi đi tu, có người nói tu khó lắm thì chỉ trả lời một câu: Thích là làm được. Khó gì thì khó mà thích thì làm được. 

Ngoài đời cũng có nhiều việc khó vô cùng, nhưng khi thích thì làm được. Tu tập cũng vậy, thích là chúng ta làm được. Từ cái thích đó, chúng ta phải có sự thiết tha, sau đó rồi phải có quả cảm, phải có sự gan dạ, dám làm. Thứ ba là phải trường viễn, không phải là một ngày một bữa mà tu là thực hành mãi, bất cứ khi nào chúng ta thực hành công phu là chúng ta đang ăn vị thiền, sống trong nhà thiền và chính cái tâm thiền đó sẽ giúp cho chúng ta lớn mạnh và giải quyết sanh tử. Lập được ba chí đó là chúng ta thành công. Còn nếu không thiết tha, làm cho có thì yếu, không tiến bộ nhiều. Chúng ta làm mà muốn được liền, nếu chưa được thì dễ nản, như vậy cũng không được. Còn nếu nhát gan quá, không tin tâm mình là Phật, không tin mình có khả năng thành Phật, ngồi mỏi chân một chút là muốn thả ra, buồn ngủ thì thả ra đi ngủ, đau chân một chút là sợ, không quả cảm, không dám làm thì sẽ không thành công.

Khi đau chân, nếu quý vị gồng thì sẽ càng đau, lúc đó không nên gồng mà ngồi thẳng, hít sâu thở nhẹ cho thân tâm lưu thông, đừng để ý đến cái đau thì tự nhiên cái đau sẽ tan biến. Ví dụ như khi có dao lam cắt vào tay mình, đầu tiên là đau. Bây giờ sẽ có hai cái nhìn về cái đau này, thứ nhất là kêu đau quá, lo lắng, biết theo cái đau mà quên tánh mình đang sáng biết thì cái đau sẽ nhân gấp đôi làm cho mình hoảng loạn. Còn khi đau, nếu mình đang tỉnh sáng để nhìn nó thì tự nó tách ra khỏi mình, mình đang sáng biết một cách rõ ràng thì cái đau sẽ giảm dần đến khi trong lặng bình thường, nó không còn dính dáng gì đến mình nữa. Khi đang lặng sáng để nhìn, tức là đang ở trong thiền để nhìn. Như thế cái đau này sẽ mất tác dụng với mình.

13. Thiền thấu tột trí vô sư >>

Khi đã thực tập ngồi thiền tương đối ổn rồi thì trong sinh hoạt hàng ngày quý vị cũng có thể ứng dụng công phu được. Nếu chờ ngồi mới thực tập, tới giờ tu mới dụng công thì ít quá. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nếu khéo một chút, chúng ta cũng thực tập thiền được. Ngày xưa, khi lên xe, chúng ta nghĩ bao nhiêu việc phải làm, rồi sực nhớ lại từ nãy giờ lái xe mà không biết mình lái. Đó là mất mình, là quên thực tập thiền. 

Bây giờ chỉnh lại, tỉnh sáng rồi mới chạy xe, thì mọi thứ trong lặng, rõ ràng, chạy xe rất an toàn, thơ thới. Đến công sở ngồi vào bàn làm việc cũng vậy, tỉnh trở lại hãy làm, có mặt mình hãy làm thì công việc thông suốt. Ra chợ, tỉnh lại rồi mua đồ. Vào bếp, tỉnh lại rồi nấu nướng...Tất cả mọi việc đều như vậy, tỉnh lại, nhớ lại rồi làm. Vận hành công việc khi đang tỉnh như vậy thì công việc vẫn đang vận hành mà không động. Đây là quý vị đang sống trong thiền mà làm và làm như thế thì tâm mình được an định, trí sáng, cuộc sống trở nên an vui, tươi mát hơn. Còn quên mình mà làm thì đang động, tâm mờ tối, trí rối loạn, dễ bị công việc chi phối và đưa đến khổ đau.

Thường chúng ta hay quan niệm mình có trí thông minh, có được sự hiểu biết là nhờ thầy cô giáo dạy dỗ cho mình. Nhưng nếu chỉ có thế thôi, chỉ nhờ dạy mới hiểu, chờ dạy dỗ mới có trí thông minh và thầy cô giáo có thể cho chúng ta sự thông minh một cách trọn vẹn, thì thầy cô giáo có thể giảng cho cái cột nhà hiểu được không? Không. Vì cái cột nhà nó không có khả năng hiểu. Nhưng nếu giảng cho quý vị nghe thì quý vị có hiểu không? Có, phải không? Bởi vì chúng ta có khả năng hiểu. Như vậy, trước khi hiểu những lời giảng này thì quý vị đã sẵn có cái khả năng tự hiểu nơi mỗi người rồi, thì mới hiểu lời dạy này. Cũng vậy, thầy cô giáo muốn dạy cho học sinh nên người thì trước tiên, con người ta đã có một khả năng tự hiểu trước, họ mới hiểu được lời dạy của thầy cô giáo. Vậy thì, mỗi người đều có khả năng tự hiểu, khả năng sáng, khả năng đó đang có ở nơi tất cả chúng ta. 

Nhưng thông thường con người chúng ta chỉ lo học theo một phần bên ngoài mà bỏ quên đi khả năng nơi chính mình đó. Đây là cái sơ sót của con người và quý Thầy đi tu là để tìm lại cái phần bị bỏ rơi sót đó để được đầy đủ trọn vẹn hơn chứ không bỏ cái gì cả. Bỏ quên trí gốc này thì sống, làm việc, sinh hoạt..., tất cả mọi thứ đều động, không giải quyết được sự đau khổ trong đời. Chúng ta chỉ sống trong mộng mị, làm mọi việc mà như người trong mộng đang ngủ mê nói mớ, sống mà như chết. Nhận lại trí gốc này thì mọi thứ vẫn vận hành như vậy, nhưng với mình thì lặng trong, không động bao giờ. Ngay đó mới cảm nhận cuộc sống một cách trọn vẹn.

Khi quý vị đang nghe đây mà nghĩ đi chỗ khác là đã quên mất mình rồi. Cũng khi nghe nói đây, quý vị chú tâm nghe quý Thầy nói chuyện thì tưởng như là đang nhất tâm, an định. Nhưng lát nữa rời chỗ này đi ra ngoài thì quý vị có bị động trở lại không? Bị động liền, phải không? Cho nên, khi quý vị chú tâm như vậy ngỡ là nhất tâm, nhưng khi ra ngoài bị biến đổi thì mới biết đó chỉ là tướng tịnh do cột tâm mà có ra thôi. Tướng tịnh này nó đối đãi với cái động kia nên nó có còn, có mất, có sanh, có diệt. Mà tướng thanh tịnh này có còn, có mất thì nó chưa phải là cái tịnh tuyệt đối. Vì sao? Vì khi quý vị chú ý lắng nghe là vin theo lời này mà chú ý, đó là đã bỏ quên mất chính mình. Đây là bỏ nhà mà đi ra, mà đi ra là bị rơi vào sanh diệt, nên biết tướng tịnh đó chưa phải là chân thật. 

Bây giờ quý vị đừng chú ý nữa, cũng trạng thái lặng mà sáng biết này, an trở lại nơi chính mình thì tự tánh đó nó sẽ tự động nghe một cách linh thông, không ngăn ngại. Bằng tâm đó, dù ngồi đây hay đi chỗ khác thì tánh thấy biết đó vẫn luôn hiển hiện, không động, không thiếu vắng bao giờ. Bản tánh này vốn nó tự tịnh, tự định. Chỉ sống trở lại thì tự tính chất nó là an định, muốn động cũng không được, chứ không phải làm cho trở nên an định. Nếu có làm cho được định thì cái định đó sẽ bị sanh diệt đổi thay và không thật. Ngay cái thấy biết chưa từng động đó là quý vị đã sống trọn vẹn với con người chân thật nơi chính mình rồi, là sống với khả năng căn bản thông minh của mình rồi. Bằng cái sáng biết đó để nghe lời giảng thì được cả hai, vừa sống về trí giác không động, bằng trí giác đó mà nghe thấy suốt thông một cách rõ ràng, thông minh hơn rất nhiều lần so với cái hiểu biết phân biệt có giới hạn kia. Còn bỏ quên cái đó mà nghe lời này thì chỉ được một nửa hiểu biết vọng động theo lời bên ngoài mà thôi, không phải là bằng trí gốc căn bản nơi chính mình để sáng biết không động.

Khi sống trở lại trọn vẹn với chính mình thì mọi việc sẽ tự luân lưu một cách thông suốt, hiệu quả nhưng không động. Ra chợ, ngồi làm việc, vào bếp nấu ăn..., quý vị nên tỉnh lại rồi hãy làm. Trong trạng thái tỉnh đó, quý vị đang sống bằng tâm thiền, thì những hành động đó tuy động mà tâm ta không động. Ngay trên công việc, trên cảnh mà không động thì đã có tác dụng của thiền rồi. Còn nếu như làm mà quên mình thì sẽ động, mà động là sanh tử, là khổ đau. Còn tỉnh lại là vô sanh, là được an lạc giải thoát. Ngay khi làm đó, quý vị đã chứng nghiệm được thiền rồi, cái trí đó tự mình sẵn có chứ không ai cho mình được. Đây gọi là trí vô sư, là trí gốc sẵn có không do thầy dạy. Còn trí do học hỏi được từ thầy mới có là trí hữu sư, đây là cái dụng bên ngoài thôi. 

Trên chánh điện có câu “Vô sư trí vi tôn”, tức là cái trí thể vốn chưa từng sanh diệt, sẵn đủ nơi mỗi người không phải do thầy dạy mới có, trí đó là tôn quý hơn hết. Quý vị thực tập tọa thiền là sống bằng trí đó, hằng ngày quý vị tỉnh lại mà sống thì đang sống bằng trí đó, không bị thế gian làm mình động. Trí đó, linh thông, sáng suốt, vĩ đại hơn tất cả trí thế gian. Trí đó giúp cho ta làm chủ cuộc sống. Chính sức tự chủ đó, sức sáng đó, sức định đó là niềm an vui vô tận. Nó đủ lớn để các việc thế gian không đủ giá trị tác động lên mình. Ngay khi quý vị sống được như vậy là lòng mình tự mở ra, thương cho những người khác vì sao lại mê mờ mà không cảm nhận được như mình. Bằng cái trí sáng, thương về cái mê, đó là từ bi. Như vậy, ngay khi có trí thì từ bi có ra, còn quên trí mà nói từ bi thì không phải. Rời trí đó thì dù cho tình thương có bao la rộng lớn đến đâu, nó cũng chỉ là bác ái thôi, không phải từ bi. Như vậy, chỉ cần trở lại tâm thiền, sống với thiền thì tự nhiên những giá trị khác tự tròn đủ. Cho nên Ngài Huyền Giác nói: "Lục độ vạn hạnh thể trung viên" tức là sáu độ muôn hạnh, tự tròn đủ trong thể tánh mỗi người chúng ta là vậy. 

Xem thêm: http://www.buddhismtoday.com/index/thien.htm




Phần 2: Thực hành tọa thiền

1.  Tự học Thiền

Trước tiên, hãy biết rằng, để Thiền định, bạn không cần bất kỳ Minh sư hay vị thầy cụ thể nào, bởi vì Minh sư đã ở trong chính bạn, Minh sư chính là hơi thở của bạn. Hãy dõi theo vị thầy hơi thở của chính bạn. Chỉ có hơi thở mới có thể đưa bạn vào sâu bên trong Thiền định. Bạn hoàn toàn có thể tự mình trải nghiệm Thiền định bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình tại nhà.

2. Hướng dẫn thiền căn bản >>

Thiền định là thực hành, thực hành và thực hành. Thiền định là đơn giản và dễ dàng, ai cũng có thể tự tập được. Bạn hãy ngồi thật thoải mái, có thể ngồi dựa vào tường cũng được, không nhất thiết phải ngồi thẳng lưng (đừng tựa đầu vào tường sẽ dễ bị ngủ quên). Bạn có thể ngồi ở bất kỳ tư thế nào, càng thoải mái càng tốt. Hướng mắt nhìn xuống thả lỏng, không cần thiết phải nhìn vào chóp mũi; mắt có thể hướng về sàn nhà phía trước chỗ bạn ngồi, nếu điều này tự nhiên hơn. Đừng mở mắt quá lớn mà cũng đừng nhắm mắt; hãy để mắt mở hé chút xíu. Đôi khi mắt sẽ khép lại tự nhiên; thế cũng được. Ngay cả nếu mắt đang mở, khi ý thức chú tâm đều đặn vào đối tượng, các hiện tướng của nhãn thức sẽ không quấy rối bạn.

Khi đã ổn định, hãy bắt đầu quan sát hơi thở tự nhiên và nhẹ nhàng. Không cố ý hít thở, hãy để cho hơi thở ra vào một cách tự nhiên. Điều bạn cần làm là đem toàn bộ sự chú ý vào nhịp điệu êm dịu này của hơi thở. Hãy quan sát hơi thở, quan sát năng lượng của hơi thở. Nếu có bất kỳ suy nghĩ nào đến, hãy để nó tự nhiên đi bằng cách quay về quan sát hơi thở của chính bạn. Dần dần hơi thở sẽ càng lúc càng nhỏ lại. Càng nhiều thời gian bạn dõi theo hơi thở, việc Thiền định càng dễ dàng hơn. 

Hãy cố gắng để tâm trong trạng thái tự nhiên một cách sinh động, không nghĩ gì về chuyện quá khứ hay về chuyện bạn tính làm trong tương lai, không khởi lên bất kỳ một khái niệm nào. Ý thức của bạn đang ở nơi đâu? Nó [ý thức] đang ở với đôi mắt hay ở đâu? Nhiều lúc, bạn sẽ cảm thấy nó [ý thức] liên kết với đôi mắt, bởi vì hầu hết nhận thức về thế giới này được khởi lên là xuyên qua mắt thấy. Điều này là do dựa quá nhiều vào cảm thức của chúng ta. Tuy nhiên, sự hiện hữu của một ý thức riêng biệt có thể biết chắc được; thí dụ, khi chú tâm hướng về âm thanh thì những gì xuất hiện qua nhãn thức không được ghi nhận. Như thế cho thấy một ý thức riêng biệt đang chuyên chú hơn vào âm thanh nghe qua nhĩ thức, hơn là ảnh của nhãn thức.

Với tu tập kiên trì, ý thức có thể được nhận ra hay được cảm nhận như một thực thể của ánh sáng thuần khiết và của tánh biết, mà đối với nó bất kỳ thứ gì cũng có khả năng xuất hiện, và nó [ý thức], khi các điều kiện thích nghi hội đủ, có thể được sinh khởi trong hình ảnh của bất kỳ đối tượng nào. Khi nào mà tâm không đối phó với khái niệm về ngoại cảnh, tâm sẽ an trú rỗng không mà không có gì xuất hiện trong nó, hệt như nước trong. Thực thể của nó [tâm] là thực thể của kinh nghiệm thuần túy. Hãy để tâm trôi chảy tự nhiên mà đừng phủ lên khái niệm nào. Hãy để tâm an nghỉ trong trạng thái tự nhiên của nó, và quan sát nó. Lúc đầu, khi bạn chưa quen với pháp này, nó thật là khó, nhưng dần dần tâm sẽ xuất hiện như nước trong. Rồi thì, hãy an trú với tâm không bị thêu dệt này, và đừng để khái niệm nào sinh khởi. Khi chứng ngộ bản tánh của tâm, chúng ta sẽ lần đầu tiên định vị được đối tượng quan sát của loại thiền nội quan này.

Dưới đây là các trải nghiệm có thể gặp khi thực hành Thiền định:

+ Cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng và thoải mái

+ Cảm thấy cơ thể nặng (đặc biệt là ở phần đầu)

+ Cảm thấy rung lắc, cơ thể tự dịch chuyển

+ Nhìn thấy các màu sắc

+ Cảm thấy đau (thường thì ở phần dưới lưng và các vùng cơ thể có vấn đề)

+ Cảm thấy cơ thể lâng lâng, bay bổng ở nơi nào đó

+ Thấy một số cảnh đẹp

Càng nhiều thời gian bạn tỉnh thức với hơi thở tự nhiên, bạn càng dễ dàng đi vào Thiền định. Tất cả các trải nghiệm trong Thiền định đều tốt. Bạn chỉ đơn giản là tỉnh thức để chứng nghiệm và không bị cuốn theo.

Thời gian Thiền định mỗi ngày ít nhất tương ứng với số tuổi của mỗi người (Ví dụ bạn 20 tuổi, Thiền ít nhất 20 phút mỗi ngày; bạn 50 tuổi, Thiền ít nhất 50 phút mỗi ngày...). Hãy Thiền liên tục 40 ngày, để tự mình trải nghiệm Khoa học Thiền định.

Trong cuộc sống hãy sống với hiện tại, tập trung vào những công việc, hoạt động đang xảy ra. Nếu có suy nghĩ không cần thiết đến, hãy dừng lại. Bất cứ lúc nào bạn nhớ ra, hãy đưa sự chú ý trở về với hơi thở.


Thời gian tốt nhất để tập pháp thiền này là vào buổi sáng, tại một nơi im vắng, khi tâm rất trong suốt và tỉnh táo. Đêm trước đó, nhớ đừng ăn nhiều quá hay ngủ nhiều quá; như thế sẽ làm cho tâm nhẹ hơn và nhạy bén hơn vào buổi sáng kế tiếp. Dần dần, tâm sẽ trở nên càng lúc càng an bình; sự tỉnh thức và trí nhớ sẽ trở thành rõ ràng hơn.

3. Cách ngồi thiền đúng phương pháp >>


Tọa thiền cần một căn phòng yên tĩnh. Ăn uống chừng mực, giảm thiểu những mối giao tiếp thế sự. Chớ tính toán nghĩ suy phải quấy, tốt xấu, cũng không theo bên này chống bên kia. Hãy dừng lại mọi tạo tác vận hành của tâm thức, ngay cả ý niệm muốn thành Phật cũng nên dập tắt. Điều này vẫn đúng không chỉ trong thời tọa thiền mà suốt mọi động tác trong ngày.

Bạn nên bắt đầu tọa thiền vào buổi sáng sớm thức dậy, trước khi tập thể dục và ăn sáng. Nếu bạn chọn thực tập trước khi ngủ sẽ bất lợi vì bạn sẽ dễ bị cơn buồn ngủ lôi kéo hoặc suốt một ngày làm việc tồn đọng lại trong đầu bạn biết bao tạp niệm chưa giải quyết. Bạn nên mặc quần áo bằng vải mềm, rộng rãi.

Trước hết trải một tấm nệm vuông dày khoảng 2 inches (toạ cụ), ngay giữa đặt lên trên một cái gối ngồi nhỏ (bồ đoàn) để ngồi. Nếu không có bồ đoàn bạn có thể dùng một cái gối thường gấp đôi lại. Nửa mông sau đặt trên bồ đoàn và ngồi ngay thẳng vững vàng. Có nhiều cách ngồi, nhưng với những người mới bắt đầu có thể ngồi kiểu Miến Điện hay ngồi bán kiết già. Những người thường mặc Âu phục rất khó ngồi bán kiết già hay toàn kiết già, có thể ngồi thiền trên ghế hay ngồi theo kiểu Nhật Bản.

Ngồi kiểu Miến Điện:

Cách thứ nhất và đơn giản nhất là cách ngồi kiểu Miến Điện (Burmese position), cả hai chân xếp chéo nhau đặt đều trên đệm:
ngoithien7
Ngồi Bán Kiết Già (Half Lotus position)

Tư thế bán kiết già là đặt chân trái lên đùi phải. Tuy nhiên có thể thay đổi, chân trái có thể đặt dưới và chân phải đặt trên đùi trái.
ngoithien6

Ngồi Toàn Kiết Già (Full Lotus position)

Tư thế toàn kiết già là hai chân được khoá vào nhau, trước hết đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi đem bàn chân trái đặt lên đùi phải. Kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu hơn. Còn bàn tay trái để lên bàn tay phải, hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chõ vừa ôm hông là được .
ngoithien5

Xương sống hoàn toàn thẳng đứng, không nghiêng bên trái cũng không ngả bên phải, không cúi tới trước cũng không ngả về phía sau, lỗ tai thẳng với vai và lỗ mũi ngay nơi rốn. Lưỡi chạm hàm trên, miệng ngậm, mắt hé mở. Đây là tư thế toạ thiền đúng cách, vững chãi và hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của tọa thiền là tâm toạ.

Ngồi kiểu Nhật Bản (Seiza position):

Tư thế ngồi này là ngồi trên một ghế nhỏ, hai chân để dưới chân ghế. Cũng có thể dùng một cái gối nhỏ đặt lên trên hai chân và mông ngồi trên đó.
ngoithien9

Ngồi Trên Ghế (Chair position):

Sau cùng là cách ngồi trên ghế với hai bàn chân đặt trên mặt thảm. Cũng có thể ngồi trên bồ đoàn đặt trên ghế. Tư thế lưng cũng giống như các thế ngồi trên.
ngoithien8

Nên chú ý bất cứ kiểu ngồi thiền nào thì xương sống cũng phải hoàn toàn ở vị thế thẳng đứng, không nghiêng bên trái cũng không ngả bên phải, không cúi tới trước cũng không ngả về phía sau, lỗ tai thẳng với vai và lỗ mũi ngay nơi rốn.
Chiều chóp mũi ngay đầu ngón tay cái, hai trái tay đối xứng hai bả vai, mắt mở 1/3 nhìn không quá 5 tấc với một góc độ vừa phải (45 độ) (nếu mắt nhắm hoàn toàn sẽ dễ bị ngủ, còn mở rộng quá thì sẽ dễ bị toán loạn vì nhìn thấy ngoại cảnh). Gương mặt bình thản, miệng hơi mỉm để cho các cơ bắp trên mặt được giãn ra. Điều này rất cần thiết cho hệ thần kinh.

Thở Vào Ra Trong Lúc Toạ Thiền: 

Hít sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra bằng miệng nhẹ nhàng. Miệng ngậm lại, môi và răng vừa khít nhau, lưỡi để lên trên. Từ đây về sau chỉ hít thở bằng mũi đều đều, nhè nhẹ không cố gắng.
thien-thovao
thien-thora
  
Điều quan trọng của toạ thiền là tâm toạ tức là làm thế nào để tâm không còn đi dong duổi ta bà, hết nơi này đến chốn khác. Nhưng muốn tâm toạ chúng ta phải làm thế nào? Trên nguyên tắc, chúng ta phải giảm thiểu từ từ những ý nghĩ miên man trong đầu, mới bắt đầu từ nhiều niệm về ít niệm rồi về một niệm và sau cùng là không còn một niệm nào. Từ từ, tâm chúng ta được trong sáng hơn và từ sự vắng bặt niệm, tự nhiên bộc phát sự hiểu biết sáng suốt. Không một niệm trong đầu chính là đối tượng của thiền. Có rất nhiều phương pháp khác nhau và Pháp Thở là bước căn bản, là bài học vỡ lòng của các pháp thiền tập.

Thở là sự sống, là năng lực sống còn, là tâm điểm các hoạt động của cơ thể chúng ta. Tâm và hơi thở của chúng ta là một: khi chúng ta tức bực, hơi thở trở nên hổn hển, khi tâm chúng ta cảm thấy an lạc thoải mái, hơi thở trở nên điều hoà, dễ chịu. Vì thế chúng ta cần điều hoà hơi thở một cách tự nhiên qua lỗ mũi và chú tâm vào cảm thọ về hơi thở nơi đan điền (phần bụng dưới rốn), hoặc là hơi thở vào ra nơi hai lỗ mũ (chỉ nên chọn một). Cảm thọ này là mục đích thiền tập cơ bản của chúng ta. Khi tâm chúng ta nghĩ chuyện khác, chúng ta nên tức khắc gọi nó trở về với hơi thở vào ra. Thân ở đâu thì tâm ở đó.

