Yoga Health & Wellness

Share & Comment


Giới thiệu

Khóa học cung cấp cho người nghiên cứu những thông tin về yoga và cơ hội tham gia một cộng đồng cùng tập yoga với hàng ngàn video clip hướng dẫn từ các bậc thầy yoga trên thế giới.


Phần 1: Ý nghĩa và lịch sử của Yoga

Yoga theo tiếng Phạn và tiếng Tạng có 2 nghĩa được công nhận. Một nghĩa là “tam muội”, là suy ngẫm hay xuất thần. Một nghĩa khác là “kết nối và hợp nhất”. Nó còn có một nghĩa ít dùng hơn nữa là “cái ách” hay “cái dàm mõm ngựa” để ổn định tâm bằng cách tập trung tư tưởng. 

Tác giả có uy tín lớn nhất là Pantajali, trong quyển sách cách ngôn của ông viết từ thế kỷ thứ 2 hay thứ 3 TCN đã định nghĩa: “Yoga có nghĩa là sự kìm hãm những làn sóng dao động của tinh thần… Lúc đó chính là sự tâm thức ở bên trong của mình. Những lúc khác, tâm thức lại chạy theo hình dạng của những làn sóng dao động của tinh thần”.

Yoga được coi như một pháp môn ứng dụng của các tôn giáo như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo, Đạo giáo, và ở một mức độ khác, nó đã nuôi dưỡng sự phát triển của Bái Hỏa giáo và có ảnh hưởng quan trọng đến hình thái của 3 tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo… Thậm chí, nó còn đóng vai trò quan trọng trong các tín ngưỡng phù thủy và thờ linh hồn của những tộc người cổ xưa.

Lịch sử của sinh hoạt tu sĩ ở phương Tây và phương Đông không tách rời lịch sử của Yoga. Khi những người Kito giáo đầu tiên, sống trong sa mạc vùng núi Ai Cập và Cận Đông, hoặc riêng lẻ thành tập đoàn và tuân theo 3 điều nguyện là nghèo khổ, thanh tịnh và nhẫn nhục, họ đã ghép vào cái cây đức tin Kito giáo một dạng Yoga mà hình như có nguồn gốc từ tu viện cổ của Ai Cập. 

Ngày nay trong các nhà thờ La Mã, Hy Lạp, các nhà thờ Anh giáo và Tin Lành, các bài tập yoga xuất phát từ nguồn gốc trước Kito có tầm quan trọng lớn. Trong tất cả các dòng tu Kito giáo, đặc biệt ở dòng Tên, các nguyên tắc chỉ đạo việc huấn luyện tâm linh cho các tu sĩ đều dựa trên Yoga. Đặc biệt dòng tu Hồi giáo Sufi và Hồi giáo Derviches cũng đều nhấn mạnh đến luật thân thể, trí tuệ và tâm linh bằng phương pháp Yoga. 

Trong chủ nghĩa tượng trưng huyền bí của các nhà thơ Ba Tư thuộc trường phái Omar Khayyam, cũng như chủ nghĩa nhục dục huyền bí được giảng dạy trong các tu viện Kito giáo, yoga xuất hiện dưới khía cạnh đặc biệt của Bhakti Yoga. Giới tư tế ở Ireland và nước Anh trong sinh hoạt tu sĩ đã có kèm theo các bài tập yoga dường như được xác lập từ lâu trước thời kỳ thánh Patrick và thánh Columba. Các tu sĩ Odin và Mithras và nhiều nhân vật văn hóa vô danh của thời kỳ Aurignaceene và Magdaleenne đã để lại những gợi ý về tôn giáo thần bí của họ được vẽ trên vách các hang động Tây Ban Nha.

Đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc của Yoga, tuy nhiên, cho dù có gốc địa phương hay thông qua người Phenician, dù đó là từ Ấn Độ hay Ai Cập hay do ảnh hưởng của Atlantic nơi các thần thoại xưa liên quan đến thế giới phương Tây thì ta đều có thể khẳng định rằng Yoga với ý nghĩa là “Kết nối và hợp nhất” tồn tại ở nhiều dạng tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, tùy theo thuộc tính của từng vùng mà có những sự biến chuyển để thích hợp.