Do vì mỗi người có một tâm khác nhau nên cũng khó nói có một pháp tu nào áp dụng chung cho tất cả mọi người được, vì vậy đức Phật đã chỉ dạy nhiều pháp khác nhau để mỗi người tùy căn cơ áp dụngNhưng, dù là pháp nào chăng nữa thì việc thực hành cũng là trình tự đưa tâm từ trạng thái nhiều vọng tưởng về trạng thái ít vọng tưởng rồi về nhất tâm, về sau từ từ đạt đến vô tâm, rồi liễu tâm, ngưng dứt dòng suy nghĩ miên man, liên tục của ý thức. Nhà Phật quan niệm rằng sự suy nghĩ liên tục, miên man, của ý thức, còn gọi là "tâm viên ý mã", tức là tâm ý vọng tưởng chạy nhẩy như con vượn, con ngựa, có tác hại là đã che mờ mất Chân Tâm, Trí Tuệ Bát Nhã.

4. Phương pháp tọa thiền >>


Dụng Cụ Tọa Thiền
- Một bồ đoàn tròn, đường kính 2 tấc (20 cm), bề cao 2 tấc (20 cm), dồn gòn, khi ngồi xuống còn một tấc (10cm) là vừa.
- Một tọa cụ vuông 8 tấc để trải dưới, bồ đoàn để lên trên.
- Một khăn lông hoặc gối nhỏ dùng để chêm bên lòng bàn chân trũng.
Phương Pháp Tọa Thiền
Tọa thiền có ba giai đoạn: Nhập, Trụ, Xuất.
A. Nhập
Ðến giờ tọa thiền, trải tọa cụ ra, đặt bồ đoàn lên trên tọa cụ.
Ngồi lên bồ đoàn, xương cùng đúng giữa bồ đoàn, nghiêng qua nghiêng lại cho an ổn mới kéo chân ngồi.
Nếu ngồi bán già, kéo chân trái để lên chân phải hoặc ngược lại.
Nếu ngồi kiết già, chân trái kéo để lên đùi phải, chân phải để lên đùi trái, kéo sát vào thân.

Nới rộng dây lưng, cổ áo, sửa thân ngay thẳng.
Lấy bàn tay phải để lên bàn tay trái. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân,
 Những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái vừa chạm nhau, nằm ngay chiều rún.
 Nếu lòng bàn chân bên nào trũng.
 Nên dùng khăn chêm vào cho bằng.
Cùi chỏ vừa ôm hông là được.
Chuyển động thân 3 lần, ban đầu mạnh, sau yếu dần.
Ngồi lưng thẳng vừa phải, đừng quá ưỡn cũng đừng để cong hoặc ẹo, đầu hơi cúi (lưng còng và đầu cúi dễ sanh hôn trầm) chiều chóp mũi ngay đầu ngón tay cái, hai trái tai đối xứng với bả vai, mắt mở 1/3, tầm nhìn không quá 6 tấc từ giao điểm giữa hai chân, gương mặt bình thản ngồi yên.
Dùng mũi hít vô cũng đừng mạnh, cũng đừng gấp, phải đều đều nhẹ nhẹ, tưởng như "Không khí trong sạch vô khắp châu thân làm cho những chỗ không thông theo hơi thở lưu thông", rồi há miệng thở ra sạch tưởng như "Phiền não, bệnh hoạn, cấu uế đều theo hơi thở ra ngoài." Thở như thế đến 3 lần cũng từ thô đến tế (từ mạnh rồi nhẹ dần). Thở xong ngậm miệng lại, môi và răng vừa khít lại, lưỡi để lên trên. Từ đây về sau chỉ hít thở bằng mũi đều đều nhẹ nhẹ.
B. Trụ
Có ba phương pháp dành cho người sơ cơ:
1. Sổ tức quán
Sổ là đếm, tức là hơi thở, sổ tức quán là quán sát hơi thở ra vô, đếm từ một đến mười.
Có hai cách Quán Sổ Tức: Nhặt và Khoan.
Nhặt: Hít hơi vô đếm một, thở hơi ra đếm hai... Lần lượt đến mười, rồi trở lại bắt đầu từ một.
Khoan: Hít hơi vô thở ra đếm một, hít vô thở ra đếm hai, lần lượt đến mười, rồi bắt đầu trở lại từ một. Cứ đếm như thế suốt thời gian tọa thiền.
Nếu trong lúc đếm từ một đến mười nữa chừng quên hoặc bị lộn số, ta bắt đầu trở lại từ một...
Sau một thời gian tu tập, hành giả đếm thuần thục không còn bị lộn số nữa thì ta bước qua giai đoạn tùy tức.
2. Tùy tức
"Tùy" là theo, "tức" là hơi thở. "Tùy tức" là theo dõi hơi thở. Hít hơi vô tới đâu là ta biết tới đó. Hơi thở ra đến đâu, ta cũng đều biết rõ.
Trong khi theo dõi hơi thở, nên dùng trí quán mạng sống trong hơi thở, thở ra mà không hít vào thì mạng sống không còn tồn tại. Hơi thở đã vô thường thì mạng sống của ta cũng mỏng manh giả tạm.
Khi theo hơi thở thuần thục rồi, hành giả bước sang giai đoạn tri vọng.
3. Tri vọng
Ðầu tiên, chúng ta theo dõi hơi thở ra vào an ổn đôi ba phút, buông hơi thở để tâm an tịnh, vừa có vọng khởi liền biết vọng không theo, vọng lặng thì tâm thanh tịnh. Vọng dấy liền biết có vọng, cứ thế cho đến vọng thưa dần và im bặt. Nếu mơ màng ngủ gục thì mở mắt sáng ra chấn chỉnh thân trang nghiêm lại.
Trong lúc tọa thiền nghe ngực nặng, tim hơi nhói là do ngồi thẳng quá nên rùn xuống một chút. Nghe nhức xương sống gần lưng quần, biết ngồi cong rồi, phải thẳng lên. Nếu nhức một bên vai, coi chừng hai vai không ngang nhau, một bên bị lệch xuống. Nếu nhức cả hai vai là do gồng hai tay, phải nới lỏng ra, toàn thân ở trong tư thế thư giản...
Toàn thân  trong tư thế thư giản...
C. Xả thiền
Khi xả thiền, trước đọc bài nguyện hồi hướng:
            "Nguyện đem công đức này
            Hướng về khắp tất cả
            Ðệ tử và chúng sanh
            Ðều trọn thành Phật đạo".
Kế đến, dùng mũi hít vào, dùng miệng thở ra ba hơi (từ nhẹ đến mạnh).
Hít vô tưởng như máu huyết theo hơi thở lưu thông khắp cơ thể. Thở ra tưởng như phiền não, bệnh hoạn, cấu uế theo hơi thở ra ngoài.
Ðộng hai bả vai mỗi bên lên xuống 5 lần.
Ðộng cái đầu cúi xuống ngước lên 5 lần.
Xoay đầu sang phải.
Xoay đầu sang trái mỗi bên 5 lần, rồi trở lại cúi ngước lên xuống 1 lần nữa cho quân bình.
Ðộng hai bàn tay co duỗi 5 lần.
Ðộng thân 7 lần, lần chót dời hai bàn tay úp lên 2 đầu gối, nhấn mạnh xuống.
Xoa mặt 20 - 30 lần.
Xoa hai lỗ tai 20 - 30 lần.
 Xoa đầu 20 -30 lần.
Xoa sau gáy 20 -30  lần.
Xoa cổ 20 -30  lần.
Dùng bàn tay phải xoa từ vai xuống cánh tay.
Bàn tay trái xoa từ nách xuống bên hông, hai bên kết hợp xoa một lượt mổi bên 10 lần.
Lòng bàn tay phải đặt lên ngực, lưng bàn tay xoa lên lưng, hai tay kết hợp xoa một lượt (xoa ngang). Xoa ba điểm thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu 5 lần (ngực, bụng, bụng dưới).
Dùng hai bàn tay xoa thắt lưng.
 Xoa mông.
 Xoa đùi (xoa đùi tùy theo sự đau nhiều hay đau ít không có số lượng).
Xoa hai ngón tay giữa cho nóng
 Áp vào mắt mổi bên 5 lần.
Một tay nắm đầu các ngón chân, một tay giơ cổ chân từ từ để nhẹ xuống.
Hai bàn tay cùng xoa mạnh lên xuống từ đùi đến bàn chân và xoa nóng 2 lòng bàn chân. Xoa bàn chân này xong rồi xoa bàn chân kia, xoa tùy thích không có số lượng.
Duỗi hai chân ra
Thân rướn về phía trước, các ngón tay vừa chạm đầu các ngón chân 5 lần.
Dời thân khỏi bồ đoàn, ngồi yên khoảng vài phút mới đứng dậy lạy Phật.
Chú ý: Khi xả thiền mọi động tác xoa bóp đều phải ấn mạnh vào da, nhưng đừng thô ồn. Các động tác và hơi thở bắt đầu từ tế đến thô (nhẹ đến mạnh).
Thống nhất Phương Pháp Toạ Thiền do Hoà Thượng dạy tại Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt ngày 8.2.Kỹ Mão ( 25.03.1999)



Phần 3: Giới Thiệu về Thiền Vipassana

1. Cốt tủy của Thiền Vipassana >>

Thiền Vipassana (thiền minh sát tuệ) là một phương pháp tu đơn giản, thực tế mang lại kết quả là tâm an lạc và hướng đến một đời sống lợi lạc và hạnh phúc. Vipassana có nghĩa là " thấy mọi sự vật như thật bản chất của chúng ngay trong lúc quan sát"; nó là một tiến trình logic của việc thanh lọc tâm qua phương cách tự quán chiếu (self- observation) .

Trải qua tiến trình thời gian, chúng ta sẽ kinh nghiệm tất cả sự lo âu, sự trạo hối và sự bất hòa. Khi chúng ta khổ, chúng ta không giữ nỗi khổ trong tâm chúng ta; thay vì , chúng ta làm phiền đến người khác. Rõ ràng, đây không phải là phương cách thích hợp để sống. Tất cả chúng ta mong muốn sống trong an bình giữa chúng ta và mọi người xung quanh. Sau hết , con người là những người sống trong xã hội; chúng ta phải sống và ban giao với họ. Làm thế nào chúng ta có thể sống một đời sống an bình? Làm thế nào chúng ta có thể duy trì an hòa trong chúng ta, và duy trì hòa bình và hài hòa xung quanh chúng ta?

Vipassana là đường lối tự chuyển hóa bằng tự quan sát. Nó chú trọng đến sự tương quan mật thiết giữa tâm và thân, là điều có thể cảm nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm đến những cảm giác thực thụ trên thân, nó luôn luôn liên hệ và chi phối tâm. Căn cứ vào sự quan sát này, và hành trình tự khám phá đi vào gốc rễ chung của tâm và thân để xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, đưa đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.

Vipassana có thể giúp chúng ta sống an lạc và hài hòa; nó làm thanh tịnh tâm, giải thoát tâm ra khỏi khổ đau và những nguyên nhân cội rễ của khổ đau. Hành trì , tuần tự dẫn đến mục đích thiêng liêng cao nhất của sự giải thoát hoàn toàn tất cả mọi ô nhiểm thuộc về tâm lý.

Phương pháp không tông phái này nhằm để diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của sự hoàn toàn giải thoát. Mục đích của nó là để chữa trị, không chỉ riêng bệnh tật, nhưng cốt yếu là để chữa trị khổ đau của con người.


Những định luật khoa học chi phối ý nghĩ, cảm tưởng, phán đoán, và cảm giác của con người trở nên rõ ràng. Qua trực nghiệm, trạng thái làm sao ta tiến bộ hoặc thoái hóa, làm sao ta bị khổ hay làm cho ta hết khổ sẽ được hiểu rõ. Cuộc đời được xác định bằng cách gia tăng ý thức, không ảo tưởng, tự chế và an lạc.

2. Nguồn gốc lịch sử >>

Vipassana là một trong những phương pháp thiền định xưa nhất của Ấn Độ. Nó được Đức phật Thích ca khám phá lại cách đây trên 2500 năm, và nó là phương pháp cốt lõi mà Đức phật đã tu tập và giảng dạy trong suốt 45 năm hoằng hóa của ngài. Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung cho nhân loại.

Vào thời Đức phật , nhiều người sống vùng bắc Ấn Độ (ngày nay thuộc tiểu bang Biha và Uta Pradesh) dựa vào phương pháp tu tập vipassana , đã thoát khỏi mọi trói buộc khổ đau trong đời và họ đã thành tựu ở những thứ bậc cao về sự chứng đạt trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Trải qua thời gian, phương pháp thiền vipassana đã lang truyền sang các nước láng giềng như Burma(miến điện), Sri lanka ( Tích lan), Thailand( Thái lan) và những nước khác, ở những nước này nguồn thiền cũng đã mang lại kết quả lợi ích lớn lao như ở Ấn độ.

Trải qua năm thế kỷ sau khi Đức phật niết bàn, giáo lý cao quí của nguồn thiền Vipassana đã biến mất khỏi Ấn Độ. Giáo lý nguyên thủy cũng không còn ở Ấn Độ. Tuy nhiên, ở Burma (Miến điện), nó được bảo tồn từ nhiều thế hệ của Các vị Thầy tận tâm bảo trì, từ thế hệ này sang thế hệ khác, trải qua hơn 2000 năm, dòng truyền trao tận tụy này(bởi các vị Thầy) đã chuyển trao phương pháp thiền định trong hình thức thuần túy nguyên thủy của nó.

Ở thời đại chúng ta, thiền Vipassana được giới thiệu trở lại Ấn Độ, cũng như những người dân từ hơn tám mươi quốc gia khác nhau, bởi Thiền sư S. N. Goenka(Thầy SNG) . Thầy SNG được Vị thầy nổi tiếng thiền vipassana Miến điện(Sayagyi U Ba Khin) giao trọng trách dạy thiền Vipassana. Trước khi Ngài tịch vào năm 1971, Thầy Sayagyi đã chứng kiến một trong những mơ ước nhất (của Ngài) đã thành sự thật. Ngài đã mong ước sẽ đưa nguồn thiền Vipassana trở lại Ấn Độ, quê hương của nó, để Nó giúp mọi người giải trừ những khổ đau . Từ Ấn Độ, Thầy đã cảm nhận chắc chắn rằng rồi đây nó sẽ truyền bá rộng ra khắp thế giới vì lợi ích an lạc cho nhân loại.

Thầy SNG đã bắt đầu hướng dẫn những khóa Vipassana ở Ấn Độ vào năm 1969; mười năm sau, Ngài cũng bắt đầu dạy thiền ở các quốc gia khác. Vào năm thứ 23 từ khi Ngài bắt đầu dạy, Thầy SNG đã hướng dẫn trên 350 khóa 10 ngày về thiền Vipassana, vã đã đào tạo trên 120 Vị Thầy phụ tá, những vị Thầy này đã hướng dẫn trên 1200 khóa khắp mọi nơi trên thế giới.

Hơn nữa, có tất cả 19 trung tâm dành cho tu tập Vipassana được thành lập; bảy trung tâm ở Ấn Độ, những trung tâm còn lại ở tám quốc gia khác. Pháp bảo vô giá của Vipassana, được duy trì trong một thời gian lâu dài ở tiểu quốc Burma, bây giờ nó đã được hành trì ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Ngày nay, con số người tham gia ngày một tăng có cơ hội để học nghệ thuật sống này nó mang lại an lạc và hạnh phúc lâu dài cho họ.

Trong quá khứ, Ở Ấn Độ đặc biệt được xem như là một vị Thầy thế giới. Vào thời chúng ta, Chân lý phát nguồn từ lưu vực sông hằng(Giáo pháp Đức phật) một lần nữa đang tuông trào ra từ Ấn Độ đến những thế giới khát khao về nó.

3. Phương cách hành trì >>

Học thiền Vipassana, tốt nhất nên tham gia khóa mười ngày dưới sự hướng dẫn của một Vị thầy Kinh nghiệm. Trong thời gian hành trì, thiền sinh chỉ lưu trú trong khu vực của trung tâm tu thiền, không tiếp xúc môi trường ngoài khu vực trung tâm. Các thiền sinh không được đọc, viết và duy trì phương pháp tu tập của bất kỳ tôn giáo nào khác hoặc các giáo điều khác. Phải tuân theo mệnh lệnh của bản nội qui sinh hoạt hằng ngày gồm có mười tiếng ngồi thiền định. Phải hành trì tịnh khẩu , không nói chuyện với bạn đồng tu, tuy nhiên, thiền sinh tự do trình bày vấn đề thiền định với vị Thầy hướng dẫn và những vấn đề khác với ban quản lý.

Có ba bước cho việc hành trì. Bước một, thiền sinh từ bỏ các hành động có khả năng gây hại. Họ phải hành trì năm giới cấm: từ bỏ sát sanh, trộm cướp, nói láo , tà dâm và uống chất có hơi men. Sự hành trì năm giới cấm này là để cho tâm yên tĩnh thích hợp tiến hành công việc có lợi ích. Bước hai, trong 3 ngày rưởi đầu, thiền sinh hành trì thiền sổ tức (Anapana meditation) , sự tập trung vào hơi thở. Sự hành trì này giúp cho việc phát triển khả năng kiềm chế tâm tán loạn.

Hai bước đầu về cách sống thiện hành và phát triển sự kiềm chế tâm này rất cần thiết và có lợi nhưng chưa hoàn hảo trừ phi bước thứ ba được hành trì: thanh lọc tâm qua sự giảm thiểu hành vi bất thiện. Bước thứ ba được tiến hành trong 6 ngày rưởi còn lại, là sự hành trì Vipassana: chúng ta quán sát toàn bộ cơ cấu thân và tâm với trí tuệ sáng suốt.

Thiền sinh được hướng dẫn phương pháp thiền vài lần trong ngày, và tiến trình mỗi ngày được giảng qua băng video từ Goenkaji vào mỗi buổi tối. Sự im lặng tuyệt đối dành cho 9 ngày đầu. Vào ngày thứ 10, thiền sinh bắt đầu được phép nói chuyện , làm những việc trao đổi trong đời sống bình thường trở lại. Khóa thiền kết thúc vào buổi sáng ngày thứ 11. Khóa tu chấm dứt với sự thực hành từ tâm(metta-bhavana) hướng đến tất cả chúng sanh với ý nghiã sự thanh tịnh trong suốt khóa tu được chia xẻ với mọi chúng sanh.

4. Các khóa tu tập >>

Những khóa Vipassana được tổ chức định kỳ ở các trung tâm cố định và đã thuê những khu vực ở các nước khác. Thông thường các khóa mười ngày, khóa đặc biệt và các khóa dài hạn 20 ngày, 30 ngày, và 45 ngày được tổ chức theo giai đoạn cho những thiền sinh đã có kinh nghiệm. Các khóa Anapana(tập sổ tức quán) ngắn dành cho trẻ em, phần giới thiệu của phương pháp Vipassana, được tổ chức định kỳ ở Ấn Độ. Các khóa kéo dài từ một đến ba ngày và phục vụ cho trẻ em trong hai nhóm tuổi; 8 đến 11 tuổi và 12 đến 15 tuổi.

Tất cả các khóa khắp nơi trên thế giới được tổ chức căn bản dựa vào sự cúng dường tùy hỷ. Không có tiền phí: các khóa tất cả được xoay sở nhờ sự cúng dường của những thiền sinh đã tham gia các khóa trước và mong muốn chia xẻ sự ích lợi mà chính họ đã gặt hái bằng cách cúng dường cho các thiền sinh từ các khóa sau. Vị Thầy và Chư Vị Thầy phụ tá không nhận tiền thù lao; Họ và những người tình nguyện phục vụ cho khóa thiền. Sự tu tập này thích hợp với ttruyền thống thuần tịnh, trong đó giáo lý được ban tặng tự phát vượt ra ngoài cấu uế của buôn bán, và ủng hộ bằng sự cúng dường phát xuất từ thiện chí của sự mang ơn và rộng lượng.

Toàn thể phương pháp thực ra là một sự rèn luyện tinh thần. Cũng giống như tập thể dục để trau dồi thể lực, Vipassana có thể dùng để phát triển một tâm hồn lành mạnh.

Bởi vì phương pháp thực sự rất lợi lạc, việc bảo quản phương pháp theo đúng đường lối nguyên thủy, chân nguyên được chú trọng rất nhiều. Nó không được được giảng dạy bằng cách thương mại hóa, nhưng hoàn toàn miễn phí. Không một ai tham gia vào việc giảng dạy nhận bất cứ thù lao nào.

Dĩ nhiên, thành quả đến một cách từ từ qua sự tu tập liên tục. Không thực tế tí nào khi nghĩ rằng mọi khó khăn sẽ biến mất trong mười ngày. Tuy nhiên trong thời gian đó, có thể học được những cốt yếu của Vipassana để có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày. Càng thực tập phương pháp bao nhiêu thì càng thoát khỏi đau khổ bấy nhiêu, và càng đến gần mục tiêu tối hậu của sự hoàn toàn giải thoát. Ngay chỉ mười ngày cũng có thể đưa đến thành quả rất cụ thể và lợi ích rõ rệt trong cuộc sống hằng ngày.

Những người thật tâm đều được chấp nhận để tham dự một khoá thiền Vipassana để tự mình thấy được phương pháp thiền công hiệu như thế nào và thấy được bao nhiêu lợi lạc. Những khóa Thiền Vipassana được giảng dạy ngay cả trong những nhà tù, với rất nhiều thành quả và lợi ích tuyệt vời cho các tù nhân tham dự. Tất cả những ai đã thử qua sẽ thấy rằng, Vipassana là một công cụ vô giá để đạt được và chia sẻ hạnh phúc thực sự với người khác.

Muốn biết thêm chi tiết về thiền Vipassana hay cần được hỗ trợ tham gia các khóa thiền, xin vui lòng email cho ban tổ chức Vipassana Việt tại info@vn.dhamma.org.

Mọi thắc mắc trong quá trình thực hành cá nhân cần hỏi Thiền sư phụ tá, có thể gửi về địa chỉ email info@vn.dhamma.org. Ban tổ chức sẽ giúp chuyển đến Thiền sư phụ tá để giải đáp.

Ban tổ chức khóa thiền Vipassana tại Tp. HCM, Việt Nam

Điện thoại: 0906.509.483 (ban ghi danh)
E-mail: registration@vn.dhamma.org
Web link: www.vn.dhamma.org/khoa-thien/txnt-tphcm/
Ban tổ chức khóa thiền Vipassana tại Hà Nội, Việt Nam

Trung tâm UNESCO – Bồi dưỡng Kỹ năng sống & Ứng dụng Thiền Vipassana (UCENLIST-VMA)
Điện thoại: 0906.509.483 (ban ghi danh) – 0904.540.778 (trợ lý ban ghi danh)
Website: www.ucenlist.org
Email: info@ucenlist.org và registration@vn.dhamma.org
Ban tổ chức các khóa thiền tiếng Việt tại Mỹ, Canada, và các nước khác

BTC Vipassana Việt – [1] (214) 233-6641 (Đây là số điện thoại chung của BTC tại Mỹ – số này luôn có người trả lời cuộc gọi và tin nhắn thường trực)
Lam-Sơn – [1] (682) 334-3337 (tại Mỹ)
Dũng & Vân – [1] (514) 331-3619 (tại Canada)
Email: info@vn.dhamma.org

Web link: www.vn.dhamma.org/category/khoa-thien/the-gioi/

5. Một phương pháp tu tập thuần túy >>

Mặc dù thiền Vipassana được bảo tồn trong truyền thống Phật giáo, nó không chứa đựng tính chất tôn phái, và nó có thể được chấp nhận và áp dụng cho mọi người ở bất cứ nguồn gốc nào. Đức phật, chính ngài đã dạy giáo pháp (phương pháp, chân lý, con đường). Ngài không gọi chư vị Đệ tử của ngài là "Phật tử"" , Ngài xem họ như là "Pháp hữu" (những người hành theo chân lý). Phương pháp tu tập căn cứ vào nền tảng rằng tất cả chúng sanh có những vấn đề giống nhau , và một phương pháp thiết thực có thể xóa tan những vấn đề này có thể hành trì một cách phổ quát.

Những khóa thiền Vipassana được mở cho mọi người thành tâm muốn học phương pháp thiền, không phân biệt chủng tộc , giai cấp, tín đồ , quốc gia. Ấn Độ giáo, Kỳ na giáo, Hồi giáo, Sít giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Do thái giáo cũng như các Tu sĩ của các Tôn giáo khác tất cả đều tu tập thành công Vipassana. Bệnh tật thì phổ quát vì vậy, phương thuốc phải là phương thuốc phổ quát. Ví dụ, khi chúng ta sân giận , sân giận này không phải là sân giận Ấn Độ, sân giận Thiên chúa giáo, sân giận Trung hoa, hoặc sân giận Mỹ. Tương tự, tình thương, lòng từ bi không phải lãnh vực giới hạn của bất cứ cộng đồng nào hoặc niềm tin: chúng nó là đặc tính phổ quát con người kết qủa từ tâm thanh tịnh. Con người từ mọi nguồn gốc khi tu tập Vipassana mang lại kết quả rằng họ trở thành những con người tốt hơn.

6. Môi trường thế giới ngày nay >>

Sự phát triển về các lãnh vực khoa học và kỹ thuật, trong sự vận chuyển, truyền thông, nông nghiệp và thuốc men, đã cải cách hóa đời sống con người ở cấp độ vật chất. Nhưng , trong thực tế, tiến trình này chỉ là hình thức nông cạn bên ngoài: dưới đáy, con người hiện đại đang sống trong những điều kiện căng thẳng về tinh thần và tình cảm, ngay cả ở các quốc gia đã phát triển và đang phát triển.

Các vấn đề và sự chống đối sinh khởi vì các thành kiến thuộc về chủng tộc, dân tộc, đảng phái, giai cấp ảnh hưởng đến nhân dân trong mọi quốc gia. Sự nghèo khổ, chiến tranh , vũ khí của vô số sự đoạn diệt, suy tàn, sự nghiện ngập, sự đe dọa của khủng bố, sự hủy diệt bệnh dịch môi trường và sự suy đồi chung về tất cả các giá trị đạo đức bao phủ bóng tối lên tương lại của nền văn minh. Chúng chỉ cần liếc qua trang đầu của các tờ nhật báo đã ghi lại nổi thống khổ và thất vọng tột cùng ảnh hưởng lên con người trên hành tinh của chúng ta.

Có phải có một phương pháp vượt ra khỏi những vấn đề dường như không thể giải quyết này? Câu trả lời rõ ràng là có. Tất cả trên thế giới ngày nay, những cơn gió thay đổi thật sự rõ ràng. Con người ở mọi nơi đang tha thiết tìm một phương pháp để có thể mang lại bình an và hài hòa; lập lại niềm tin về kết quả của những phẩm chất thiện lành con người;và tạo ra một môi trường tự do và an ổn ra khỏi mọi hình thức sự tận dụng kinh tế, tôn giáo , kinh tế. Thiền Vipassana có thể là phương pháp như vậy.

7. Vipassana và sự chuyển đổi xã hội >>

Phương pháp tu thiền vipassana là con đường dẫn đến giải thoát mọi ràng buộc khổ đau; nó đoạn trừ tham, sân , si là nguyên nhân của mọi khổ đau. Hành giả vipassana tu tập để dời đi, một cách tuần tự, căn nguyên của khổ và thoát ly sự đen tối của những căng thẳng từ trước để dẫn đến cuộc sống sung túc , lành mạnh và hạnh phúc. Có nhiều thí dụ điển hình liên quan đến việc kiểm tra vấn đề này.

Một số các cuộc thí nghiệm được tiến hành ở các nhà tù ở Ấn Độ. Vào năm 1975, Goenkaji (Ngài Goenka) đã hướng dẫn một khóa tu thiền trở thành lịch sử cho 120 tù nhân ở tại nhà tù trung tâm (Central Jail) thuộc Jaipur (thủ phủ của Tiểu bang Rajasthan), lần đầu tiên cuộc thử nghiệm như vầy trong lịch sử hình phạt Ấn Độ. Sau khóa này vào năm 1976 một khóa khác cho các nhân viên cảnh sát cao cấp ở Truờng Huấn luyện cảnh sát chính phủ (the goverment police Academy) thuộc Jaipur. Vào năm 1977, một khóa thứ hai được tổ chức tại Nhà tù trung tâm Jaipur. Những khóa này đã là những chủ đề của các cuộc nghiên cứu xã hội được điều khiển do trường đại học Rajasthan tổ chức. Vào năm 1990, một khóa nữa được tổ chức tại Nhà tù trung tâm Jaipur trong đó có 40 trường hợp là tù nhân chung thân và 10 nhân viên nhà tù tham gia với kết quả rất mỹ mãn. Vào năm 1991, một khóa cho các tù nhân chung thân được tổ chức tại Nhà tù trung tâm Sabaramati thuộc Ahmedabad và đãlà chủ đề của chương trình nghiên cứu của Phân khoa Giáo dục của đại học Gujurat Viyapeeth. Những nnghiên cứu của Rajasthan và Ahmedabad đã đề cập đến những thay đổi rất khả quan về thái độ và cách cư xử ở những người tham gia, và cho rằng thiền Vipassana là một sự khả quan cải cách chuẩn mực có thể làm cho những tội phạm trở thành những con người tốt trong xã hội.

Sự nghiệp phục vụ dân chúng của Thầy Sayagyi U Ba Khin , vị Thầy thiền của Ngài Goenkaji, là một tấm gương của kết quả biến đổi của Vipássana ….. Sayagyi là Vị lãnh đạo của nhiều cơ quan nhà nước . Ngài đã thành công về sự thấm nhuần trách nhiệm, giới luật và đạo đức trong một ý nghĩa cao cả, và thành công trong việc dạy thiền Vipassana cho Các nhân viên nhà nước làm việc chung với Thầy. Vì vậy, hiệu quả đã tăng vượt bậc và sự suy đồi được loại trừ. Tương tự, tại cơ quan nội vụ của chính quyền Rajasthan, sau khi một số Viên chức nồng cốt tham gia các khóa Vipassana, các quyết định làm việc và các trường hợp bố trí được giải quyết nhanh chóng, và các mối quan hệ làm việc được phát triển.

Viện nghiên cứu thiền Vipassana đã chứng minh bằng tài liệu về những thí dụ khác về kết quả tích cực của ảnh hưởng thiền Vipassana như các lãnh vực sức khỏe, giáo dục, cai nghiện, và tổ chức kinh doanh.

Những kinh nghiệm này nhấn mạnh quan điểm rằng sự chuyển đổi xã hội phải bắt đầu bằng sự chuyển đổi cá nhân. Sự phát triển xã hội không thể được chứng minh chỉ bằng các bài giáo lý; giới luật và đạo đức của các sinh viên không thể được thắm nhuần chỉ một số bài giảng qua sách giáo khoa. Những tội phạm sẽ không trở thành công dân tốt vì sợ hãi hành phạt; sự bất hòa về giai cấp và đảng phái không thể được loại trừ bằng thước đo hình phạt. Lịch sử cho thấy nhiều sai lầm về cách làm như vầy.

Cá nhân là chìa khóa: anh ta hoặc cô ta phải đuợc cư xử với tình thương và lòng từ; anh ta phải được luyện tập để phát triển bản thân không phải bằng những sự khuyên bảo để làm theo các giới điều đạo đức, mà bằng được thấm nhuần với ước mong thành thật để chuyển đổi. Anh ta phải được dạy để khám phá chính mình, để tham gia một tiến trình có thể mang lại sự chuyển đổi, và dẫn đến sự thanh tịnh hóa về tâm. Đây là sự chuyển đổi duy nhất sẽ được duy trì.


Vipassana có khả năng chuyển đổi tâm tính con người. Cơ hội đang chờ đợi mọi người mong muốn nhiệt thành để nổ lực thực hành.

8. Một nghệ thuật sống >>

Mọi người luôn tìm cầu cái toàn thiện an vui và hòa hợp, bởi vì cuộc sống chúng ta vốn thiếu sự trọn vẹn như vậy. Thỉnh thoảng, ai cũng có những nỗi ưu phiền, bực tức, bất an và đau khổ; Khi đau khổ vì phiền muộn, chúng ta khó có thể kiềm chế chính mình và thường gây bất an cho người khác. Tần sóng buồn phiền này bao quanh môi trường người đang đau khổ, đến nổi bất cứ ai đến tiếp xúc với anh ta đều trở nên không vui và tức giận. Đây chắc chắn không phải là lối sống lành mạnh.

Ngược lại, một người sống an vui thường mang lại niềm vui tươi cho người khác. Đúng hơn, vì con người là một thành viên của xã hội, anh ta phải sống trong xã hội mình đang sống và giao tiếp với mọi người. Vậy, sống an vui bằng cách nào? Làm sao chính mình luôn sống hòa hợp và cách bảo tồn sự hòa hợp, an vui xung quanh để mọi người cùng sống an vui và hòa hợp?

Khi phiền muộn, muốn hết buồn phải biết rõ nguyên nhân chủ yếu của nó cũng chính là nguyên nhân đau khổ. Nếu quán xét vấn đề, tự mình sẽ hiểu rõ ràng rằng bất cứ lúc nào trong tâm sanh khởi niệm bất thiện hoặc không tốt thì chắc chắn sẽ có ưu phiền. Các tâm niệm xấu, không thanh tịnh hoặc ô nhiễm (bất thiện) không bao giờ có mặt chung với tâm an vui và hòa hợp.

Tâm tánh xấu phát sanh như thế nào? Chỉ có quán xét mới hiểu rõ được điều ấy. Tôi không vui, khi ai đó cư xử với tôi không như ý hoặc có việc đáng ghét xảy ra. Các vấn đề không mong muốn xảy ra khiến tôi cảm thấy căng thẳng; Mơ ước không thành tựu hoặc gặp chướng ngại trên đường đời cũng khiến tinh thần tôi căng thẳng. Cứ như thế, tôi bắt đầu cột gút (hay chất chứa ưu phiền) trong tâm chính mình! Xuyên suốt cuộc đời, điều không mong đợi cứ liên tục xảy ra, còn điều ao ước thì có thể hoặc không thể xảy ra, và chính quá trình phản ứng trái nghịch này, một tiến trình thắt nốt những gút mắc của cuộc đời (tức là trói buộc theo "ý muốn của tôi") khiến cho toàn bộ cơ cấu thân tâm tràn ngập ưu phiền và căng thẳng. Vì thế, cuộc sống trở nên đau khổ.

Bây giờ, tìm cách giải quyết vấn đề là suy tính sao cho cuộc đời của mình không gặp điều bất trắc và mọi việc phải luôn luôn diễn ra như ý muốn. Chúng ta phải tự mình phát triển một quyền lực hoặc người nào có khả năng này đến giúp chúng ta theo như yêu cầu, từ đó cuộc sống của mình sẽ không còn gặp điều nghịch ý và mọi vấn đề luôn diễn ra như mong đợi. Nhưng đây là điều không thể có được! Trên đời này, không có ai luôn luôn thành tựu ước nguyện cuộc sống sẽ trọn vẹn như ý và không bao giờ gặp nghịch cảnh. Cuộc sống vốn không như ý, vậy làm thế nào để không phản ứng mù quáng theo bản năng? Phương cách nào giúp tinh thần không bị căng thẳng? Và làm sao duy trì sự sống an vui và hòa hợp?

Từ thời xa xưa, các bậc thánh nhân ở Ấn Độ cũng như ở các quốc gia khác đã từng suy tầm về vấn đề này và cũng là vấn đề đau khổ của chúng sanh. Họ đã tìm ra giải pháp rằng, nếu có sự việc nào đó không vừa ý xảy ra, con người thường có phản ứng sân giận, sợ hãi, hoặc với tâm xung đột nào đó. Ngay tức khắc hãy chuyển tâm chú ý hướng về một đối tượng khác, chẳng hạn như đứng dậy, lấy một ly nước, bắt đầu uống; tâm giận dữ sẽ không tăng trưởng và chúng ta sẽ vượt qua cơn tức giận ấy. Hoặc bắt đầu niệm số đếm: một, hai, ba, bốn. Hoặc niệm một danh hiệu, một châm ngôn hay một câu thần chú nào đó. Sự thực hành này sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta niệm danh hiệu một vị thần linh hoặc một bậc thánh mà chúng ta tín ngưỡng, tâm sẽ được chuyển hướng và đến mức độ nào đó chúng ta sẽ thoát khỏi tâm bất thiện và giận dữ.

Giải pháp này có kết quả tốt, hữu ích và vẫn được hữu dụng. Thực hành phương pháp này, tâm chúng ta sẽ không còn phiền muộn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp có hiệu quả trên bề mặt ý thức. Thật ra, với cách chuyển hướng tâm chú ý, chúng ta vô tình đè nén tâm xung đột đi sâu vào tầng vô thức và chính trong chiều sâu vô thức này, tâm niệm xấu tiếp tục tái tạo và tăng trưởng. Ngoài mặt ý thức, chúng ta đã tạo được sự an vui và hòa hợp, nhưng bên trong nội tâm vô thức ngọn núi lữa xung đột bị đè nén đang ngủ ngầm, nó liên tục hoạt động và thỉnh thoảng sẽ bùng nổ mãnh liệt hơn.

Có những khám phá về sự thật nội tâm uyên thâm hơn đối với giải pháp vừa nêu trên và bằng kinh nghiệm thực chứng bên trong thân tâm chính mình, họ đã nhận thức rằng chuyển hướng tâm chú ý chỉ là chạy trốn vấn đề. Tránh né không phải là giải pháp thiết thực mà chúng ta phải đối diện với sự thật vấn đề. Bất cứ khi nào phát sanh tâm niệm xấu, chúng ta chỉ việc quan sát và trực diện với nó. Ngay khi quan sát tâm bất thiện sanh khởi, nó bắt đầu mất đi khả năng phản ứng, dần dần bị chế phục và sẽ được đoạn trừ hoàn toàn.

Phương pháp lợi ích thiết thực là tránh xa cả hai cực đoan đè nén và buông thả. Kiềm chế tâm bất thiện bên trong vô thức sẽ không diệt trừ được nó mà còn cho phép nó biểu hiện qua các hành động bằng thân thể hoặc ngôn ngữ sẽ tạo nên nhiều phiền phức hơn. Nếu bình thản quan sát, tâm ô nhiễm này tự nhiên biến mất và như thế chúng ta sẽ đoạn trừ và giải thoát khỏi các tánh xấu ấy.

Phương pháp này có vẻ hay đấy, nhưng thực sự có thể hành trì được không? Khi giận dữ sanh khởi, nó chế ngự tâm mình quá nhanh đến nổi chúng ta không kịp nhận thức. Trong lúc mất tự chủ vì giận dữ, chúng ta chắc chắn hành động với lời nói hoặc chân tay làm tổn thương chính mình và người khác. Sau đó, khi cơn giận qua đi chúng ta chỉ biết than khóc và ân hận, đi xin lỗi người này, người kia hoặc than Trời, "Ôi! tôi đã lỡ phạm sai lầm, xin tha thứ cho tôi!" Nhưng rồi lần kế tiếp, trong một tình huống tương tự, chúng ta lại phản ứng sai lầm giống hệt như vậy. Tất cả điều đó, ăn năn sẽ không giúp ích gì được.

Điều khó khăn là chúng ta không tỉnh giác khi các tánh xấu sanh khởi. Nó trổi dậy từ bên trong sâu lắng của tâm vô thức và khi biểu hiện với ý thức, nó đã tăng trưởng quá mạnh hoàn toàn khống chế chính mình và chúng ta không thể quan sát nó.

Như vậy, chúng ta nên có một thư ký riêng để bất cứ lúc nào sân giận nổi lên thì anh ta liền nói: "Thưa Ngài, hãy xem kìa cơn giận đang bắt đầu!" Do chúng ta không biết giận dữ sẽ phát sanh lúc nào, nên phải có ít nhất ba thư ký riêng để thay đổi suốt ngày, hoặc tốt hơn là bốn người thay phiên nhau trong các ngày nghĩ phép.

Giả sử chúng ta theo cách có thư ký phục vụ và mỗi khi cơn thịnh nộ xảy ra, lập tức người thư ký sẽ báo cho chúng ta biết: "Ồ thưa Ngài, nhìn xem cơn giận đã bắt đầu!" Nhưng điều đầu tiên chúng ta hành động có thể là đánh anh ta một bạt tai và mắng rằng: "Đồ ngu! Anh nghĩ rằng tôi trả lương cho anh đến đây để dạy tôi à?" Đang lúc sôi gan vì tức giận thì không còn lời khuyên bổ ích nào có thể giúp chúng ta trong lúc ấy.

Giả sử khi đó, chúng ta vẫn còn minh mẫn và không bạt tai anh ta. Thay vì mắng anh, chúng ta sẽ nói: "Cám ơn anh rất nhiều, bây giờ tôi phải ngồi xuống và quan sát giận dữ." Tuy nhiên, điều này có thể thực hành được không? Ngay khi nhắm mắt lại và cố gắng quan sát giận dữ, tức khắc trong tâm chúng ta hiện lên đối tượng của sự giận dữ có thể là một người hoặc biến cố nào đó khiến chúng ta nỗi cơn giận. Chúng ta không quan sát giận dữ mà đúng hơn là đang tìm hiểu những tác nhân xúc cảm bên ngoài. Điều này chỉ làm gia tăng cơn giận dữ và đây không thể là giải pháp ổn thỏa. Thật vô cùng khó khăn nếu phải quan sát tâm bất thiện vô hình, một xúc cảm trừu tượng được tách rời với đối tượng bên ngoài khuấy động nó.

Tuy nhiên, bậc toàn giác, người chứng ngộ về sự thật tuyệt đối đã tìm ra một phương pháp thiết thực. Ngài khám phá rằng bất cứ lúc nào trong tâm sanh khởi niệm bất thiện, sẽ có hai sự kiện tâm lý đồng thời xảy ra. Trước nhất là hơi thở chúng ta sẽ mất đi nhịp thở bình thường. Chúng ta sẽ thở mạnh hơn khi trong tâm bắt đầu có xung đột. Đây là một sự thật mà mọi người đều có thể nhận biết, cho dù chúng ta có thể nghĩ rằng hơi thở là sự kiện sinh lý hiển nhiên và thô thiển. Cũng vậy, ở mức độ vi tế hơn, có một sự phản ứng sinh hóa 'duyên khởi' bên trong thân thể, đó là các cảm thọ. Mỗi tâm bất thiện sẽ tạo nên một loại cảm thọ sai khác bên trong, ở bộ phận này hoặc thân phần khác của thân thể.

Đây là một phương pháp thực tiễn. Một người bình thường không thể quan sát các tâm sở bất thiện vô hình; vì sợ hãi, sân giận và tham muốn đều là các tâm lý trừu tượng. Nhưng với sự thực hành và tập luyện đúng phương pháp, thì rất dễ dàng quan sát cả hơi thở lẫn cảm thọ có liên quan trực tiếp đối với các tâm lý bất thiện.

Hơi thở và cảm thọ sẽ giúp chúng ta trên hai phương diện; trước nhất, chúng là những thư ký đắc lực của chính mình. Ngay khi trong tâm sanh khởi niệm bất thiện, hơi thở không điều hòa bình thường và sẽ lên tiếng báo động rằng: "chú ý, có điều gì đó bất ổn!" chúng ta không thể đánh vào hơi thở mà phải chấp nhận lời cảnh báo. Tương tự, các cảm thọ sẽ cấp báo: "có vấn đề không ổn." Chúng ta phải chấp nhận hiệu báo và tỉnh giác quan sát hơi thở cùng các cảm tho. Không bao lâu chúng ta sẽ nhận thấy rằng tâm bất thiện bị tiêu diệt.

Hiện tượng tâm sinh lý này giống như một đồng tiền có hai mặt. Một mặt là các tư tưởng hoặc cảm xúc sanh khởi trong tâm, còn mặt kia là hơi thở và cảm thọ trong thân. Bất cứ tư tưởng hoặc cảm xúc, ý thức hoặc vô thức, hay là tâm bất thiện nào đều biểu hiện qua hơi thở và cảm thọ ngay lúc nó sanh khởi. Như vậy, với sự quan sát hơi thở và cảm thọ, chúng ta sẽ gián tiếp quan sát tâm bất thiện. Thay vì tránh né vấn đề, chúng ta hãy đối diện với bản chất thật 'chính nó', tâm bất thiện sẽ mất đi khả năng hiện khởi và không còn khống chế chúng ta như trước đây nữa. Nếu kiên trì thực hành, tâm bất thiện nhất định sẽ được đoạn trừ và chúng ta sẽ duy trì sự sống an vui và hạnh phúc.

Phương pháp tự mình quán chiếu sẽ giúp chúng ta nhận chân được bản chất thực tại trên hai phương diện bên trong và bên ngoài. Trước đây, chúng ta luôn luôn nhìn sự vật bằng nhãn quan thông thường bên ngoài nên không thể nhìn thấy được sự thật bên trong. Chúng ta chỉ tìm thấy các nguyên nhân đau khổ bên ngoài, đỗ lỗi tại chúng và cố gắng làm thay đổi cái nguyên nhân bên ngoài này. Do vô minh bao phủ bản chất thật bên trong, chúng ta không bao giờ nhận thức được nguyên nhân đau khổ bắt nguồn bên trong từ các phản ứng mù quáng của cá nhân.

Như đã biết, rất khó quan sát tâm bất thiện vô hình khi nó sanh khởi, nhưng bây giờ nhờ tập luyện, chúng ta có thể nhìn thấy mặt trái của đồng tiền. Chúng ta có thể tỉnh giác từng hơi thở và hiểu rõ mọi hoạt động đang diễn ra bên trong chính mình. Bất luận điều gì xảy ra, chúng ta chỉ việc chú tâm quan sát hơi thở hoặc các cảm thọ, không đánh mất trạng thái cân bằng của tâm. Chúng ta sẽ ngăn cản đau khổ phát sanh bằng cách, thay vì cho phép chúng hiện khởi, tâm bất thiện tự nó tiêu diệt.

Càng hành trì chúng ta càng nhanh chóng giải thoát khỏi các phiền não. Dần dần từng bước, tâm sẽ chuyển hóa thanh tịnh và giải thoát hoàn hoàn khỏi các lậu hoặc (tâm uế nhiễm). Đó là tâm thanh tịnh luôn dạt dào tình yêu thương muôn loài không phân biệt; tràn đầy lòng từ bi đối với kẻ đang đau khổ hay thất bại; chứa chan niềm hoan hỷ đối với người đang thành công và hạnh phúc; hoàn toàn buông xả khi phải đối diện với bất cứ hoàn cảnh nào.

Người thực hành đạt đến giai đoạn này thì toàn bộ lối sống của anh ta trở nên thay đổi hoàn thiện. Anh ta không thể còn các hành động chân tay hoặc ngôn ngữ làm tổn thương hạnh phúc và an vui của người khác. Thay vào đó, người có tâm quân bình không những tự mình sống an vui mà có thể giúp người khác cũng sống an vui. Môi trường xung quanh người ấy thấm nhuận niềm an vui, hòa hợp và ảnh hưởng đến mọi người cùng sống vui tươi như vậy.

Đây là những gì đức Phật đã dạy cho chúng ta: đó là 'một nghệ thuật sống'! Ngài chưa bao giờ thiết lập hay giảng dạy bất kỳ tôn giáo hay giáo phái nào. Ngài cũng không hướng dẫn các đệ tử hành trì theo các nghi lễ hoặc nghi thức cúng tế mù quáng và trống rỗng. Thay vì như vậy, Ngài giảng dạy chỉ nên quan sát sự thật 'duyên khởi' trong tự tánh, tức là quán chiếu bản chất thật của nội tâm. Do vô minh (không tỉnh giác) chúng ta thường hành động phản ứng theo bản năng làm hại chính mình và người khác.

Khi trí tuệ sanh khởi – trí tuệ quán chiếu tự tánh như thị – chúng ta sẽ thoát khỏi thói quen phản ứng này. Một người không còn phản ứng mù quáng sẽ có khả năng hành động chính đáng, một hành động xuất phát từ tâm bình thản và buông xả, có hiểu biết và nhận chân được sự thật. Hành động như vậy, con người sẽ sống lành mạnh, sáng tạo, lợi ích cho bản thân và mọi người.

Điều cần thiết là phải tự mình hiểu biết, đó là lời khuyên của các bậc có trí. Người hiểu biết chính mình không phải dựa trên kiến thức tư tưởng và học thuyết. Điều này cũng không có nghĩa là sự hiểu biết mang tính cảm xúc hay tín ngưỡng, chỉ mù quáng chấp nhận theo những gì nghe nói hoặc đọc qua sách vở. Kiến thức hiểu biết như vậy quả thật chưa đủ.

Thật ra, muốn nhận biết bản chất sự thật phải có sự thực nghiệm. Chúng ta phải trực tiếp chứng nghiệm sự thật ấy qua hiện tượng tâm sinh lý của chính mình. Đây là điều duy nhất giúp chúng ta đoạn trừ các phiền não và giải thoát khỏi đau khổ.

Thực nghiệm tự tánh, một phương pháp quán chiếu chính mình được gọi là thiền 'tuệ quán' (vipassana). Vào thời đức phật, theo ngôn ngữ Ấn Độ 'passana' có nghĩa là nhìn thấy bằng nhãn quan thông thường, nhưng 'vipassana' là phương pháp quan sát vạn vật 'duyên khởi' như bản chất thật chính nó (tự tánh như thị), chứ không phải 'được cho là' (kiến tánh phân biệt). Một khi chúng ta chứng đạt sự thật tối thượng trên toàn bộ cơ cấu thân tâm, thì chân lý hiển nhiên sẽ được liễu ngộ. Chứng nghiệm được sự thật này, chúng ta sẽ không còn phản ứng mù quáng, ngừng tạo phiền não và tự nhiên các lậu hoặc trong quá khứ cũng dần dần được đoạn tận. Chúng ta sẽ giải thoát khỏi các đau khổ và chứng nghiệm hạnh phúc.

Trong khóa tu 'thiền tuệ quán' luôn có ba giai đoạn huấn luyện. Đầu tiên, thiền sinh phải ngăn chặn các hành động thân và khẩu khuấy nhiễu sự an vui và hòa hợp của người khác. Thiền sinh không thể tự mình giải thoát khỏi các phiền não trong tâm, nếu vẫn còn tạo tác các hành động làm gia tăng phiền não. Vì thế, giới luật là bước thực hành đầu tiên căn bản. Thiền sinh phải nghiêm trì các giới cấm không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không dùng các chất có men say. Nhờ hành trì phạm hạnh, thiền sinh có khả năng chuyển tâm hướng vào trạng thái tỉnh lặng.

Bước kế tiếp là phát triển khả năng chế ngự tâm hoang tưởng bằng cách tập luyện tâm chuyên nhất cố định vào đối tượng 'hơi thở.' Thiền sinh cố gắng duy trì sự chú tâm vào hơi thở bao lâu tùy theo khả năng. Đây không phải là sự tập luyện hơi thở. Thay vì điều hòa hơi thở, thiền sinh nên quan sát hơi thở tự nhiên như chính nó, 'tự tánh hơi thở vào, tự tánh hơi thở ra'. Với phương pháp hành trì này, tâm thiền sinh không bao lâu sẽ trở nên an tỉnh cho đến khi thuần hóa các tâm xung đột bất thiện. Đồng thời, thiền sinh hướng tâm sâu hơn vào định tỉnh, nhạy bén và thuần hóa, có khả năng quán chiếu bản chất sự thật nội tâm.

Hai bước hành trì đầu tiên sống phạm hạnh và diều phục tâm vô cùng thiết yếu và lợi ích, nhưng chúng sẽ hướng tâm đi đến sự ức chế 'tự ngã', trừ phi thiền sinh thực hành bước thứ ba kế tiếp: thanh lọc tâm uế nhiễm bằng cách phát triển khả năng nhận thức bản chất 'tự tánh' chân thật của chính mình. Phương pháp nhận chân sự thật này là thiền tuệ quán "vipassana", một tiến trình thể nghiệm bản chất thật tự tánh bằng cách quán chiếu có hệ thống và bình thản trước hiện tượng biến đổi không ngừng của thân tâm thể hiện qua các cảm thọ bên trong chính mình. Đây là điều tối thượng trong lời dạy của đức Phật, 'chính mình thanh tịnh bằng cách tự quán chiếu'.

Mọi người ai cũng có thể thực hành phương pháp này. Bịnh 'khổ' không phân biệt giáo phái, vì thế phương thuốc trị liệu cũng không thể có giáo phái mà ắt hẳn là phương thuốc chung. Trên thế gian này, mọi người đều phải đối diện với vấn đề đau khổ. Khi người ta đau khổ vì sân hận, sẽ không có sự sân giận thuộc Phật giáo, sân giận thuộc Ấn giáo, sân giận thuộc Thiên Chúa giáo, sân hận là sân hận. Do sân hận, con người trở nên phiền muộn, không có sự phân biệt phiền muộn Thiên Chúa giáo, Ấn giáo hay Phật giáo. 'Đau khổ là căn bịnh chung của chúng sanh thì phương pháp 'thoát khổ' sẽ được thực hành chung cho tất cả mọi người.

Như vậy, thiền tuệ quán 'vipassana' chính là phương pháp hành trì chung cho tất cả mọi người. Không có ai sẽ phản đối nguyên tắc sống tôn trọng sự an vui và hòa hợp của người khác. Cũng sẽ không có ai phản đối việc thực hành phát triển chế ngự tâm hay phát triển phương pháp thiền quán bên trong bản chất thật của tự tánh và nhờ đó tâm có thể giải thoát khỏi các điều xấu xa. Đây là lộ trình giải thoát chung không mang tính giáo điều và tín ngưỡng trong niềm tin mù quáng.

Quán chiếu bản chất thật 'như thị' là tiến trình tuệ quán thực tại bên trong nội tâm với tự thân nhận biết và chứng nghiệm như thật. Nhờ hành trì 'thiền quán' chúng ta sẽ giải thoát khỏi các phiền não và đau khổ. Từ sự thật hiển nhiên bên ngoài, cảm thọ thô; chúng ta sẽ 'liễu ngộ' thông suốt sự thật tối thượng bên trong thân tâm. Vượt xa hơn sự thật này, chúng ta sẽ chứng nghiệm sự thật siêu thoát vượt qua giới hạn của thân và tâm, thời gian và không gian, cũng như thế giới duyên sinh tương đối. Đây là chân lý giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả các lậu hoặc, tâm uế nhiễm và đau khổ. Chứng đạt như vậy, bất luận điều gì chúng ta cho là sự thật tối thượng không còn liên quan nữa, đó là mục đích cuối cùng của tất cả mọi người.


Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh chứng nghiệm được chân lý tối thượng!
Cầu nguyện cho tất cả mọi người đều giải thoát khỏi các phiền não và đau khổ!
Cầu nguyện cho nhân loại thực sự chung hưởng cảnh sống an vui, hòa bình và hạnh phúc!

Trích: D.C. Ahir (ed.), Vipassana: A Universal Buddhist Technique of Meditation, Sri Satguru Publications, India, 1999, pp. 21-28.

9. Tài liệu tu học thiền Vipassana do Thiền Sư S. N. Goenka giảng dạy >>


Những bài giảng về thiền Minh Sát:


Thông tin các khóa thiền Vipassana song ngữ Anh-Việt


Orange County Vipassana Hall, Westminster, CA (dành cho thiền sinh cũ)


Quý thiền sinh nào có câu hỏi về tài liệu tu học có thể email cho ban tổ chức: vipassana.viet@gmail.com
Các câu hỏi về phương pháp thực hành sẽ được ban tổ chức gởi cho các thiền sư phụ tá và chuyển câu trả lời lại cho quý thiền sinh.


Tiếng Việt


Để tải files về máy tính cá nhân, quý thiền sinh đưa chuột vào giữa đường link của từng file, nhấp chuột bên phải để thấy menu, chọn "Save Link As..." và nhấp chuột bên trái để tải xuống.


Hướng Dẫn Thực Hành (pdf) - tài liệu chỉ dành cho thiền sinh cũ - xin liên lạc với vipassana.viet@gmail.com để nhận
Pháp Thoại Khóa Thiền 10 Ngày Tiếng Việt - Phiên bản mới tạm thời: (Phiên bản có âm thanh hoàn chỉnh hơn sẽ được phát hành sau)có thể tải từ 1 trong 3 đường link sau đây:
3) https://www.dropbox.com/sh/pddbtqwil3bk2iv/KjB6S4Aez4 (hiện đang bị giới hạn) Pháp Thoại Khóa Thiền 10 Ngày Tiếng Anh: https://www.dropbox.com/sh/zkkzy3ldxxfblaf/QHyA_QsrZT Góc phía trên bên phải của màn hình sẽ có nút "Download --> Download as .zip" để tải trọn bộ hoặc có thể click vào từng file rồi click nút "Download --> Direct Download" (ở góc trên bên phải màn hình) để tải từng file một
Tài liệu tiếng Việt của khóa thiền Satipatthana (chỉ dành cho thiền sinh cũ)
http://store.pariyatti.org/Satipatthana-Discourses--MP3-Download_p_4315.html (mp3 files, chọn "Language" là "Vietnamese", các bài giảng này đi kèm với bản Kinh Mahasatipatthana được phát trong khóa thiền)
Thiền sinh có trở ngại sử dụng trang web pariyatti.org, có thể tải các files mp3 pháp thoại khóa thiền Satipatthana tại:https://www.dropbox.com/sh/r3birjqospa1ssb/CudLbQZnr5/Sati_Vietnamese_Discourses
Góc phía trên bên phải của màn hình sẽ có nút "Download --> Download as .zip" để tải trọn bộ
hoặc có thể click vào từng file rồi click nút "Download --> Direct Download" (ở góc trên bên phải màn hình) để tải từng file một
Mua ghế/nệm/khăn choàng ngồi thiền qua mạng internet (Xem bên dưới phần English)
English
Pariyatty is a non-profit organization which collects and publishes Vipassana materials taught by Goenkaji:
Other bookstores near Vipassana Meditation Center:
http://www.vipassanabooksofnorthfork.com (near California Vipassana Center - CVC - Dhamma Mahavana)
http://www.bodhigifts.com (near Vipassana - VMC - Dhamma Dhara)
Children/Teenager Courses


Executive Courses
Vipassana Research Institute
Old Students' web site:
10-day discourses (mp4 video) Click here to download free from Pariyatty


Mahasatipatthana Sutta (Pali-English) http://www.tipitaka.org/stp-pali-eng-parallel  
The Art of Living (William Hart)
The Dhamma Brothers (documentary on how Vipassana has changed the death-row inmates of the Alabama's highest security prison)
Doing Time Doing Vipassana (this award-winning film takes viewers into India's largest prison, one of the toughest in the world, and documents the dramatic change in both inmates and guards brought about by the introduction of Vipassana meditation)


Buying Meditation bench/cuishion/shawl onlinehttp://store.pariyatti.org/Meditation-Accessories_c_137.html


10 ngày thiền Vipassana:
http://khosachnoi.com.vn/sach-noi/766/thien-vipassana.html

10. Hỏi đáp về Thiền Vipassana >>

1. DO ĐÂU MÀ CÓ THIỀN VIPASSANĀ ?

Thiền Vipassanā là một loại thiền căn bản và chính yếu của Phật giáo (xuất xứ từ kinh Mahā Satipatthāna, Dīgha Nikāya).

2. VIPASSANĀ NGHĨA LÀ GÌ?

Chữ "Vipassanā" được chia làm hai phần - "Vi" là " nhiều phương diện khác nhau" có nghĩa là vi tế, tách bạch hay rõ ràng phân minh, và "Passanā" là "nhìn thấy" hay soi chiếu. Vậy "Vipassanā" - tuệ quán hay minh sát - có nghĩa là thấy được nhiều khía cạnh, nhiều thành phần khác nhau hay quán chiếu một cách vi tế, minh bạch.

Một cách rõ ràng hơn. Thiền Vipassanā là thấy sự vật qua ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã.

3. THIỀN VIPASSANĀ ĐEM LẠI LỢI ÍCH GÌ CHO CHÚNG TA?

Mục tiêu tối hậu của thiền Vipassanā là loại trừ những ô nhiễm trong tâm. Trước khi đạt được mục tiêu này thiền sinh sẽ có được những lợi ích thực tại như sẽ có được một nội tâm bình an và tĩnh lặng, đủ khả năng để đón nhận những gì xảy đến với mình. Thiền Vipassanā giúp chúng ta nhìn thấy sự vật đúng thực tánh của chúng chứ không phải thấy chúng qua những biểu hiện bên ngoài. Sự vật xuất hiện trong mắt chúng ta dưới trạng thái trường tồn, vững bền, đáng yêu và có thực chất, nhưng thực tế thì chúng không phải như vậy. Khi thực hành thiền Vipassanā bạn sẽ chính mình thấy được sự sinh và diệt của hiện tượng vật chất và tinh thần. Đồng thời bạn cũng có ý thức được một cách rõ ràng hơn những diễn biến trong thân và tâm bạn. Bạn sẽ có đủ khả năng đón nhận mọi chuyện xảy đến với bạn với tư thái an nhiên chứ không bị xao động hay xúc cảm và đối diện với hoàn cảnh một cách lạc quan hơn.

4. NHỮNG NGƯỜI NÀO CẦN PHẢI THỰC HÀNH THIỀN VIPASSANĀ?

Thiền Vipassanā là phương thuốc để chữa trị các chứng bệnh của tâm, những bệnh nằm dưới dạng thức của phiền não như: tham, sân, si...Hầu như chúng ta lúc nào cũng mang những tâm bệnh này vì vậy ít nhiều chúng ta cũng phải cần đến thiền Vipassanā.

5. KHI NÀO CẦN PHẢI THỰC HIỆN THIỀN VIPASSANĀ?

Vì phiền não luôn luôn bám dính với chúng ta nên lúc nào chúng ta cũng phải thực hành thiền Vipassanā. Sáng, trưa, chiều trước khi đi ngủ hay trong những lúc làm việc, nói chuyện, rửa chén... .đều là cơ hội để hành thiền. Và mọi lứa tuổi có thể thực hành thiền Vipassanā.

6. PHẢI CHĂNG CHỈ CÓ PHẬT TỬ MỚI THỰC HÀNH VIPASSANĀ ĐƯỢC?

Không có yếu tố tôn giáo trong thiền Vipassanā. Vì vậy mọi người dẫu theo tôn giáo nào cũng có thể thực hành thiền Vipassanā. Thiền Vipassanā là sự theo dõi và quan sát chính bản thân mình một cách khoa học. Bạn chỉ cần chú tâm quan sát những diễn biến của thân tâm bạn trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi.

7. THIỀN VIPASSANĀ CÓ KHÓ THỰC HÀNH KHÔNG?

Cũng khó mà cũng dễ. Thiền Vipassanā nhằm thấy rõ tâm, mà tâm thì luôn luôn biến động. Khi hành thiền chính bạn sẽ thấy tâm mình. Việc hành thiền không phải dễ, bởi vì khó thấy rõ tâm và khó chú tâm trên đối tượng hiện quán.

Mặt khác, thiền Vipassanā cũng rất dễ thực hành vì không cần phải sửa soạn lễ nghi công phu hay học hỏi nhiều mới có thể thực hành. Bạn chỉ cần theo dõi chính mình và chú tâm vào đối tượng thiền là được.

8. THỰC HÀNH THIỀN VIPASSANĀ CÓ ĐÒI HỎI ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT GÌ KHÔNG?

Bạn cần phải thực sự muốn thực hành và sẵn sàng tuân theo lời chỉ dẫn một cách chặt chẽ. Bởi cũng cần phải tin tưởng vào việc hành thiền, tin tưởng thiền sư, có một tâm hồn cởi mở để thực hành thiền và thấy được những gì mà thiền sư có thể đem lại cho bạn. Đức tính kiên nhẫn cũng rất quan trọng. Khi hành thiền bạn phải kiên trì để đương đầu với nhiều thứ. Sẽ có phóng tâm, có cảm giác khó chịu trên thân thể và bạn sẽ đương đầu với cái tâm của bạn. Bạn phải kiên trì và cương quyết theo đuổi việc hành thiền đến cùng mỗi khi sự phóng tâm đến quấy nhiễu khiến bạn không thể chú tâm vào đề mục được. Một điều rất quan trọng cần nhớ là bạn phải giữ giới luật thật trong sạch, vì nếu giới không trong sạch thì không thể nào đạt được sự chú tâm hay có được sự bình an của tâm hồn.

Khi làm điều gì thì sau đó bạn sẽ suy tư về điều mình đã làm nhiều lần, nhất là lúc bạn đang hành thiền. Đó là một trở ngại lớn lao khiến bạn khó đạt được sự an trú tâm. Vì vậy khi giữ giới luật trong sạch bạn sẽ không còn băn khăn, thắc mắc hay ăn năn về những việc mình đã làm, tâm hồn của bạn sẽ an nhiên thư thái. Yếu tố này giúp bạn đạt được hiệu quả cao trong lúc hành thiên.

9. CẦN PHẢI CÓ NHỮNG DỤNG CỤ GÌ ĐỂ HÀNH THIỀN VIPASSANĀ?

Thực ra bạn chẳng phải có dụng cụ gì cả. Những thứ bạn cần chỉ là một chỗ thuận tiện để bạn có thể ngồi nhắm mắt và chú tâm vào đề mục. Nói như thế không có nghĩa là bạn không dùng gối, đòn ngồi, ghế hay những dụng cụ khác trong lúc hành thiền vì lúc thiền bạn cũng cần phải có một vài sự thoải mái tối thiểu nào đó. Nếu bạn không muốn đau đớn khó chịu trong lúc hành thiền thì bạn cũng không nên tạo cho mình quá thoải mái. Vì khi thoải mái quá thì sự lười biếng, thụ động sẽ phát sinh dẫn đến buồn ngủ.

10. PHẢI GIỮ TƯ THẾ NÀO KHI HÀNH THIỀN VIPASSANĀ?

Ở tư thế nào cũng được. Đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể thực hành thiền Vipassanā, miễn sao bạn tỉnh thức là được.

11. LÚC HÀNH THIỀN CÓ NHẤT THIẾT PHẢI NGỒI XẾP BẰNG KHÔNG?

Mặc dầu theo thói quen hay theo truyền thống lúc hành thiền, thiền sinh ngồi xếp bằng trên sàn, nhưng không nhất thiết phải thế. Bạn có thể ngồi cách nào mà bạn cảm thấy có thể giúp bạn ngồi lâu và thoải mái là được. Điều quan trọng trong thiền Vipassanā là sự tỉnh thức chứ không phải là ở tư thế.

12. CÓ PHẢI NHẮM MẮT TRONG LÚC THIỀN KHÔNG?

Nhắm mắt được thì tốt nhưng bạn có thể mở mắt nếu bạn thích. Cách nào bạn thấy ít bị phóng tâm là được. Nhưng nếu trong lúc mở mắt bạn chợt để ý nhìn vật gì thì bạn phải biết rằng mình đang "thấy" và nhận rõ nó, điều thiết yếu là đạt được sự chú tâm chứ việc nhắm hay mở mắt lúc hành thiền không quan trọng.

13. LÚC HÀNH THIỀN TAY NÊN ĐỂ NHƯ THẾ NÀO?

Không có một luật lệ bó buộc nào về việc để tay trong lúc hành thiền Vipassanā. Tay bạn đặt như thế nào cũng được. Thường người ta hay ngồi xếp bằng đặt tay này lên tay kia để trước bụng, trên hai đùi, bạn cũng có thể đặt hai tay bạn lên đầu gối nếu bạn muốn.

14. THỜI GIAN HÀNH THIỀN KÉO DÀI BAO LÂU?

Điều đó tuy thuộc vào khả năng mỗi người. Không có quy tắc bó buộc nào. Ngồi được một giờ thì thật tốt, nhưng lúc nào bạn chưa thể ngồi được một giờ bạn hãy ngồi chừng 15 hay 30 phút rồi dần dần kéo dài thời gian ngồi thiền cho đến khi bạn có thể ngồi lâu hơn. Nếu bạn có thể ngồi trên một tiếng đồng hồ mà vẫn thấy thoải mái thì bạn vẫn có thể ngồi được hai hay ba tiếng đồng hồ.

15. CÓ THỂ THỰC HÀNH THIỀN VIPASSANĀ HÀNG NGÀY KHÔNG?

Mỗi ngày chúng ta đều phải ăn để nuôi dưỡng cơ thể. Tại sao chúng ta không dành một ít thì giờ trong ngày để thanh lọc tâm vì phiền não luôn bám sát ta như bóng với hình. Mỗi sáng nên dành một khoảng thời gian để ngồi thiền vì lúc ban sáng thân và tâm bạn đã được an nghỉ, bạn không còn phải lo lắng băn khoăn về những việc đã xảy ra trong ngày trước. Thiền vào buổi tối trước khi đi ngủ cũng tốt. Nhưng lúc nào bạn cũng có thể hành thiền được cả. Nếu bạn tạo được thói quen hành thiền mỗi ngày bạn sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp và lợi ích hơn.

16. HÀNH THIỀN VIPASSANĀ CÓ CẦN PHẢI CÓ THIỀN SƯ KHÔNG?

Điều này rất quan trọng. Bất kỳ học một môn học mới nào cũng cần phải có thầy chỉ dạy. Nhờ những lời chỉ dẫn của thầy bạn có thể đạt kết quả nhanh và đi đúng đường. Bạn cần một vị thầy có đủ tư cách để hướng dẫn cho bạn, vì thầy sẽ giúp bạn điều chỉnh những sai lầm và hướng dẫn bạn lúc bạn gặp phải những trở ngại trong lúc hành thiền. Nhiều thiền sinh nghĩ rằng mình đã tiến triển trong thiền nhưng thực ra họ chưa đạt được chút tiến bộ nào; lại cũng có nhiều thiền sinh nghĩ rằng việc hành thiền của mình không có kết quả, không có chút tiến bộ nào trong khi đó thì họ tiến triển rất nhiều. Chỉ có vị thiền sư mới có thể biết được mức độ tiến bộ của bạn để điều chỉnh và hướng dẫn bạn trong những lúc cần thiết. Nếu bạn không tìm ra thiền sư bạn có thể nhờ vào sách. Nhưng không một cuốn sách nào có thể hoàn toàn thay thế cho một vị thầy. Bạn có thể đạt được một số tiến bộ khi đọc kỹ lời chỉ dẫn và thực hành đúng theo những điều hướng dẫn trong sách, nhưng bạn phải cần thường xuyên trao đổi ý kiến và thảo luận với thầy nữa, mới có thể đạt được thành quả khả quan.

17. CÓ THỂ ÁP DỤNG THIỀN VIPASSANĀ VÀO ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY KHÔNG?

Bạn có thể "tỉnh thức" trong mọi tác động bạn đang làm. Bất kỳ bạn đang làm việc, đang đi, đang nói...bạn đều có thể thiền. Mặc dầu mức độ tỉnh thức trong lúc hoạt động không mạnh bằng lúc ngồi thiền hay đang theo một khoá thiền tập nhiều ngày, nhưng nói chung trong lúc hoạt động bạn vẫn tỉnh thức được. Áp dụng thiền Vipassanā vào đời sống bạn có thể ứng phó với chính bạn một cách có hiệu quả.

18. THẾ NÀO LÀ MỘT KHOÁ THIỀN TẬP?

Khoá thiền tập giúp cơ hội cho bạn được thực tập thiền một cách tích cực và nỗ lực hơn nhờ sự hỗ trợ của hoàn cảnh chung quanh và sự hướng dẫn của vị thiền sư kinh nghiệm.

Mọi việc bạn làm trong khoá thiền tập đều là đề mục hành thiền.

19. KHOÁ THIỀN TẬP TỔ CHỨC RA SAO?

Ngày thiền tập bạn sẽ thực hành thiền Vipassanā liên tục, hết ngồi lại đi, hết đi lại ngồi...thiền tọa và thiền hành cứ xen kẽ liên tục như thế. Vào buổi tối sẽ được nghe giảng pháp và trình pháp với thầy. Nhờ ở sự "tỉnh thức" trong mọi hoạt động trong ngày mà việc thực tập thiền quán được liên tục tiến triển. Thời gian thiền tập có thể kéo dài một ngày, hai ngày cuối tuần, một tuần hay lâu hơn.

20. TẠI SAO PHẢI THAM DỰ KHOÁ THIỀN TẬP?

Nỗ lực tinh tấn thực hành thiền liên tục trong khoá thiền tập khiến tâm bạn được an trú, tĩnh lặng và trong sáng. Vì sự chú tâm rất cần cho trí tuệ phát sinh nên khoá thiền tập là cơ hội tốt nhất giúp bạn tự thân thấy được thực tánh của pháp.

CẦU MONG TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU AN VUI HẠNH PHÚC.

Phần Phụ Lục do Sư Khánh Hỷ (Trần Minh Tài) sưu tập để đáp ứng nhu cầu hành thiền mà hiện nay đông đảo Phật tử đang quan tâm. Phần này gồm hai cuộc phỏng vấn nhị vị thiền sư nổi tiếng ở Sri Lanka và Myanmar, cùng một số bài tập cơ bản về thiền Vipassanā theo trường phái của Ngài Thiền sư Mahāsi lừng danh ở Miến Điện.

Tác giả: Thiền sư U. SILANANDA

Dịch thuật: TRẦN MINH TÀI và LƯU BÌNH

11. Vấn đáp với thiền sư >>

H. (Hỏi) Thưa Thầy, xin Thầy cho chúng con biết giữa thiền mà Thầy dạy chúng con thực hành hàng ngày với thiền của ngài Dhammarakkhita hoặc thiền mà ngài Khippapañño dạy trong khóa thiền vừa rồi có những điểm đồng dị như thế nào?

Đ. (Đáp) Thầy nghĩ là các con đã đủ sức phân biệt điều đó.

Dạ, chúng con cũng có hiểu phần nào, nhưng nếu được thầy chỉ dạy thêm thì chúng con yên tâm hơn.

Đ.Trên nguyên lý thì cả ba đều là thiền minh quán (Vipassanā) cho nên đồng nhất ở những điểm sau đây:

- Về năng quán thì đều sử dụng chánh niệm, tỉnh giác.

- Về sở quán thì đều lấy Tứ niệm xứ tức là thân, thọ, tâm, pháp làm đối tượng như nhau. Đối tượng đó phải là đệ nhất nghĩa đế (paramattha), chứ không phải khái niệm tục đế (paññatti) và nó phải ở tại đây và bây giờ, vì vậy thường được gọi là đối tượng hiện quán hay thực tại hiện tiền (sandiṭṭhiko).

Về mặt dị biệt thì phần lớn do hai phương diện:

- Do căn cơ và điều kiện chủ quan hoặc khách quan sai khác của hành giả (năng quán).

- Do sử dụng đối tượng sai khác. Riêng quán thân cũng đã có những đối tượng như: hơi thở, bốn oai nghi, tất cả sự, 32 thể trược, 10 bất tịnh tướng,... Thiền sư thường tùy hành giả mà cho đề mục (sở quán) khác nhau.

Xin thầy giảng rõ hơn cho chúng con dễ hành.

Đ. Ví dụ người tham dục nhiều thì nên quán đề mục 32 thể trược hoặc 10 bất tịnh tướng. Người sân nhiều nên quán hơi thở. Người hôn trầm nhiều nên quán bốn oai nghi hay tất cả sự...

H. Thưa thầy, điều đó có nhất định vậy hay uyển chuyển?

Đ. Dĩ nhiên là uyển chuyển. Tốt nhất là nên chọn đề mục như thế nào cho hợp với tính khí của mỗi người để hành cho dễ dàng hơn.

Cách của thầy là vừa dạy lý thuyết vừa hướng dẫn thực hành, tức là lý sự đồng thời. Thiền sư Dhammarakkhita dạy lý trước sự sau. Còn ngài Khippapañño dạy sự trước lý sau. Như vậy có gì khác biệt không và kết quả như thế nào?

Đ. Người trí thức nên học lý trước sự sau. Người đức tin nên sự trước lý sau. Đó là những thiền giả hành từng khóa. Còn các con là người xuất gia, phải thông suốt cả pháp học lẫn pháp hành nên vừa học vừa hành chứ đâu có gì khác. Các vị thiền sư cũng không chủ trương cố định, các ngài vận dụng lý sự tùy nghi khi hướng dẫn hành giả.

Chúng con nghe nói ở Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, Ấn Độ rất thịnh hành thiền Vipassanā và đã có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới, nhưng có nhiều trường phái khác nhau, có đúng không thưa thầy?

Đ. Đúng, nhưng cũng không đúng. Đúng vì thật sự có nhiều trung tâm thiền khác nhau. Nhưng không đúng vì không phải có nhiều trường phái khác nhau như người ta tưởng. Có thể có một số hành giả bất đồng ý kiến với nhau nhưng đó là do họ không thông suốt pháp học pháp hành nên khi thấy mỗi người chọn một đối tượng sở quán khác nhau thì cho là mâu thuẫn. Trên thực tế, sự đồng dị rất rõ ràng như thầy đã trình bày ở trên.

Nếu không phải là trường phái khác nhau thì gọi là phương pháp khác nhau có được không?

Đ. Mới nhìn thì có vẻ như đúng nhưng đi sâu vào bên trong thì không có phương pháp khác nhau nào cả. Nhưng để dễ hiểu, chúng ta tạm thời chia ra làm hai loại phương pháp. Một là phương pháp trực tiếp và hai là phương pháp gián tiếp. Phương pháp gián tiếp là phương tiện đi đến cứu cánh, còn phương pháp trực tiếp chính là cứu cánh không qua phương tiện.

Thiền Vipassanā không sử dụng phương tiện hay phương pháp gián tiếp, trừ phi người ta dùng phương tiện để chuẩn bị cho tâm có đủ khả năng hành Vipassanā.

Chúng con vẫn chưa hiểu rõ lắm. Xin thầy cho vài ví dụ.

Đ. Chẳng qua đây chỉ là trở ngại của ngôn ngữ, để thầy ví dụ cho dễ hiểu.
Khi chúng ta hái một trái ổi, nếu với tay hái được thì tạm gọi cái tay là phương tiện trực tiếp, còn phải dùng tới một cái móc để kéo trái ổi tới rồi mới hái được thì cái móc là phương tiện gián tiếp.

Cũng vậy, một hành giả chưa đủ tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác đúng mức để quán chiếu đối tượng paramattha thì phải niệm Phật, thiền định, trì chú, tham thoại đầu, thậm chí phải bố thí, trì giới v.v... cho đến khi tâm thuần thục mới hành Vipassanā được. Đó chính là phương tiện hay phương pháp gián tiếp.

Còn Vipassanā tự nó là sự tương giao trực tiếp với pháp tánh, không qua một phương tiện nào cả. Phương tiện thuộc về tiền Vipassanā. 

Con đã hiểu thiền Vipassanā không có trường phái, vượt ngoài phương tiện, nhưng xin thầy cho con tạm dùng từ "trường phái" để chỉ hai trung tâm thiền khác nhau cho dễ phân biệt.

Con nghe nói ngài Dhammarakkhita thuộc "trường phái" thiền sư Achaan Naeb, còn ngài Khippapañño thuộc "trường phái" thiền sư Mahasi, như vậy chủ yếu hai "trường phái" đó khác nhau như thế nào?

Đ. Tại một số hành giả thấy khác chứ thực ra chũng chỉ là thiền Vipassanā mà thôi. Sự khác biệt chỉ đặt trên căn bản sử dụng đối tượng cho căn cơ khác nhau như thầy đã nói từ đầu. Thiền sư Achaan Naeb dạy quán niệm bốn oai nghi vì thấy như vậy sẽ dễ tập trung hơn là đối tượng tất cả sự và dễ quân bình (động tịnh) hơn là đối tượng hơi thở.

Trái lại, thiền sư Mahasi dạy quán niệm hơi thở vì nó thường trực hiện hữu và duy nhất, không cần phải đổi đề mục nào khác.

Thiền sư Achaan Naeb dạy chánh niệm tỉnh giác trên tổng thể của đối tượng, ví dụ khi ngồi thì thấy rõ toàn thân đang ngồi, khi đi thấy rõ toàn thân đang nghiêng tới phía trước... Như vậy sẽ dễ tỉnh giác hơn.

Thiền sư Mahasi dạy chánh niệm tỉnh giác trên chi tiết vi tế của đối tượng, ví dụ khi ngồi thấy rõ hơi thở vô ra hay thấy cơ bụng phồng xẹp, khi đi thấy rõ diễn biến của chân giở, bước, đạp, đụng, ấn... Như vậy sẽ dễ định tĩnh (chánh niệm) hơn.

Thầy vừa nói cái này dễ tỉnh giác hơn, cái kia dễ chánh niệm hơn. Như vậy có nghĩa là có sự sai khác giữa mức độ tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nữa phải không ạ?

Đ. Đúng vậy. Một vị thiền sư thiện xảo biết rõ ba yếu tố tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nơi hành giả có đều nhau không và mức độ chênh lệch như thế nào để giúp hành giả điều chỉnh. Ví dụ, khi yếu tố tỉnh giác yếu đi sẽ rất dễ sinh tưởng, vì vậy cần chú ý lại toàn thân. Trái lại, khi yếu tố chánh niệm yếu đi thì rất dễ sinh phóng tâm (trạo cử) nên cần phải chú ý vào chi tiết.

Một số thiền sư khác như ngài Shwe O Min, thiền sư Goenka cũng lấy hơi thở làm đối tượng cơ bản, nhưng ngài Shwe O Min nghiêng về niệm tâm, thiền sư Goenka nghiêng về niệm thọ.

Tóm lại, sự khác biệt là điều tất yếu, nhưng khác biệt không có nghĩa là mâu thuẫn, đối kháng, trái lại chúng bổ túc cho nhau trong khi hành đạo.

Có phải thầy sử dụng đối tượng tất cả sự không?

Đ. Đối tượng tất cả sự rất khó cho người sơ cơ, nhưng nó lại rất thực tế và uyển chuyển. Nói đúng hơn, thầy thường sử dụng đối tượng tất cả sự trong đời sống hàng ngày, nhưng khi ngồi thì tùy lúc, tùy tâm mà thầy sử dụng hơi thở hay oai nghi ngồi. Khi đi kinh hành thầy cũng tùy lúc, tùy tâm mà chú ý toàn thân đang đi hay chú ý diễn biến từng bước chân. Đứng, nằm cũng vậy. Thầy thích tùy nghi uyển chuyển hơn là theo một cái gì quy định sẵn.

Sỡ dĩ thầy mời quý vị thiền sư đến dạy cho các con là để các con có cái nhìn phóng khoáng hơn, không câu nệ và có thể vận dụng uyển chuyển. Thầy không bao giờ bắt các con theo cách riêng của thầy, đơn giản chỉ vì thầy không dừng lại nơi một cách riêng nào cả.

Thưa thầy, mục đích của thiền Vipassanā là gì?

Đ. Là thấy các pháp đều không (vô thường, rỗng không, vô ngã).

Con thường nghe nói "khổ não", sao thầy nói "rỗng không"?

Đ. Khổ não chính là rỗng không chứ gì nữa. Nhưng nói khổ, người ta thường lầm khổ đế với khổ thọ, nên thầy dùng rỗng không cho đúng yếu tính của nó hơn.

Có người  nói rằng chỉ cần thấy pháp không là đủ rồi, cần gì quán chiếu minh bạch mới thấy không?

Đ. Nếu con cố gắng cho rằng các pháp đều không thì đó chính là chồng "ý niệm không" lên các pháp. Bấy giờ, pháp trở thành paññatti, không còn là paramattha nữa. "Đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương" là vậy.

Như vậy, Vipassanā làm thế nào mà quán không được?

Đ.Đặt câu hỏi như vậy là sai rồi. Vipassanā tự nó là tuệ không, tức là cái thấy trong sáng minh bạch, không bị che lấp bởi một ý niệm nào cả dù đó là ý niệm không, cho nên các pháp trong sự soi chiếu của nó cũng đều không (tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu). Cái đó trong Đạo Dịch gọi là "tận tính" thì cũng đồng thời "cùng lý" vậy.

Khi có bản ngã khởi lên mới có ngã sở. Ngã không thì ngã sở cũng không. Bản ngã sinh cùng với tư tưởng, ý niệm v.v... nên khi có "ý niệm không" chồng lên các pháp thì đó là cái không của bản ngã mất rồi.

Vipassanā không phải là cố gắng bắt các pháp phải KHÔNG, mà chính là trả pháp lại cho tự tánh không của nó. Cũng như bất bạo động không phải là cố gắng chống lại bạo động vì như vậy là chồng chất thêm bạo động. Nhưng cái thấy trong sáng về hiện trạng bạo động tự nó chính là bất bạo động rồi. Như vậy chắc con đã hiểu cố gắng quán không chính là hữu rồi chứ? Và con cũng hiểu câu hỏi "làm thế nào quán không được" là sai, phải không?

Dạ phải. Thưa thầy, thiền Vipassanā và thiền tông Trung Hoa có gì khác nhau không?

Đ. Kiến tánh chính là yếu chỉ của thiền tông. Dĩ nhiên, "kiến" ở đây không phải là cái thấy tri thức mà là cái thấy hoàn toàn trong sáng, đó chính là Vipassanā. "Vi" là trong sạch, minh bạch; "passanà" là thấy. Còn tánh chính là tự tánh pháp (sabhàva dhamma), tức là paramattha.

Vậy rất dễ thấy sự đồng nhất giữa hai cặp: Kiến --> tánh và Vipassanā --> paramattha.

Có thể nói thiền Đông độ là hóa thân của thiền Vipassanā nguyên thủy. Nhưng khi thiền tông sử dụng phương tiện gián tiếp cho người chưa đủ sức kiến tánh thì liền rơi vào giai đoạn tiền Vipassanā, như thầy đã nói vừa rồi.

Vậy xin thầy so sánh giữa "hành thâm bát-nhã-ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách" với thiền Vipassanā có gì sai khác không?

Đ. Hoàn toàn giống nhau. Bát-nhã-ba-la-mật-đa chính là paramīya paññāya passati trong bài kệ chủ yếu của Vipassanā. Còn ngũ uẩn chính là thân, thọ, tâm, pháp.

Sắc = thân; Thọ = thọ; Tưởng, Hành, Thức = tâm, pháp.

Và một lần nữa diễn biến tương quan sinh diệt của ngũ uẩn được quán chiếu như là pháp xứ trong bốn niệm xứ.

Ngũ uẩn được trả về tự tánh không (ngũ uẩn giai không) bản nguyên của chúng qua Vipassanā ñāṇa (Minh sát tuệ) như Nāmarūpa pariccheda ñāṇa (Tuệ phân biệt danh - sắc), Paccaya pariggaha ñāṇa (Tuệ nắm bắt duyên khởi), Sammasana ñāṇa (Tuệ thẩm sát tam tướng), Udayabhaya ñāṇa (Tuệ sanh diệt), Bhaṅga ñāṇa (Tuệ hoại diệt),... cho đến Paṭisankhā ñāṇa (Tuệ giản trạch), Sankhār'upekkhā ñāṇa (Tuệ xả hành) và tận cùng bằng Paccavekhaṇa ñāṇa (Tuệ phản khán).

"Độ nhất thiết khổ ách" chính là "Atha nibbandati dukkhe" trong bài kệ thầy vừa nói.

Chúng ta cũng biết rằng không phải chỉ ngũ uẩn mà 12 xứ, 18 giới, 12 duyên khởi, 4 sự thật đề cập trong kinh Bát-nhã đều là đối tượng của Vipassanā cả.

Tại sao đối tượng của "kiến" phải là "tánh", hay nói cách khác, đối tượng của Vipassanā phải là paramattha?

Đ. Paññatti là khái niệm của lý trí, từ tưởng và tư mà sinh ra. Như vậy, khái niệm không phải là cái hiện hữu. Nó chỉ là bản phác họa về hiện hữu. Và tệ hơn nữa là thường nó phác họa một khái niệm khác.

Vì vậy, có nhiều loại paññatti: Attha paññatti, Vijjamàna nàma paññatti và Avijjamàna nàma paññatti. Chúng ta cần phải phân biệt giữa paramattha và paññatti như sau:

- Paramattha là bản chất (tánh) của hiện hữu.

- Attha paññatti là hiện tượng (tướng) qua tưởng về hiện hữu.

- Vijjamàna nàma paññatti là tên gọi của một hiện hữu hay danh khái niệm về cái có thực.

- Avijjamàna nàma paññatti là tên gọi của một phi hữu hay danh khái niệm về cái không có thực. Đó chính là khái niệm về một khái niệm qua ngôn ngữ.

Vì vậy, Vipassanā (kiến) phải lấy paramattha (tánh) làm đối tượng.

Như vậy làm sao hóa giải được sai lầm của paññatti?

Đ. Nếu nói đúng theo trình tự cho dễ nhận thì trước hết phải đưa danh khái niệm không có thực về với danh khái niệm có thực, rồi xóa tên gọi đi để còn lại hiện trạng có thực. Từ đó nhìn xuyên thấu hiện trạng mà thấy bản chất của sự thực ấy.

Khi thực hành quán chiếu với tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thấy rõ paññatti đúng với bản chất của nó tức là đã trả nó về paramattha. "Vô minh thực tánh tức Phật tánh" là vậy.

Xin thầy cho một ví dụ để chúng con dễ hiểu.

Đ. Khi có ý nghĩ "tôi ngồi" liền thấy "tôi" là khái niệm giả danh (avijjamàna nàma paññatti), không có thực. Chỉ còn lại "ngồi". Nhưng từ "ngồi" chỉ là tên gọi của hành động hay tư thế ngồi. Vì vậy, nếu bỏ tên gọi (vijjamàna nàma paññatti) ấy đi thì còn lại tư thế ngồi đang hiện hữu (attha paññatti). Nhưng hiện tượng ngồi đó chỉ là sắc pháp, gồm các đại mà thực chất chỉ là một diễn biến vô thường, rỗng không và vô ngã. Như vậy, cái gọi là "tôi ngồi" là tánh không paramattha. Đó là hóa giải paññatti, có đúng không? Nhưng nhớ đừng có học thuộc lòng lý thuyết này mà phải thực sự quán chiếu Vipassanā mới được.

Thưa thầy, có người nói thiền Vipassanā nguyên thủy có mục đích giải thoát xuất thế, còn thiền tông đại thừa có mục đích nhập thế (thỏng tay vào chợ) có đúng không?

Đ. Làm gì có xuất thế với nhập thế! Đó chỉ là ý niệm của các học giả. Xuất thế đich thực chính là nhập thế. Nhưng nhập thế không hiểu theo nghĩa sự dấn thân của bản ngã. Và nhớ là "thỏng tay vào chợ" chứ không phải "thọc tay vào chợ" đâu nghe!

Trong Kinh Mangala Sutta, đức Phật mô tả "thỏng tay vào chợ" như thế này:

"Phuṭṭhassa loka dhammehi cittaṃ yassa na kampati, asokaṃ, virayaṃ, khemaṃ, etaṃ maṅgalam'uttamaṃ" (Khi tương giao trong pháp thế gian, tâm không động, không phiền, không nhiễm, an nhiên tự tại. Đó chính là tối thượng an lạc giải thoát).

Vậy làm gì có sự giải thoát xuất thế theo nghĩa ra khỏi thực tại pháp. Chính Vipassanā ngay từ đầu đã đối diện với pháp thực tại hiện tiền (tại đây và bây giờ), không trốn chạy, tránh né. Chỉ có giác ngộ pháp (dhamma sacchikaroti) và sống thuận pháp (dhammànudhamma patipanno vihàrati) chứ làm gì có thủ xả, xuất nhập được. Thủ xả, xuất nhập là thái độ của chúng sanh trong vô minh ái dục.

Thưa thầy, chúng con còn muốn hỏi nhiều nữa, nhưng đã làm mất thì giờ của thầy quá nhiều rồi. Cám ơn thầy đã giảng giải cho chúng con thật chu đáo. Có dịp, chúng con kính xin thầy chỉ dạy thêm.


Theo: trungtamhotong.rg



Phần 4: Thiền Định

A. Thiền Định là gì

Hỡi những ai mong muốn bảo vệ tâm thức mình!
Với đôi bàn tay chắp lại,
tôi xin được khuyên họ một lời này:
Hãy cố gắng,
giữ cho sự chú tâm và cảnh giác luôn thật mạnh,
bằng tất cả nghị lực của chính mình.

Tịch Thiên (Shantideva)

1. Luyện tập thiền định là gì ? >>

Lợi ích mang lại từ sự chú tâm là một trong những khám phá kỳ diệu nhất của Đức Phật. Sự chú tâm là một phương thuốc nhằm điều trị mọi thứ bệnh tật của chúng ta. Đấy là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa của Giác Ngộ.

Thiền trong Phật Giáo không có nghĩa là suy tư về một thứ gì hay mổ xẻ một chủ đề nào cả, mà đúng hơn là cách giúp chúng ta quán thấy ý nghĩa của thực tại trong sự toàn vẹn của nó. Lời khuyên sau đây thật hết sức giản dị : "Hãy sử dụng tâm thức mình để quan sát tâm thức của chính mình". Đấy cũng chính là sức mạnh mầu nhiệm nhất của sự chú tâm. Nếu giữ được sự cảnh giác trước các biến cố xảy ra thì chúng ta cũng sẽ vượt thoát khỏi sự chi phối của chúng dễ dàng hơn. Mỗi khi cảm thấy bực dọc thì không nên tìm cách để lẫn tránh nó, cũng không nuôi dưỡng nó hay ra sức để mà tìm hiểu nó. Tốt hơn là chỉ nên chú tâm theo dõi xem nó xuất hiện, tồn tại và biến mất như thế nào. Đấy là cách giúp chúng ta thâm nhập vào bản chất sâu kín nhất của nó để biến cải nó.

Quả thật không mấy khi khái niệm về sự chú tâm được nêu lên trong thế giới Tây Phương, ngoại trừ bởi vài học giả thật hiếm hoi chẳng hạn như nữ triết gia Simone Weil. Theo bà thì chúng ta không hề nhìn thấy vai trò đích thật của ý chí trong sự hiện hữu của chính mình, mà chỉ xem đấy như là một thứ nỗ lực, một sự cố gắng gần như là máy móc để chủ động hiện thực: "Nếu chỉ biết gồng mình, cắn răng lại cho thật chặt để thực thi đạo đức, để làm thơ hay là để tìm kiếm một giải pháp nhằm gỡ rối cho một vấn đề nào đó, thì quả thật chẳng có gì lại có thể ngu ngốc hơn thế được? Sự chú tâm nào có dính dáng gì đến các thứ ấy".

Tại nơi thâm sâu nhất của sự chú tâm đã có tiềm ẩn sẵn một sự chấp nhận nào đó mang tính cách mặc nhiên giúp chúng ta tiếp cận trực tiếp với những gì hiển hiện ra và không thắc mắc gì cả (sự chú tâm giúp chúng ta chấp nhận hiện thực hiển hiện ra như thế một cách thật "tự nhiên" và "hợp lý").

Tìm cách để hiểu biết thì cũng chẳng khác gì là một sự tránh né (tìm hiểu tức có nghĩa là phân tích một thứ gì thuộc bên ngoài chúng ta và khác với chúng ta). Một hình thức tự tránh ra xa. Con đường thì trái lại là một phương tiện giúp chúng ta đạt được một sự tiếp cận nào đó. Trở thành người Phật Giáo là một chuyện thật hết sức đơn giản: chỉ cần biết tiếp cận với những gì hiển hiện ra như thế, không tìm cách loại bỏ chúng và cũng không cố gắng nắm bắt lấy chúng (trở về với chính mình và hòa nhập với hiện thực là cách giúp mình trở thành một người Phật Giáo).

Tại sao lại luyện tập thiền định, nó mang lại cho ta những lợi ích gì ?

Thiền định mang lại sự an lạc, chữa lành các bệnh tật của tâm thức và điều dưỡng cho thân xác.

Thiền định đưa chúng ta trở về với thực tại, giúp chúng ta hòa nhập trong từng giây phút một với các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình trong cuộc sống. Đấy cũng là cách giúp chúng ta thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của các phản ứng tự động và máy móc của tư duy, luôn liên kết với nhau để trói buộc chúng ta. Sự sống của chúng ta thật ra chỉ là một sự sinh tồn máy móc, điều khiển bởi các phản ứng tự động (sự sống ấy thật ra chỉ là một chuỗi dài các phản ứng tự động, chi phối bởi bản năng và các xu hướng sẵn có - tức là nghiệp - khiến cho chúng ta không còn kịp suy nghĩ hay xét đoán gì nữa cả mà chỉ biết giao phó cho các phản ứng quy ước và hời hợt của tư duy điều khiển mình một cách máy móc); thiền định trái lại tập cho chúng ta biết trở về với thực tại và những gì mà chúng ta cảm nhận được. Sự trở về với chính mình sẽ mang lại cho ta một niềm an lạc vô biên. Chúng ta sẽ khám phá ra được một thể dạng thật đơn sơ, một thể dạng tự nhiên là như thế, nó không cần phải dựa vào bất cứ gì để mà hình thành (nào có gì lại có thể hiển hiện ra một cách giản dị và đơn sơ hơn hiện thực được: nó chỉ là như thế!).

Rất nhiều y sĩ và khoa học gia đã chứng minh cho thấy là thiền định có khả năng làm nhẹ bớt đi các chứng căng thẳng thần kinh và lo âu quá đáng và chữa lành được nhiều thứ bệnh phát sinh từ tình trạng trầm cảm.

Thiền định giúp mình tự biến cải một cách tích cực, nhìn thấy được nỗi khổ đau riêng tư và vượt lên trên những nhầm lẫn của chính mình.

Thiền định là cách giúp chúng ta trực tiếp quan sát các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình. Nhờ đó chúng ta sẽ khám phá ra là các kinh nghiệm cảm nhận ấy luôn biến động, khi thì rất mù mờ, thế nhưng cũng có lúc thì khá minh bạch. Thật thế, khi thì chúng ta nổi nóng, khi lại ganh tị, lại cũng có lúc chúng ta tập trung được sự chú tâm. Tuy nhiên thông thường thì chúng ta nào có để ý làm gì đến các thứ mà chúng ta đang cảm nhận được hay đang suy nghĩ đâu. Tư duy và các kinh nghiệm cảm nhận cứ thế mà sinh ra, tồn tại được một lúc rồi biến mất.

Theo quan điểm của Phật giáo thì tư duy được hình thành một cách rất công thức dựa vào các ngôn từ hiển hiện ra trong đầu mình, để mà buộc chặt mình với chúng (tư duy được công thức hóa xuyên qua các ngôn từ quy ước, chúng điều khiển các hành động của chúng ta một cách máy móc); chúng liên tục hiển hiện và che khuất tâm thức của chúng ta khiến chúng ta không còn nhìn thấy thế giới một cách minh bạch được nữa (nhìn thế giới xuyên qua các tư duy đã được công thức hóa). Đấy chỉ là các thứ tư duy không được đúng thật bởi vì tư duy đúng thật luôn mang tính cách trực tiếp và tự phát (có nghĩa là không bị, hoặc trước khi bị công thức hóa), biểu lộ qua một cử chỉ, một ngôn từ nào đó. Nói cách khác thì Phật Giáo xem tư duy đúng thật chính là thực tại, tư duy ấy khác hẳn với các tư duy khác (luôn bị chi phối bởi quy ước và điều khiển bởi bản năng) chỉ nhằm tách rời chúng ta ra khỏi hiện thực.

Đôi khi chúng ta cũng mang trong trí những thứ tư duy thật dai dẳng tương tự như một sự ám ảnh, thí dụ: "Chẳng ai hiểu tôi cả"; "Tất cả mọi sự cứ theo nhau mà xảy đến với tôi thật tệ hại"; "Tôi chỉ là một tên vô dụng"; "Tôi chán ghét tôi vô cùng"; "Tôi chỉ là một đứa vô tích sự"; "Hắn là một tên quá hung ác và tôi thì chỉ muốn tìm cách làm thế nào để trả thù"... Thiền định chính là cách tập cho chúng ta biết quay trở về với thể dạng tâm thức không tự nhận diện mình qua các thứ tư duy đại loại như trên đây. Chẳng hạn như thay vì cho là mình đang bị sự giận dữ đày đọa khiến cho mình trở nên hung dữ thì chỉ nên đơn giản (đứng ra xa để mà) quan sát nó thế thôi (tức theo dõi và quan sát sự giận dữ và không hề xem sự giận dữ là của mình hay là chính mình).

Thiền định giúp chúng ta mở rộng lòng mình để đón nhận một thể dạng tâm linh đích thật và để tận hưởng các kinh nghiệm cảm nhận về thực tại cũng như một tình thương yêu vô điều kiện.

Thiền định cũng là một con đường tu tập tâm linh. Mục đích của nó là giúp chúng ta buông bỏ tham vọng muốn chủ động được mọi thứ, hầu giúp chúng ta biết mở rộng lòng mình để đón nhận một thực tại to rộng hơn so với cái tôi nhỏ bé và đầy lo âu của chính mình. Đấy cũng chính là cách giúp chúng ta buông bỏ quyết tâm chỉ biết nghiền ngẫm về các tham vọng riêng tư của mình, hầu giúp mình có thể tìm thấy được sự thanh thản trong một không gian rộng mở đầy sinh khí và nhiệt tình.

Tất cả các vị thánh nhân và các nhân vật thần bí dù thuộc vào bất cứ một dân tộc nào, nếu muốn nâng cao giá trị của mình lên thì cũng đều phải dựa vào một sự hậu thuẫn liên quan đến thiền định. Sự hậu thuẫn ấy không nhất thiết chỉ thuộc vào bối cảnh cá biệt của Phật Giáo. Nó cũng đã được học phái Sufi (soufisme / sufism hay Ahl al-soufa) của Hồi Giáo và một số học phái Ki-tô Giáo cũng như một số bộ tộc thổ dân của lục địa Mỹ Châu thực hành. Căn bản thiền định ấy chỉ đơn giản là như thế. Thế nhưng thật ra đấy lại là một cách khám phá ra không gian rộng mở của tình thương yêu, giúp chúng ta vượt lên trên mọi sự trói buộc.

Nếu nhìn từ khía cạnh đó và một khi thiền định được giảng dạy thật đầy đủ và đúng đắn thì đấy sẽ là một phương tiện giúp trực tiếp mang lại cho chúng ta một cuộc sống tâm linh đúng nghĩa của nó. Con đường ấy đòi hỏi chúng ta phải có một sự quyết tâm nào đó nhằm tháo gỡ cái mặt nạ của chính mình và loại bỏ mọi thứ ảo giác, hầu giúp chúng ta đối đầu với mọi chướng ngại có thể cản trở sự mở rộng của tâm hồn mình.

2. Vậy sự chú tâm là gì? >>

Sự chú tâm là một luồng ánh sáng soi rõ những gì mà nó rọi vào. Khi chúng ta chú tâm vào hơi thở thì tình trạng xao lãng thường chi phối chúng ta cũng sẽ tan biến hết, hơi thở theo đó cũng trở nên êm dịu khiến chúng ta cảm thấy thanh thản hơn.

Mục đích của thiền định là nhằm phát huy sự chú tâm và giữ cho sự chú tâm đó không rời khỏi đối tượng được quan sát. Thí dụ tôi không nhìn vào hơi thở của tôi mà tôi trở thành hơi thở của chính tôi.

Thiền định không phải là một sức mạnh cá biệt của tâm thức mà đúng hơn là bản chất của chính tâm thức. Tâm thức là một khả năng giúp chúng ta hợp nhất với những gì mà chúng ta quán xét. Tôi cắn một miếng táo. Sự chú tâm của tôi hòa nhập tôi với hương vị của miếng táo.

Tính cách nhị nguyên mà chúng ta thường tạo dựng ra như là một thứ ranh giới nhằm phân cách người quan sát và vật thể được quan sát - tức giữa chủ thể và đối tượng, hay là giữa ta và người khác - sẽ biến mất khi chúng ta phát động được sự chú tâm.

3. Muốn thiền định thì phải làm thế nào? >>

Thiền định là cách giữ thân xác, hơi thở và tâm thức của mình luôn an trú trong hiện tại.

Nói một cách tổng quát thì chúng ta có thể tự xem mình là nơi hội ngộ giữa thân xác và tâm thức của chính mình. Tuy nhiên cũng nên lưu ý là hình ảnh tạm mượn trên đây không phải là một khái niệm của Phật Giáo (vì Phật giáo không xem tâm thức là một thực thể khác với thân xác), do đó một người Phật Giáo không được xem thân xác độc lập với tâm thức mà chỉ nên xem hơi thở đảm nhiệm một vai trò trọng yếu hơn trong việc chuyển tải sự sống và giúp cho chúng ta trở nên sinh động.

Phải chọn một tư thế ngồi thật đúng

Ngồi không phải chỉ có nghĩa là một động tác riêng rẻ của thân xác mà liên quan đến toàn diện con người của mình.

Trước hết bạn hãy ngồi xuống. Sau đó thì hình dung ra hình ảnh của chính mình đang ngồi thật vững vàng trên mặt đất của địa cầu này.

Thân xác bạn biểu trưng cho một sự kết hợp giữa địa cầu và bầu trời cao, và con tim của bạn là chiếc vương miện của một vị đế vương. Hãy đặt chiếc vương miện của con tim bạn trở về đúng chỗ của nó (trên đầu mình). Sau đó thì hãy hình dung chiếc vương miện nằm uy nghi tại vị trí thật hoàn hảo ấy và đón chào nó. Đấy là cách tự đặt mình vào một tư thế sẵn sàng để đón nhận bầu không gian của thực tại. Hãy cố gắng hòa nhập vào cái thể dạng hiện hữu đang phát động một cách tự nhiên ấy (không cần kêu gọi đến một sức mạnh thiêng liêng nào cả). Nhìn theo khía cạnh đó thì chỉ riêng tư thế ngồi cũng đủ để biểu trưng trọn vẹn cho toàn thể giáo huấn (tư thế ngồi không những chỉ liên hệ với thân xác mà còn phản ảnh thể dạng tâm thần của mình nữa, sự liên kết đó giữa thân xác và tâm thức qua thế ngồi sẽ giúp buộc chặt sự hiện hữu của mình vào thực tại - tức đang ngồi thật vững chắc trên mặt đất này - và đấy cũng chính là nền móng căn bản nhất của giáo huấn nhà Phật).

Tùy theo học phái mà các lời hướng dẫn về phương pháp thiền định cũng có đôi chút khác biệt, tuy nhiên tất cả đều xem trọng việc chuẩn bị cách ngồi như thế nào để có thể giúp người hành thiền hòa nhập vào thân xác của mình và giữ cho thân xác đó luôn thẳng đứng và trang nghiêm (tư thế ngồi rất quan trọng vì nó sẽ phản ảnh thể dạng tâm thức của người hành thiền. Khi nhìn vào một người lão luyện đang ngồi hành thiền thì cũng có thể hình dung ra thể dạng tâm thần hay mức độ "nhập định" của người ấy. Tư thế ngồi của họ vững vàng như một trái núi, toàn thân tỏa ra một sự thanh thản, tĩnh lặng và trang nghiêm có thể khiến cho chúng ta phải bàng hoàng và kính phục).

Nếu bạn muốn ngồi đúng theo tư thế trên đây thì phải giữ lưng cho thật thẳng đồng thời vẫn giữ được sự thoải mái. Cách ngồi đó sẽ giúp bạn cảm thấy được sự "vững chắc" và "thẳng đứng" của lưng liên hệ mật thiết với sự "mềm mại" và "mở rộng" của lồng ngực - đấy là một cách biểu trưng cho sự kết hợp giữa nghị lực giúp mình nhìn thẳng vào những gì là như thế và sự mong manh (của nhịp thở nơi lồng ngực) giúp mình trở nên mềm mại hơn.

Điều quan trọng là bạn phải giữ cho thân xác luôn thư giãn. Tùy theo học phái, hai chân có thể tréo vào nhau theo tư thế hoa sen hay bán già, hoặc chỉ cần ngồi với hai chân gập lại cũng đủ. Tuy nhiên cũng có thể ngồi trên ghế - cách ngồi này cũng tốt thế nhưng phải giữ lưng thật thẳng và không được tựa vào lưng ghế (muốn cho thế ngồi được thoái mái và vững chắc thì cần phải có một "tọa cụ", tức là một cái gối hình tròn, vuông hay bán nguyệt, nhồi bông, bề dầy có thể gia giảm tùy theo từng người, đôi khi phải mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh bề dầy của tọa cụ sao cho thật thích hợp với mình. Cũng xin mạn phép nêu lên một chi tiết nhỏ khác là các người hành thiền trong các học phái Zen đều có những chiếc tọa cụ may đúng theo quy tắc, vải bằng chỉ sợi thiên nhiên, nhuộm bằng màu lấy từ vỏ cây, tọa cụ độn bằng các vật liệu thiên nhiên như bông gòn, rơm, hoặc các loại hạt phơi khô... Tuy nhiên người mới tập có thể dùng bất cứ gì để ngồi, chẳng hạn như gối nằm hay một vật gì khác, mục đích là mông và hai đầu gối tạo ra ba điểm tựa giữ cho thế ngồi được vững chắc).

Dù sao thì bạn cũng không nên quá quan tâm hay lo lắng. Tư thế ngồi chưa phải là toàn bộ kỹ thuật tập luyện, đấy chỉ là một cách "loan báo" trước thế thôi. Ngồi thật đúng cách cũng là để biểu lộ quyết tâm của mình nhằm giữ cho thân người luôn được thẳng, linh hoạt và không ngủ gục. Chọn cho mình cách ngồi như thế cũng có nghĩa là bắt chước theo hình ảnh nhập định của Đức Phật. Một cách để trở thành Phật. Dù sao thì đấy cũng không phải là một phương tiện nhằm mong cầu đạt được một thứ gì cả. Tư thế ngồi thiền tự nó chỉ có nghĩa là sự tu tập. Có thể ví tư thế ngồi là một quả núi mà người hành thiền có thể tìm thấy nơi đó một chỗ ẩn cư thuận lợi, dù là họ đang phải sống trong bất cứ một bối cảnh nào.

Sau khi ngồi xong thì tập thở!

Sau khi chuẩn bị xong cho tư thế ngồi thì bạn hãy bắt đầu chú tâm vào hơi thở và sự chú tâm phải thật vững vàng, dù sao thì đấy cũng không có nghĩa là phải gồng mình lên mới theo dõi được hơi thở. Có thể ví sự chú tâm như một chiếc neo giúp cho mình khỏi bị trôi dạt đi nơi khác. Cứ để cho không khí thâm nhập vào cơ thể mình, khiến cho bụng căng phồng và làm nở rộng lồng ngực, và sau đó thì cứ để cho không khí tự nhiên trở ra và tan biến vào không gian. Không khí thâm nhập vào bạn và buộc chặt bạn vào mặt đất này, nó lưu chuyển xuyên qua thân xác bạn và sau đó thì ra đi. Bạn không nên tìm cách giữ lại một thứ gì cả. Không đặt ra thêm một thứ gì cả. Chỉ cần xem đấy là như thế.

Sau hết thì phải giải quyết thế nào với các ý nghĩ của mình?

Tất nhiên là không thể nào tránh khỏi các thứ ý nghĩ và xúc cảm đến viếng thăm bạn, kể cả trường hợp chúng có thể tràn ngập tâm thức bạn. Thế nhưng chủ đích của phép thiền định là không nhằm vào việc xô đuổi chúng mà đúng hơn là chỉ tìm cách để quan sát quá trình xuất hiện và biến mất của chúng. Thật hết sức quan trọng phải ghi nhớ điều này.

Không có gì sai lầm hơn khi cho rằng luyện tập thiền định là cách giúp tạo ra cho mình một thể dạng không còn ý nghĩ gì trong tâm trí mình nữa. Thật thế, thiền định không phải là một phương tiện giúp mình đạt được một thành tích nào cả!

Tất nhiên là đôi khi chúng ta cũng có thể cảm thấy không được vừa ý lắm với các kết quả mang lại hoặc cũng có thể là hoàn toàn thất vọng sau khi nhận ra trong suốt buổi hành thiền mình chỉ thấy hiện ra toàn là những thứ chuyện tào lao vô tích sự, chúng liên tiếp thay nhau diễn ra trong tâm thức mình. Chủ đích của việc luyện tập là giúp thiết lập một mối tương quan đúng thật giữa chính mình và thực tại, thế nhưng trên thực tế thì mình lại vướng vào một cuộc phiêu lưu bất tận! Tuy nhiên cũng nên hiểu rằng luyện tập thiền định chính là cách giúp mình tiếp cận với thực trạng trên đây mà không bình luận gì cả (theo dõi sự vận hành của tư duy nhưng "dửng dưng" không diễn đạt hay phát lộ một xúc cảm nào dù đấy là vui hay buồn, chỉ quan sát các tư duy hiện ra và biến mất đi, chúng không phải là mình, cũng không phải là của mình).

Phép luyện tập ấy thật đơn giản và dễ thực hiện. Ngoài sự chú tâm ra thì không có một mục đích nào khác hơn cần phải đạt được. Nhất thiết chỉ cần mở rộng lòng mình để tiếp đón bầu không gian biểu trưng cho sự hiện diện của mình và của thế giới mỗi khi chúng hiện ra thế thôi.

4. Thế nhưng tại sao phép luyện tập ấy lại khó thực hiện đến thế? >>

Nguyên tắc luyện tập thiền định tuy có vẻ đơn giản thế nhưng cũng khá khó. Thật thế, thiền định không giống như tập thể dục mà thật ra là một phương pháp toàn vẹn giúp cải biến tất cả những gì có thể làm phương hại đến bầu không gian sâu rộng của sự sống.

Đôi khi chúng ta cũng muốn đem ra thực hành những gì đã học được trong sách vở, thế nhưng khi bắt tay vào thì lại dễ thối chí.

Chúng ta chỉ muốn có kết quả ngay tức khắc. Sự kiện này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì chúng ta đều là nạn nhân của cuộc chạy đua nhắm vào hiệu quả và xu hướng hưởng thụ tối đa, cũng như của tình trạng thiếu kiên nhẫn đang lan tràn khắp nơi ngày nay. Thiền định trước hết là một nghệ thuật sống, thế nhưng ngày nay thì cái nghệ thuật ấy đã biến mất trong thế giới Tây Phương (thật ra thì nó cũng đã biến mất trong thế giới Đông Phương khi cái thế giới này chỉ biết nhìn vào lý tưởng và các giá trị vật chất của các xã hội Tây Phương). Thiền định luôn đòi hỏi phải kiên nhẫn và quyết tâm.

Thiền định cắt đứt cội rễ của lòng tham chỉ mong sao cho mọi sự xảy ra thật dễ dàng, thí dụ như khi bật đèn thì ánh sáng phải tỏa ra ngay tức khắc. Nếu chỉ biết nhìn mọi sự theo cách đó thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành một người hành thiền thành thạo được và cũng sẽ chẳng chủ động được một thứ gì cả. Có phải mỗi ngày khi dọn cơm thì chúng ta lại phải bày biện bát đĩa hay không? Có phải mỗi ngày chúng ta lại phải đối đầu với đủ mọi thứ xao lãng và các lầm lỗi của mình hay chăng? Chúng ta chỉ có thể thăng tiến trên con đường thiền định khi nào đủ sức tự biến cải mình nhanh hơn ảnh hưởng chi phối bởi mọi thứ hoang mang. Thật hết sức quan trọng không được xem các thứ hoang mang ấy như là các trở ngại cần phải loại bỏ mà nên xem chúng là những cơ hội nhằm giúp mình gia tăng gấp đôi sức mạnh của sự chú tâm trong cuộc sống.

Thật lạ là giai đoạn đầu bao giờ cũng dễ. Khi mới khởi sự luyện tập thì tình trạng tâm thần của mình thường chưa đủ sáng suốt, và cũng chính vì thế nên chúng ta nhận thấy dễ dàng hơn các hiệu quả mang lại, kể cả một sự tỉnh táo nào đó. Thế nhưng càng luyện tập thì chúng ta lại càng thấy hiện ra các khó khăn tinh tế hơn, do đó chúng ta cũng sẽ phải khéo léo hơn để có thể loại bỏ được chúng. Nhờ thế chúng ta cũng sẽ biết sử dụng việc luyện tập thành thạo hơn để bảo vệ mình trước những thứ gai góc của thực tại. Nếu nhìn theo góc cạnh đó thì chúng ta cũng sẽ hiểu được dễ dàng tại sao thiền học Zen lại khuyên người hành thiền phải luôn giữ "tinh thần của một người mới tu tập".

Riêng tôi thì tôi rất thích câu chuyện sau đây của thiền sư Shunryu Suzuki, một trong số các vị thầy lớn nhất của thế kỷ XX (xin chú ý Shunryu Suzuki, 1904-1971, không phải là Daisetz Teitaro Suzuki, 1870-1966, thế nhưng người ta lại thường hay nhầm lẫn giữa hai vị này, khiến đôi khi Shunryu Suzuki phải thốt lên: "Tôi nào có phải là vị Suzuki vĩ đại đâu, tôi chỉ là một tên bé tí"). Câu chuyện như sau, có bốn con ngựa khác nhau, một con thật xuất sắc, một con khá tốt, một con trung bình và một con thật tệ. Con ngựa giỏi nhất thì phóng nước đại một cách dễ dàng. Nó đoán trước được ý nghĩ của người kỵ mã trước khi nhìn thấy bóng của chiếc roi ngựa đưa lên. Con thứ hai thì cũng phóng nhanh như con trước và phản ứng trước khi chiếc roi chạm vào người nó. Con thứ ba thì chỉ phóng khi nào ngọn roi quất vào da thịt nó và làm cho nó đau điếng. Con thứ tư thì chỉ phóng khi nào sự đau đớn bắt đầu ăn sâu vào xương tủy của nó.

Khi nghe câu chuyện trên đây thì có lẽ tất cả chúng ta đều mong được như con ngựa thứ nhất, hay ít ra thì cũng phải được như con thứ hai. Thế nhưng nếu mong muốn được như thế trong khi luyện tập thì quả chúng ta không phải là người khôn ngoan.

Đối với việc luyện tập thì con ngựa tệ nhất lại là con ngựa xuất sắc nhất. Chính sự khiếm khuyết của bạn mới đúng là những gì sẽ giúp bạn bước vào con đường một cách vững chắc nhất. Thói thường những người gặp nhiều khó khăn khi luyện tập lại chính là những người sẽ tìm thấy ý nghĩa sâu xa nhất trong việc tu tập của mình (tác giả muốn trấn an và khuyến khích chúng ta đấy).

Dù có gặp khó khăn khi luyện tập hay trong những lúc tìm cách để quay về với thực tại, thì cũng không nên xem đấy là các dấu hiệu bất lợi. Quyết tâm đơn giản được ngồi xuống mặt đất này và giữ lưng cho thật thẳng để hòa nhập với thực tại đang hiển hiện ra mới là điều quan trọng hơn cả.

5. Có phải mục đích luyện tập thiền định là làm cho chúng ta lắng dịu xuống hay không? >>

Tại Tây Phương thiền định thường được xem là một phép luyện tập giúp mang lại sự thư giãn, hơn nữa nhiều người còn xem đấy là một phương pháp trị liệu nữa. Thật thế, thiền định hàm chứa nhiều phẩm tính trị liệu thật đáng kể. Thế nhưng không phải vì thế mà có thể bảo rằng sự thoải mái là mục đích của thiền định, mặc dù trên thực tế thì các hiệu quả lợi ích ấy cũng có thể xảy ra. Chủ đích của thiền định thật ra khác hơn thế rất nhiều.

Mục đích của thiền định là nhằm biến cải toàn bộ mối tương giao giữa chúng ta và tất cả những gì mà chúng ta nhận biết được, cảm nhận được hay suy nghĩ được (tức là cách giúp chúng ta nắm bắt và cảm nhận được hiện thực đúng như thế, không để cho các xung năng và tác ý trong tâm thức làm cho nó bị méo mó và biến nó thành ảo giác).

Hành thiền không phải là cách tìm kiếm một thể dạng cá biệt nào cả vì như thế chỉ là cách nhằm thu hẹp tác động của nó mà thôi. Đấy là một cách tạo thêm các điều kiện để trói buộc nó, và đấy cũng là một trong những trở ngại hàng đầu trong việc luyện tập.

Thiền định không phải là một phương tiện giúp mình tìm thấy sự bình lặng, cũng không phải là một bát thuốc sắc để mà uống khi gặp phải khó khăn. Mục đích của thiền định là giúp chúng ta phát huy sự chú tâm hướng vào tất cả những gì hiển hiện ra hầu giúp chúng ta thoát khỏi mối ràng buộc giữa chúng ta và các thứ ấy.

Việc luyện tập thiền định không nhằm vào chủ đích làm cho tâm thức lắng xuống hoặc trở nên vô cảm trước những trắc trở trong cuộc sống. Dù sao đi nữa thì thiền định cũng không hề là một phương cách nhằm cắt rời chúng ta với thực tại.

Vị tổ thứ sáu của Phật Giáo Trung Quốc (ngài Huệ Năng) sau khi nghe một vị thiền sư giảng cho đám đệ tử của mình như sau: "Phải giữ tâm thức tĩnh lặng hầu giúp mình suy tư về sự Tịch Tĩnh và Vắng Lặng, và nhất thiết phải luôn luôn giữ tư thế ngồi và không được ngưng nghỉ", thì ông đã phản ứng lại như sau: "giữ tâm thức tĩnh lặng" là một hình thức bệnh hoạn và nhất định đấy không phải là con đường của Đức Phật.

Sau đó thì ông đã trước tác một bài thơ như sau:

"Trong khi sống, nếu chỉ biết ngồi không ngưng nghỉ,
Thì đến khi chết người ta sẽ được nghỉ, thế nhưng lại không được ngồi.
Trong cả hai trường hợp thì đấy cũng chỉ là một đống xương hôi thối!
Nào có liên quan gì đến bài học thật thiết yếu về sự hiện hữu này đâu".
Bài thơ trên đây chẳng phải là tuyệt vời hay sao! Cốt tủy của Đạo Pháp chính là đấy. Thiền định giúp chúng ta phát huy sự hiểu biết sâu kín nhất về bản chất của hiện thực và của chính mình. Đức Phật tự đặt mình vào tâm điểm của thực tại hầu quán thấy thế giới một cách minh bạch hơn.

Mặc dù thiền định là một sự dừng lại nhằm giúp mình nhận thấy minh bạch hơn những gì là như thế, tuy nhiên các kinh nghiệm ấy tự nó không hề là một chủ đích.

Sự đình chỉ giúp mang lại một thể dạng thư giãn. Dừng lại đấy. Một sự yên lặng tỏa rộng. Đấy là một quá trình thật cần thiết giúp cho sự chú tâm trở nên sắc bén hơn. Thế nhưng nếu dừng lại đấy thì quả thật đấy không phải là con đường.

Điều quan trọng hơn cả chính là sự cảnh giác.

6. Chú tâm và sự cảnh giác sâu xa >>

Kiến thức Phật Giáo (trí tuệ) không dựa vào các giáo điều bất di dịch như các tôn giáo khác, cũng không phải là kết quả do sự phân tích khoa học mang lại như thường thấy trong thế giới ngày nay. Nó cũng chẳng phải là kết quả mang lại bằng cách tổng kết các quan điểm khác nhau. Kiến thức Phật Giáo được hình thành nhờ vào kinh nghiệm cảm nhận của chính chúng ta bằng cách dựa vào sự chú tâm và cảnh giác sâu xa (tác giả không dùng chữ "trí tuệ" thế nhưng đã nêu lên ý nghĩa của thuật ngữ này thật khéo léo và đồng thời cũng không sử dụng chữ "giác ngộ" thế nhưng cũng gián tiếp giải thích được sự giác ngộ là gì bằng cách chỉ nêu lên thật ngắn gọn là "kiến thức Phật Giáo" được hình thành từ kinh nghiệm cảm nhận của chính chúng ta dựa vào sự chú tâm và cảnh giác - tức có nghĩa là nhờ vào thiền định).

Sự chú tâm là một cách hiển lộ tự nhiên là như thế khi nó tiếp cận với một vật thể nào đó và không hề phát lộ một sự bám víu nào. Thí dụ như tôi chú tâm vào làn gió đang luồn vào tóc tôi và trong trí thì không nghĩ đến bất cứ thứ gì cả (tác giả là một nhà sư đầu nhẵn thín, thí dụ này được đưa ra có lẽ là để dành riêng cho chúng ta đấy! Nếu đầu ta nhẵn thín thế nhưng trong tâm trí thì ta lại cứ cảm thấy gió đang luồn vào mái tóc bồng bềnh của mình thì đấy chứng tỏ là mình đã rơi ra ngoài sự chú tâm và đang phiêu lưu ở một nơi nào khác bên ngoài hiện thực và bên ngoài chính mình). Tôi đặt tâm thức tôi trong một thể dạng tiếp nhận thế thôi. Cái tâm thức ấy đang tập trung và hòa nhập vào một thể dạng thật thăng bằng của sự thanh thản. Nó không còn bị trói buộc trong các điều kiện chi phối nó nữa. Cái tâm thức ấy của tôi không hề tìm cách nói lên là nó thích cái này hay không thích cái kia.

Cảnh giác sâu xa là một sự hiểu biết trực tiếp, nó không cần đến bất cứ một hình thức trung gian mang tính cách khái niệm hay ngôn từ nào cả (khái niệm hay ngôn từ đều mang tính cách quy ước, cảnh giác sâu xa là một sự hiểu biết trực giác vượt lên trên mọi hình thức lý luận dựa vào khái niệm và quy ước). Nó giải thoát cho sự quán thấy nằm bên trong thị giác, nó giải thoát cho âm thanh nằm bên trong thính giác, nó giải thoát cho sự cảm nhận va chạm nằm bên trong xúc giác, nó giải thoát cho sự hiểu biết nằm bên trong tri thức. Đấy cũng là cách mà cây cổ thụ biểu trưng cho sự lầm lẫn bị đào lên tận gốc rễ (nhìn thấy nhưng không diễn đạt, nghe thấy nhưng không diễn đạt, va chạm vào da thịt nhưng không diễn đạt, hiểu biết nhưng không diễn đạt: đấy là cách nhổ bỏ tận gốc rễ mọi ảo giác của hiện thực).

Theo như các bài kinh nguyên thủy cũng như những trước tác của các vị đại sư thì trước hết ta phải phát động sự chú tâm và từ sự chú tâm ấy sẽ phát sinh ra sự quán thấy sâu xa mang tính cách cởi mở và sâu rộng hơn, giúp người hành thiền quán thấy một cách thật sắc bén các kinh nghiệm cảm nhận của mình về hiện thực, và từ đó sẽ dần dần hiểu được cái cấu trúc trọn vẹn của các kinh nghiệm ấy mà trước đây thì thông thường người ấy không hề nhận thức được. Chú tâm giúp mang lại sự an bình, bởi vì nó giải thoát cho tâm thức khỏi mọi thứ dao động thường tình khiến cho nó luôn bị rơi vào tình trạng bất định hướng.

Sự cảnh giác sâu xa phát hiện dưới hình thức của trí thông minh và của khả năng trực giác (prajna hay bát nhã) - đấy là một hình thức hiểu biết không phát sinh bằng cách kiến tạo mà thoát ra từ một bầu không gian mở rộng và quen thuộc (sự cảnh giác sâu xa không hình thành nhờ vào lý luận mà phát sinh từ sự cảm nhận của trực giác khi tiếp xúc với bầu không gian quen thuộc của thực tại, tức có nghĩa là nhìn vào thực tại và quán nhận được thực tại là như thế, cái thực tại ấy thật hết sức quen thuộc với mình và không cho thấy một mảy may nào xa lạ).

Tuy nhiên tôi lại thường nhận thấy đối với nhiều người sự diễn tiến trên đây không xảy ra đúng theo thứ tự. Sự cảnh giác sâu xa và sự chú tâm có thể cùng xảy đến một lúc, hoặc đôi khi cũng xảy ra trường hợp một trong hai thể dạng giữ một vị thế lấn át hơn.

7. Thiền định có phải là cách tạo ra một thể dạng trống không hay chăng? >>

Nhờ vào sự tập luyện thì nhất định cũng có có thể tạo ra một thể dạng trống không trong tâm thức được. Thế nhưng đạt được như thế để mà làm gì?

Đức Phật không khám phá ra sự trống không, mà thật ra là cả một trí thông minh trực giác (trí tuệ) giúp mở ra cho chúng ta một bầu không gian rộng lớn của hiện thực. Thiền định là cách tập cho chúng ta khám phá ra thật minh bạch cái trò vận hành của sự lầm lẫn, hầu giúp chúng ta nhận thấy là chúng ta đang tự trói buộc mình (vào ảo giác) như thế nào và cái không gian của sự giải thoát thì lại rạng rỡ biết bao.

Luyện tập thiền định không phải là cách trút bỏ tất cả những gì trong đầu mình mà đúng hơn là để giúp mình đối đầu với thực trạng của mình trong hiện tại (tức là tình trạng nô lệ bởi ảo giác). Thói thường chúng ta chỉ là những người dưng hoàn toàn xa lạ đối với chính mình. Chẳng những các cảm tính và phản ứng của chúng ta đôi khi có thể khiến cho chính chúng ta phải ngạc nhiên (không ngờ mình lại có thể suy nghĩ hay hành động như thế được) mà còn có thể làm cho chúng ta phải khiếp sợ nữa. Ta sống thế nhưng hình như là sự sống ấy đang được điều khiển bởi một con quái vật ẩn náu bên trong chúng ta.

Đối với Phật Giáo thì thật ra chẳng có con quái vật nào cả. Nói một cách chính xác hơn thì đấy cũng chẳng khác gì như một đứa bé khiếp sợ một con ngáo ộp thế thôi. Cứ bật đèn lên thì sẽ thấy ngay là chẳng có con thú hay người nào ẩn nấp dưới gầm giường cả. Sự chú tâm chính là cái ánh sáng giúp cho chúng ta hết sợ.

Nơi trọng tâm của con người luôn có một cái gì đó thật tốt (Phật tính). Chúng ta chỉ cần đón tiếp nó. Sự khám phá ấy thật kỳ thú. Nếu con người hòa nhập được với nó thì cả đám ma quỷ cũng sẽ mất hết khả năng gây ra những điều tệ hại. Thật ra thì cái đám ma quỷ ấy cũng chẳng phải là gì khác hơn là các thứ tư duy trong đầu của chính mình. Thật thế chúng nào có khác gì những bọt bong bóng đang lơ lửng, rồi đây chúng cũng sẽ phải vỡ tan để hóa thành một bầu không gian mở rộng. Sự giải thoát cũng chỉ là như thế.

8. Ngoài thiền định ra thì còn có phương cách nào khác giúp phát huy được sự chú tâm hay không? >>

Thiền định là con đường hoàng đạo. Chẳng những đấy là một phép tu tập vượt xa hơn các phép tu tập khác, mà còn là nơi hội tụ của mọi hình thức sinh hoạt. Nếu không thiền định thì chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ có dịp để mà tận hưởng được hương vị của sự chú tâm và của thực tại.

Nếu khám phá ra được nó thì trong từng khoảnh khắc một chúng ta cũng sẽ khám phá thấy là mình có thể duy trì thật vững chắc được sự chú tâm đó và nó sẽ giúp cho mình biết sống một cách sâu xa hơn.

Đối với một số học phái, thì nếu muốn thực hiện được điều ấy thì chỉ cần theo dõi trong đầu mình từng động tác thật nhỏ trên thân xác, chẳng hạn như duỗi hay co tay, cầm một cây bút chì, khép hay mở một cánh cửa, nâng một ly nước lên hay là đặt nó xuống. Tuy nhiên cũng còn có nhiều phương pháp và các phép luyện tập khác có thể giúp chúng ta quay về với thực tại.

9. Nếu nhất quyết bước vào con đường thiền định thì cần phải tránh các thứ trở ngại nào có thể xảy ra? >>

Không nên tìm cách chủ động thân xác mà chỉ cần hòa nhập với nó

Điều căn bản nhất trong phép thiền định là phải dựa vào thân xác như một cơ sở hầu giúp mình phát động sự luyện tập. Gồng mình thật cứng để cố bắt chước theo tư thế của một người hành thiền lão luyện thì thật là vô tích sự! Hãy chú tâm vào những gì mà bạn đang có - đấy chính là điểm tựa duy nhất của bạn.

Không nên cố gắng phát động sự chú tâm mà đơn giản là chỉ cần chú tâm thế thôi

Không phải là cứ gồng người lên là giải quyết được mọi thứ khó khăn. Chỉ cần hòa nhập vào chính sự chú tâm. Không nên ước mong thực hiện một thứ gì cả mà chỉ cần tiếp cận thật gần với những gì đang hiển hiện ra với mình.

Không nên sử dụng thiền định để biến sự cảm nhận của mình trở thành trống không mà chỉ nên dựa vào thiền định để ý thức được sự cảm nhận của chính mình

Nhiều người sử dụng thiền định để tìm cách tạo ra một thể dạng vắng lặng hầu giúp mình tự bảo vệ trước những gì thật nghiệt ngã phát sinh từ sự cảm nhận của chính mình. Đấy chẳng khác gì là cách biến việc luyện tập trở thành một công cụ giúp mình trốn chạy, nhằm thoát ra khỏi thế giới và để loại bỏ các thứ xúc cảm cũng như mọi khó khăn. Thật ra thì đấy chỉ là một thứ ngục tù kiên cố hay một hình thức tự trấn an nào đó mà thôi và tuyệt nhiên không phải là một bầu không gian rộng mở giúp mình tự biến cải trước những gì đang hiện hữu. Quả đúng là việc luyện tập có thể mang lại một sự vững tin nào đó thế nhưng nếu dựa vào đấy để mà tìm cách biến nó thành một thứ công cụ để tự phòng vệ trước mọi sự tấn công trong cuộc sống thì quả không đúng với ý nghĩa của thiền định.

Không nên đặt ra một mục đích để tìm cách đạt được nó cho bằng được, hoặc là mong cầu một thứ gì đó, đấy chỉ là những thứ chướng ngại ngăn chận mọi sự tiếp xúc với thực tại

Nếu bạn cố tìm cách đạt được bất cứ một thứ gì thì tức khắc việc luyện tập của bạn sẽ bị lệch lạc ngay, bởi vì bạn đã bắt đầu rơi ra bên ngoài cái sự thật trần trụi của những gì là như thế. Chính vì lý do đó mà con đường thiền định không hề có mục đích gì cả. Khi nào còn hướng vào một điểm đến và mong đợi sẽ đạt được điểm ấy thì khi đó chúng ta cũng sẽ quên mất con đường mà mình đang phải đi. Nếu giác ngộ là thực thể của thực tại thì việc mong cầu thực hiện được sự giác ngộ sẽ là một sự lạc hướng - bởi vì trong khi tìm kiếm sự giác ngộ thì ta sẽ không còn nghĩ đến những gì đang sẵn có ngay bên cạnh mình (người ta thường bảo rằng con đường thiền định thật ngắn, bởi vì chính nó đã là điểm đến, nếu hành thiền mà lại hướng vào một thứ gì khác bên ngoài cái thể dạng trần trụi của chính mình và của hiện thực chung quanh mình thì nhất định đấy sẽ là một sự lạc hướng hay là một cách đánh mất con đường).

Không nên bám víu vào sự thoải mái do việc luyện tập mang lại

Thay vì phải nhìn vào các biến động trong tâm thức đúng với cung cách hiển hiện của chúng thì chúng ta lại cứ nhắm vào những gì sẽ mang lại sự thoải mái cho mình. Nên hiểu rằng chủ đích cao quý nhất của thiền định là giúp chúng ta loại bỏ được thái độ chỉ biết tìm kiếm lạc thú và xa lánh khổ đau. Thiền định chính là cách giúp chúng ta khám phá ra cái thực tại đích thật vượt lên trên mọi sự diễn đạt (dù đấy là thích thú hay đớn đau).

10. Việc luyện tập thiền định có mang lại nguy cơ khiến chúng ta tự giam mình vào với chúng ta hay không? >>

Thực thi thiền định lắm khi cũng giống như là một cách tự khép mình và tự tách rời mình với thế giới và mọi người chung quanh mình. Vậy có phải đấy là cách chỉ biết "nhìn vào cái rốn của mình" và không cần đếm xỉa gì đến muôn ngàn chuyện khác đang xảy ra trong thế gian này hay không?

Sự thắc mắc đó cho thấy một sự mù tịt về ý nghĩa của con đường thiền quán. Sở dĩ sự thắc mắc ấy xảy ra là vì nền triết học Tây Phương chủ trương một sự đối nghịch giữa hai thể dạng năng động và bất động - sự năng động luôn được xem trọng và ngược lại thì sự bất động lại bị khinh thường.

Sự nhận định sai lầm đó sở dĩ xảy ra là vì cách phân biệt giữa năng động và bất động không được dựa vào các kinh nghiệm cảm nhận của từng cá thể trong cuộc sống (chỉ tìm cách phân biệt hai thể dạng năng động và bất động trên mặt lý thuyết và không nghĩ đến là sự "bất động" cũng biểu trưng cho một nghị lực thật lớn, thí dụ như thái độ "bất bạo động" đòi hỏi phải có một sức mạnh nội tâm thật lớn vượt lên trên sự thúc đẩy của các phản ứng "bạo động"). Giữ sự yên lặng thường cần đến rất nhiều nghị lực, nhiều hơn là cách nói ra bằng lời. Buông thả theo sự chi phối của các thứ xung năng luôn dễ dàng hơn là phải đương đầu với chúng (nên ghi nhớ là thiền định không mang tính cách thụ động mà đỏi hỏi một nghị lực rất lớn).

Thiền định giúp chúng ta phát huy thể dạng sẵn sàng để tiếp nhận. Người hành thiền nào có phải là một nhà tu khổ hạnh chỉ biết tìm cách rút lui khỏi sự sống. Thiền định mang lại cho chúng ta một sự cởi mở, và hơn thế nữa còn giúp chúng ta ứng xử một cách thích đáng nhất trước mọi cảnh huống xảy ra.

11. Vậy chúng ta có thể tự luyện tập thiền định một mình bằng cách học hỏi từ sách vở hay không? >>

Chúng ta có thể bắt đầu tập luyện ngay bằng cách dựa vào các lời chỉ dẫn trong một quyển sách đúng đắn, thế nhưng sau một thời gian thì cũng phải tìm một người khác giúp đỡ thêm cho mình (xin hiểu là tác giả tu tập theo Phật Giáo Tây Tạng). Sự truyền giới là những gì thật hết sức đơn giản, cách xa hàng nghìn dặm với những thứ ảo tưởng mang tính cách thần bí. Thế nhưng nếu không có sự truyền giới thì sẽ khó lòng có thể đáp ứng ước vọng chân thật của người xin thụ giới. (nhân câu phát biểu này của tác giả cũng xin mạn phép nêu lên một gợi ý nhỏ là chữ "Mật Tông" - tiếng Hán là "Mi Zong" - là một "sáng chế" sai lầm trong ngôn ngữ Trung Quốc nhằm chỉ định một học phái Phật Giáo là Tan-tra Thừa hay Kim Cương Thừa. Học phái này được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ V tại Ấn độ và sau đó thì bành trướng sang hầu hết các quốc gia khác tại Á Châu, do đó học phái này không nhất thiết chỉ phát triển ở Tây Tạng để có thể đồng hóa với "Phật Giáo Tây Tạng" hay là để gọi học phái ấy là "Mật Tông Tây Tạng". Truyền giới là một nghi thức tu tập khá đặc thù của toàn thể học phái này và không có gì là "bí mật" cả, đấy chỉ là một cách giúp tăng cường sức mạnh và quyết tâm trong lòng người tu tập. Tóm lại thiết nghĩ nên gọi học phái trên đây phát sinh từ Ấn Độ là "Tan-tra Thừa" hay "Kim Cương Thừa" thì có lẽ đúng hơn ).

Tiếc thay thời đại của chúng ta lại có khuynh hướng khinh thường phần nào tầm quan trọng và các nét tuyệt đẹp của nghi thức truyền giới, thế nhưng vào một lúc nào đó thì chúng ta cũng sẽ phải cần đến sự tương kết giữa hai con người (giữa thầy và đệ tử), đấy là cả một nhu cầu (nhằm mang lại tính cách thiêng liêng trong việc tu tập).

Sự truyền giới đó không phải là một sự trói buộc nhằm giam mình trong một mối tương giao hạn hẹp với một người khác, mà đúng hơn là để kết nối giữa người tu tập với một dòng truyền thụ tâm linh. Những gì được truyền thụ không thuộc của ai cả, cũng không phải là một sự sáng tạo của một người nào cả (thụ giới không có nghĩa là nô lệ cho một dòng truyền thừa, một nghi thức hay một con người nào cả).

Nhiều người đã sáng chế ra nhiều thứ kỹ thuật tập luyện thật hiệu quả giúp vào việc cải biến mang tính cách cá nhân. Thế nhưng phải hiểu rằng thiền định không mang một mục đích như thế. Thiền định là cách giúp chúng ta đến gần với Đức Phật, với cội nguồn giáo lý của Ngài.

Hơn nữa và cũng là một điều thật hệ trọng là dù cho sự luyện tập có vô cùng đơn giản đi nữa thì cũng thật hết sức cần thiết phải bàn luận với một người đã đạt được nhiều kinh nghiệm đích thật. Chúng ta cần phải được hướng dẫn trên con đường nhằm giúp mình có thể khám phá ra tất cả sự phong phú của nó (tức là thừa hưởng được kinh nghiệm của một người lão luyện, tiếc thay tìm được một vị thầy chân chính và đầy đủ khả năng để huớng dẫn mình thì quả thật là khó trong hoàn cảnh hiện nay. Do đó nếu không tìm được một vị thầy như mong muốn thì tốt hơn tự mình phải cố gắng thật nhiều, và thật nhiều trước đã).

12. Tại sao thiền định lại cần thiết cho sự sống đến thế? >>

Thật sự ra trên một khía cạnh nào đó thì chẳng có gì có thể gọi là tuyệt đối cần thiết cả và mỗi người đều có thể chọn cho mình một cuộc sống riêng tư. Thế nhưng cũng có nhiều người, trong số này có thể kể ra trường hợp của nhà điêu khắc Brancusi (một điêu khắc gia người Pháp gốc Ru-ma-ni, 1876-1957, là một trong những nhà điêu khắc lừng danh nhất trong thế kỷ XX), các người này nhất quyết xem Phật Giáo là lẽ sống của đời họ, dù rằng họ không hề tự nhận mình là một Phật Tử trung kiên.

Dù sao thì đối với phần đông chúng ta (tức là những người Phật Giáo) nếu những ai không hề biết đến việc luyện tập thiền định là gì thì quả thật hết sức khó cho họ để có thể tìm thấy được hương vị trong những lời giáo huấn của Đức Phật (dù có hiểu được bằng lý thuyết thật đúng đắn giáo lý Phật Giáo đi nữa thì cũng ví như chỉ nhìn thấy một đĩa thức ăn "thơm ngon" bằng tranh vẽ hay bằng hình chụp thế thôi. Chỉ khi nào biết tréo chân ngồi xuống để mở rộng sự cảm nhận của mình hầu giúp mình hòa nhập với hiện thực thì khi đó cái hương vị ngọt ngào và các ý nghĩa sâu sắc thoát ra từ những lời chỉ dạy của Đức Phật mới có thể tỏa rộng trong tâm hồn mình được). Thật thế, mỗi người trong chúng ta đều có những lúc có thể phát lộ được một sự chú tâm cao độ giúp mình chợt thấy một vài kinh nghiệm cảm nhận nào đó. Các kinh nghiệm ấy hiển hiện ra với mình và mang lại cho mình một chút thư giãn. Thí dụ như khi ta tắm với một vòi nước hoa sen chẳng hạn, ta chú tâm vào các tia nước đổ xuống và chảy dài trên thân thể mình. Thay vì nghĩ đến những gì sẽ phải làm trong ngày hôm ấy thì ta cứ để cho các tia nước mang lại sự thoải mái cho mình. Phép luyện tập thiền định thật ra thì cũng chỉ là một phương tiện giúp chúng ta làm hiển hiện ra cái thể dạng là như thế, một thể dạng giúp chúng ta hoàn toàn hòa nhập vào những gì mà chúng ta đang làm với một tâm thức thanh thản và một con tim mở rộng. Sự luyện tập ấy chẳng mang tặng cho chúng ta một thứ gì đặc biệt cả. Nó cũng chẳng gợi lên cho chúng ta một thể dạng kỳ thú nào cả.

Thế nhưng nếu không có nó thì quả là hết sức khó cho chúng ta bước đi một cách vững chắc trên con đường hướng về giác ngộ. Chúng ta sẽ cứ mãi bị chi phối bởi các cảnh huống đang xảy ra. Thiền định giúp chúng ta tiếp nhận trực tiếp được tất cả sự trong sáng hiển hiện ra một cách đột khởi từ sự chú tâm, nhằm giúp chúng ta biết tự trau dồi lấy mình và biến cải thể dạng mà chúng ta đang hiện có, cũng như giúp chúng ta đối đầu với bất cứ một cảnh huống nào có thể xảy ra với mình.

Đấy là các lý do giải thích tại sao thiền định lại cần thiết đến thế. Nó giúp chúng ta hiểu được con đường của sự chú tâm là gì và cách biến sự chú tâm ấy thành một con đường.

13. Nên luyện tập thiền định một mình hay chung với một nhóm đông? >>

Việc luyện tập thiền định liên quan đến các cảm nhận mang tính cách cá nhân. Trên một khía cạnh nào đó thì đấy là những gì thật hết sức đơn giản, cũng chẳng khác gì tắm rửa vào buổi sáng khi thức dậy.

Đấy chẳng qua cũng tương tự như cất lời chào nhau vào buổi sáng và sẵn sàng đón chào sự sống trước mặt. Sự hòa nhập ấy thật đơn giản. Sau khi tắm mát xong thì cứ tréo chân lại và ngồi lên tọa cụ (cách luyện tập một mình). Cứ để cho sự tinh khiết chuyển động một cách tự nhiên chung quanh ta.

Dù sao thì cách luyện tập chung với một nhóm nhiều người vẫn có thể giúp mình đi xa hơn (nhờ vào sự trợ lực). Luyện tập chung thường giúp mình thiền định được lâu hơn so với những lúc luyện tập một mình. Thí dụ như trong trường hợp đang luyện tập chung với nhiều người khác và mình cảm thấy không thể tiếp tục lâu hơn được nữa và cứ muốn đứng lên, thế nhưng nếu trông thấy các người khác vẫn còn ngồi im thì mình cũng sẽ phải cố gắng ngồi lại. Đấy cũng là một cách nỗ lực tập thể nhằm giúp tất cả mọi người vượt xa hơn các giới hạn đã được định trước, tức có nghĩa là mọi người đều có thể ngồi được lâu hơn thời gian quy định mà mình không hề hay biết.

Thật thế luyện tập thiền định không phải là chỉ luyện tập cho riêng mình và vì mình. Chúng ta hiến dâng sự luyện tập của mình cho người khác và đấy cũng là cách biến nó trở thành một viên bảo châu (không nên giữ những gì mà mình thực hiện được mà nên hồi hướng cho người khác).

14. Nên kéo dài một buổi luyện tập trong bao lâu? >>

Còn tùy vào hoàn cảnh của từng người - rảnh rỗi nhiều hay ít hoặc có những lúc quá bận rộn vì nhiều việc xảy đến. Có lúc tôi luyện tập thật chuyên cần và đều đặn mỗi ngày, thế nhưng cũng có khi thì kém hơn.

Nếu thực lòng muốn luyện tập thì cũng nên thiền định ít nhất là hai mươi phút mỗi ngày. Tôi vẫn thường khuyên các người tu học với tôi nên luyện tập độ bốn mươi lăm phút mỗi lần. Giữ được như thế sẽ giúp cho thân xác, hơi thở và tâm thức của mình có đủ thời giờ để trở nên vững vàng hơn. Trong ngày hôm đó mọi sự xảy đến với mình sẽ diễn tiến khác hẳn đi (ta sẽ có nhiều khả năng hơn để chủ động các biến cố xảy ra và biến cải chúng trở thành tốt đẹp hơn, hay ít ra cũng không để cho chúng chỉ huy mình qua các phản ứng tự động và máy móc của mình). Nếu chúng ta luyện tập sự chú tâm thật đều đặn thì sự chú tâm cũng sẽ trung thành với mình và thường xuyên nhắc nhở mình.

Trước khi khởi sự một buổi ngồi thiền thì cũng nên định trước là mình sẽ ngồi trong bao lâu. Sau đó thì phải cố gắng giữ đúng như thế, điều này thật quan trọng.

Tốt nhất là nên ngồi thiền vào buổi sáng khi vừa thức dậy, tức là trước khi bắt tay vào công việc thường nhật, đấy là lúc thuận lợi nhất. Nên tìm một chỗ yên tịnh không bị ai quấy rầy.

Tuy nhiên nếu muốn tiến bộ nhanh hơn thì ngoài những buổi ngồi thiền hằng ngày ra thỉnh thoảng cũng nên tham dự các dịp ẩn cư kéo dài nhiều ngày và đặc biệt chỉ dành riêng cho việc tập luyện thiền định. Trong các dịp như thế chúng ta sẽ có cơ hội tìm trở lại dễ dàng hơn tâm trạng của một người hành thiền khi mới tập tành, tương tự như được uống một ngụm nước tuôn ra từ cội nguồn của một con suối mát.

15. Sau khi hành thiền xong thì phải hành xử như thế nào trong cuộc sống hằng ngày? >>

Hành thiền trong tư thế ngồi yên chỉ có thể hàm chứa một ý nghĩa đích thật khi nào nó có thể mang lại cho chúng ta một sự cảnh giác cao độ giúp chúng ta biến cải được những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Nói cách khác, thiền định bằng cách ngồi yên phải đi đôi với thiền định bằng hành động. Đấy chính là cách làm phát sinh ra "đạo đức" Phật Giáo (chuyển các kết quả thiền định mà mình gặt hái được thành những hành động mang lại sự thân thiện, lợi ích và an vui cho những người chung quanh).

Hành thiền bằng cách ngồi yên sẽ giúp cho sự chú tâm trở nên linh hoạt hơn và vững vàng hơn. Nhờ đó chúng ta sẽ ý thức được một cách minh bạch hơn từng hành động của chính mình.

Chúng ta cũng sẽ khám phá ra phẩm tính cao độ của sự yên lặng giúp chúng ta tìm thấy sự hăng say và mối tương giao thật sinh động giữa chúng ta và bầu không gian mở rộng. Triết gia Soren Kierkegaard (1813-1855, là nhà thần học và triết gia người Đan Mạch, chủ trương thuyết hiện sinh - existentialism) cho rằng: "Sự sống và cả thế giới theo cách nhìn của chúng ta đều lâm vào một cơn bệnh thật ngặt nghèo. Nếu như tôi là một vị bác sĩ và nếu có ai hỏi tôi nghĩ gì về con người thì tôi sẽ bảo với người ấy rằng: "Hãy câm ngay đi! Để tôi kê cho một toa thuốc về sự yên lặng".

Thiền định là một ngành y học thần kỳ. Nó mang lại cho chúng ta sự yên lặng ấy, một sự yên lặng thật cần thiết cho mỗi con người trong chúng ta.

Nhiều vị thầy khuyên chúng ta cứ mỗi giờ thì nên dành ra một phút yên lặng. Cứ đúng mỗi giờ thì ta dừng lại và giữ nguyên tư thế của mình vào lúc ấy, dù là đang ngồi, đang đứng hay đang nằm. Ta cứ thản nhiên làm những gì mà mình cần phải làm trong suốt năm mươi chín phút trước đó, thế nhưng đến cái phút sau cùng của mỗi giờ thì nên dừng lại để thiền định. Chúng ta có thể vặn chiếc đồng đồ để báo cho chúng ta cái phút ấy.

Khi nghe tiếng reo của chiếc đồng hồ thì hãy nên hướng tâm thức vào hơi thở của mình. Chú tâm theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra.


Nào có nghĩa lý gì một phút trôi qua, thế nhưng cũng chỉ cần một phút thôi cũng đủ để giúp chúng ta tận hưởng những gì mang lại từ tâm thức và con tim của mình khi chúng kết hợp với nhau để cùng hướng vào không gian đang mở rộng. (Trong trường hợp không thể thiền định đều đặn một phút trong mỗi giờ thì cũng nên tự nhắc nhở mình cái phút yên lặng thật cần thiết ấy khi nào cảm thấy tâm thức mình bị dao động, bồn chồn, lo âu, tức giận, sợ hãi, hay chợt nhận thấy là mình đang cười nói huyên thiên mà không chủ động được. Những lúc ấy hãy nên cố gắng quay nhìn vào hơi thở của mình, theo dõi từng hơi thở vào và từng hơi thở ra..., sau một phút thì tự nhiên các xúc cảm bấn loạn trên đây cũng sẽ lắng bớt xuống ngay. Dù đấy không phải là một hình thức thiền định đúng nghĩa của nó, thế nhưng cũng là một liều thuốc chữa chạy tạm thời giúp cho "cơn đau" đang hành hạ mình nhẹ bớt đi).



B. Thiền Định Hô Hấp

1. Pháp niệm hơi thở (Anapanasati) >>

Phương pháp thiền hô hấp (anapanasati) là chú tâm vào hơi thở. 

“Ana” nghĩa là “hít vào”

“Pana” nghĩa là “thở ra”

“Sati” nghĩa là “hợp nhất”

Đức Phật Thích Ca đã hướng dẫn phương pháp Thiền định này từ cách đây hàng ngàn năm. Chúng ta đều 

thở nhưng chúng ta thở một cách không có ý thức. Trong Anapanasati, bạn cần giữ toàn bộ sự chú ý và ý thức của mình về với hơi thở tự nhiên. Hít thở nhẹ nhàng. Việc phải làm là tỉnh thức quan sát hơi thở. Hơi thở phải thực sự tự nhiên. Xin đừng cố ý hít thở, đừng cố ý giữ hơi thở hoặc dừng hơi thở. Bất cứ khi nào tâm trí suy nghĩ, bạn hãy dừng suy nghĩ lại  bằng cách quay về dõi theo nhịp điệu êm dịu tự nhiên của hơi thở. Thư giãn và chỉ quan sát.

Khi thực hành “Anapanasati”, chúng ta đồng thời làm 2 việc: quan sát hơi thở tự nhiên và gia tăng sự tỉnh thức để phát triển ý thức. Trạng thái tỉnh thức với hơi thở có nghĩa là không có suy nghĩ trong tâm trí. Suy nghĩ làm rối loạn và phân tán năng lượng của chúng ta. Suy nghĩ phải được dừng lại ngay khi chúng vửa bắt đầu. Quan sát có nghĩa là không tác động lên hơi thở băng các giác quan vật lý, chúng ta chỉ quan sát nó.

Patriji đã làm sáng tỏ, khi năng lượng của Linh hồn bị hao mòn bởi những suy nghĩ liên tục không ngừng nghỉ, cơ thể vật lý sẽ trở nên yếu đuối và dễ bị tấn công bởi các tác động bên ngoài. Điều này tạo ra các loại bệnh tật, già trước tuổi và chết sớm. Một tâm trí không ngừng nghỉ là kết quả khi bạn không chăm sóc cho tâm trí. Giống như một cánh đồng không được chăm sóc và cỏ dại mọc đầy, một tâm trí không được chăm sóc sẽ tràn ngập những suy nghĩ không cần thiết. Với Thiền định, ban đầu là làm cho tâm trí được bình an. Dần dần, một trạng thái thư giãn sâu sẽ xảy ra. Khi tâm trí dừng lại, nguồn năng lượng vũ trụ to lớn sẽ đi vào cơ thể. Khi Thiền định, các trải nghiệm mới sẽ tràn về và chúng ta kết nối lại với sự 

Tỉnh thức Vũ trụ. Mở ra một thế giới cần được khám phá. Bạn càng cố gắng, càng dễ dàng ý thức được điều này.

Mọi người không cần phải đến bất kỳ nơi nào và cũng không phải tuân theo bất kỳ quy tắc, nghĩa vụ nào để trở thành một người thực hành phương pháp Anapanasati. Chúng ta có thể tiếp tục cuộc sống bình thường và chứng nghiệm sức mạnh của Thiền định sẽ thay đổi chúng ta trên mọi phương diện của cuộc sống một cách tích cực nhất. Khi mới bắt đầu, sẽ tốt hơn nếu Thiền định với một Vị thầy kinh nghiệm. Họ có mức năng lượng cao hơn và nguồn năng lượng của họ sẽ ảnh hưởng lên người mới bắt đầu Thiền định với mức năng lượng thấp hơn. Một khi bạn đã biết được phương pháp, không cần thiết phải có Minh sư hay vị thầy cụ thể nào. Chúng ta có thể thực hành  bằng chính cố gắng của bản thân. Không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào cả. Chúng ta có thể đánh giá quá trình thực hành bằng cách chia sẻ những trải nghiệm với những Vị thầy kinh nghiệm. Tất cả mọi người đều có thể nhận được những lợi ích từ nghệ thuật cổ xưa này.

Thiền định là món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể mang lại cho cuộc sống bằng chính sự cố gắng của bản thân. “Sức khỏe Tâm linh” là phần cực kỳ quan trọng của sức khỏe toàn diện trong đời sống con người. “Thiền định Anapanasati” chắc chắn mang lại điều đó. Như vậy, “Sức khỏe Tâm linh” là gốc rễ và “Sức khỏe Vật lý” là quả ngọt. Thông qua Thiền định, con người có thể thấu hiểu được ý nghĩa của bệnh tật vật lý mà họ trải nghiệm. 

Đức Phật nói: Dõi theo hơi thở một cách có ý thức và bạn sẽ tạo ra một trung tâm của ý thức bên trong bạn và cả cơ thể bạn trở thành một Vũ trụ!

“Khi chúng ta dõi theo hơi thở, tâm trí sẽ trở nên gần như trống rỗng. Và, một nguồn năng lượng vũ trụ to lớn sẽ tràn vào cơ thể. Dần dần, con mắt thứ 3 sẽ được khai mở. Các trải nghiệm của sự tỉnh thức toàn thể vũ trụ sẽ đến”

2. Thiền Kim Tự Tháp >>

Thiền định ở bên trong hoặc bên dưới một Kim Tự Tháp gọi là Thiền Kim Tự Tháp. Hầu hết mọi người đều cảm nhận được sự tĩnh tại và bình an khi Thiền định bên trọng Kim Tự Tháp.

Hầu hết mọi người đã Thiền định dưới Kim Tự Tháp đều trải nghiệm trạng thái cơ thể thư giãn hoàn toàn bằng cách dừng suy nghĩ và sự liên hệ với các tác nhân bên ngoài.Cuối cùng, họ đạt được các trạng thái tỉnh thức khác nhau cho phép tập trung thật sâu, thật sâu vào bên trong. Các thí nghiệm với các Kim Tự 

Tháp tự chế mang lại hiệu quả trong việc bảo quản, chữa lành và tạo ra các trải nghiệm vượt ra ngoài cơ thể. 

Kim  Tự Tháp là một cấu trúc bền vững, thu giữ được nhiều nhất năng lượng Vũ trụ trên Trái đất. Khi Kim Tự Tháp được xây dựng tương tự như những Kim Tự Tháp vĩ đại ở Ai Cập (góc đáy 52 độ 51 phút, các mặt bên theo 4 hướng), chúng sẽ nhận được nhiều nhất năng lượng vũ trụ. Các Kim Tự Tháp được xây dựng để lưu giữ nguồn năng lượng vũ trụ. Người Ai Cập cổ đại đã biết được nguyên lý này và bắt đầu xây dựng các Kim Tự Tháp cách đây 10.000 năm. Sức mạnh của Kim Tự Tháp được tạo ra nhờ sự kết hợp của năng lượng Vũ trụ và sức hút của Trái đất.

Một Kim Tự Tháp nên được đặt các mặt đối diện theo 4 hướng – Đông, Tây, Nam, Bắc. Năng lượng Vũ trụ tập trung nhiều nhất ở vị trí 1/3 chiều cao, tính từ đáy của Kim Tự Tháp. Vị trí này được gọi là King’s Chamber (tạm dịch là Ngự cung) – Lần đầu tiên, King’s Chamber được xây dựng trong đại Kim Tự Tháp Phật Pháp (Maitreya Buddha Pyramid) được xây dựng tại Thung lũng Kim Tự Tháp, Bangalore, Ấn Độ.

Kim Tự Tháp là khối hình học khuếch đại năng lượng. Khi một vật được đặt bên trong Kim Tự Tháp, các thông tin mà nó nhận được sẽ được khuếch đại và mạnh mẽ hơn. Tần số này sẽ tăng điện tích và xạc năng lượng cho chúng. Tất cả mọi thứ đặt trong Kim Tự Tháp đều được như vậy. Kim Tự Tháp làm cho mọi thứ quay về với căn nguyên của chính bản thân nó, làm cho mọi thứ trở nên hoàn hảo.

Thiền định Kim Tự Tháp nhận được nguồn năng lượng gấp 3 lần so với Thiền định thông thường.

Kim Tự Tháp mang lại môi trường năng lượng cao nhất, hiệu quả nhất cho người mới bắt đầu. Kim Tự Tháp giúp giảm stress và bệnh tật trong cơ thể vật lý. Trải nghiệm vượt khỏi cơ thể sẽ dễ dàng đạt được hơn khi Thiền định bên trong Kim Tự Tháp. Giấc mơ trở nên rõ ràng và mọi công việc thường ngày được giải quyết một cách chất lượng.

Thiền định dưới Kim Tự Tháp có thể đẩy nhanh quá trình thực hành, mang lại trạng thái an lạc, vui vẻ và thái độ cởi mở, tích cực. Rất nhiều người đã nhớ lại được nhiều sự việc trong ký ức, nhìn thấy các kiếp sống trước, giao tiếp từ xa và mở rộng ý thức.

Với Thiền định, con người đạt đến một mức độ mới của nhận thức giúp thấu hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trong mối quan hệ với mọi người và với toàn thể vũ trụ.

Phong trào Thiền định Kim Tự Tháp (PSSM) là tổ chức phi tôn giáo, phi lợi nhuận với sứ mạng phổ cập Thiền định Anapanasati, Chủ nghĩa Ăn thực vật và Năng lượng Kim Tự Tháp đến tất cả mọi người


Phong trào Thiền định Kim Tự Tháp được sáng lập bởi vị thầy giác ngộ Minh sư Patriji vào năm 1990 với mục tiêu mang thông điệp về cuộc sống tâm linh thịnh vượng và những lợi ích vô cùng dễ dàng đạt được cho tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, tôn giáo hay lãnh thổ. Bắt đầu từ một cộng đồng nhỏ mang tên "The Kurnool Spiritual Society" vào năm 1990, Thiền Kim Tự Tháp hiện nay đã phát triển trên toàn lãnh thổ Ấn Độ và rất nhiều quốc gia khác như New Zealand, Úc, Mỹ, Anh, Singapore, Malaysia, UAE, Srilanka, Việt Nam...

Mang kiến thức Thiền định đến cho tất cả mọi người

• Tổ chức hằng trăm ngàn các lớp miễn phí và các hội thảo về Thiền định. Vị thầy Kim Tự Tháp không bao giờ thu phí
• Hơn 30,000 ngôi làng và các thị trấn, thành phố có được kiến thức về Thiền định 
• Tổ chức trên 75 lần các buổi Thiền định lớn và liên tục trong nhiều ngày tại Ấn Độ
• Tổ chức Global Congress of Spiritual Scientists, là sự kiện với sự có mặt của rất nhiều bậc thầy Tâm linh và các nhà khoa học tâm thức trên toàn thê giới từ năm 2008

Xuất bản các tài liệu

•In và phát miễn phí hàng trăm triệu các tài liệu về khoa học Tâm thức dưới dạng sách nhỏ, tờ rời và Poster
•Phát hành hơn 100 cuốn sách, băng đĩa về Tâm linh được sáng tác bởi Minh sư Patriji và các bậc thầy khác
• Biên dịch hơn 50 cuốn sách của các bậc thầy Tâm linh sang tiếng Ấn Độ
•Xuất bản hàng tháng các tập chí bằng tiếng Anh, Ấn và nhiều ngôn ngữ khác

Thành lập các trung tâm nghiên cứu Thiền định và Khoa học Tâm thức

• Thành lập trên 10.000 các trung tâm khoa học Kim Tự Tháp trên toàn thế giới 
• Thành lập trên 50 Kim Tự Tháp khổng lồ và trên 10.000 Kim Tự Tháp nhỏ trên toàn Ấn Độ - http://pyramidseverywhere.org/
• Thành lập Thung lũng Nghiên cứu Thiền định Thế giới tại Bangalore
• Thành lập 3 Trung tâm nghiên cứu Tâm linh khác tại Hyderabad, Pune và Kurnool

Thành lập các nhóm và cộng đồng xã hội Thiền định

• Thành lập các nhóm thầy Kim Tự Tháp trẻ tuổi giảng dạy Thiền định tại các ngôi trường và cho các em học sinh
• Thành lập hiệp hội các bác sỹ Kim Tự Tháp với hơn 50 bác sỹ với những trung tâm chữa trị với phương pháp cơ bản là Thiền định
• Thành lập hiệp hội các nhà khoa học Tâm thức Ân Độ – Một tổ chức với toàn bộ năng lượng của các bậc thầy và nhà khoa học Kim Tự Tháp
• PSSM - Một trong những tổ chức phòng trào Thiền định thời đại mới đầu tiên trên toàn thế giới

Phong trào Thiền định cho tất cả mọi người

 Phong trào Thiền định Kim Tự Tháp (PSSM) mong muốn mang thông điệp Khoa học Thiền định đến tất cả trường học, cao đẳng, đại học và tất cả mọi nhà .. tất cả mọi người .. cho người bình thường, người nghèo, người giàu .. cho chính bạn và cho mọi người xung quanh bạn. 

Hàng trăm ngàn vị thầy Kim Tự Tháp đang làm những công việc tuyệt vời nhất tại Ấn Độ và trên toàn thế giới. Và, mỗi ngày lại có thêm thật nhiều các vị thầy Kim Tự Tháp nữa.

tham khảo thêm và đăng ký học Thiền Kim Tự Tháp tại: http://www.kimtuthap.org/




























Tags:

Written by

But nevemind.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
@2015 | Designed by SuperDoctor