Phần 2: Những con đường của Yoga

A. Cấp độ 1: Hatha Yoga và Laya Yoga 

1. Hatha Yoga >>

Nghĩa thông thường là sức khỏe. Nghĩa sâu sắc hơn: “Ha” có nghĩa là mặt trời, “tha” có nghĩa là mặt trăng, nên pháp môn này có thể hiểu là Yoga Âm Dương. Pháp môn này dùng quyền năng của mặt trời theo phương pháp hít dương khí vào lỗ mũi bên phải và dùng quyền năng của mặt trăng bằng cách hít âm khí vào lỗi mũi bên trái. Nếu người ta thêm chữ “yoga” có nghĩa là “kết nối” thì Hatha Yoga có nghĩa là nối liền dương khí với âm khí trong người.

Cuốn kinh “Raja Yoga Sutras” đã trình bày rõ ràng rằng, luồng sinh khí prana của vũ trụ được đưa vào trong thân người bằng cách điều khiển và kiểm soát hơi thở chỉ là bước đầu dẫn đến những bài tập cao cấp hơn. Luyện tập Hatha Yoga giúp con người có sức sống dồi dào, ý chí cương quyết và là bước chuẩn bị thanh lọc cần thiết cho sự giác ngộ tâm linh. Tuy nhiên, nếu Hatha Yoga tách rời khỏi những hiểu biết tâm linh, sẽ biến thành trở ngại hơn là giúp đỡ cho hành giả trên đường tu đạo.

Một yogi (người tập luyện yoga) muốn đi đến đỉnh cao phải qua ngưỡng cửa này. Ai muốn sống hoàn hảo trong cuộc đời với mọi chu toàn bổn phận thì đây là đường đi lí tưởng nhất. Gọi Hatha yoga là dưỡng sinh tức là đánh thấp giá trị của nó vì trong Hatha yoga có các môn khác và trong các môn khác đều có Hatha yoga.

2. Laya Yoga >>

“Laya” có nghĩa là kiểm soát tâm trí, phần này chuyên chú về dạy điều tâm và đặc biệt sử dụng quyền năng của ý chí. 

Với khái niệm rằng, năng lực tâm linh của con người nằm co lại như một con rắn lửa ở dưới cột xương sống của mỗi người, hệ phái này đưa ra những phép tu luyện để đánh thức năng lực. Qua quá trình tu tập, con rắn này vươn lên, đi qua sáu luân xa, nôm na là "bánh xe" nằm ở cột sống, đến xa luân thứ 7 nằm trên đỉnh đầu, là hoa sen 1000 cánh, được xem là trú xứ của Thấp-bà. Hành giả hoà nhập với Thấp-bà, đạt Tam-ma-địa, phát triển trọn vẹn năng lực tâm linh và đạt giải thoát. Đối với những minh sư Ấn Độ, các môn yoga là những bậc thang trên con đường tiến hóa.

Laya Yoga cũng như Hatha Yoga chỉ là sự chuẩn bị. Nhiều Yogi đạt được trạng thái ngừng hoạt động và xuất thần, thường bị nhầm lẫn với sự giác ngộ tâm linh cao và dễ bị ám ảnh và rơi vào ảo tưởng. Tuy nhiên cả hai pháp môn này đều hỗ trợ rất lớn cho các yogi có bản lĩnh và sẵn sàng tận dụng chúng.

Laya yoga chỉ được truyền dạy sau khi dạy cách điều tức hay dạy Hatha yoga. Laya chia làm 4 pháp môn nhỏ, tùy theo cách thức tập để yogi có quyền năng điều khiển tâm trí:

Bhakati Yoga và Sakti Yoga

Bhakati có nghĩa là tập trung tư tưởng vào một điểm duy nhất. Xét về mặt tâm lý thì Bhakati yoga là sự kết nối toàn bộ với tình yêu thương. Nhiều Yogi sử dụng Bhakati khi cầu nguyện phải quán tưởng các vị thiên thần, sư tổ với một ý niệm tôn kính các ngài trong tình yêu bao la.

Sakti có nghĩa là tập trung tư tưởng vào quyền năng thiêng liêng được hình dung dưới khía cạnh âm tính của những lực tâm linh bao trùm khắp vũ trụ. Còn khía cạnh dương được nhân cách hóa bởi nửa nam của vị thần lưỡng tính.

Đạo lý Bhakti Yoga phù hợp với những người có bản chất giàu tình cảm. Và bởi vì con người ta không thể kiềm chế mãi tình cảm, Bhakti Yoga truyền đạt những kỹ thuật để tình cảm của hành giả được thăng hoa. Bằng nhiều cách thức tu hành, như tụng kinh, cầu nguyện và trì tụng mật chú, năng lượng cảm xúc của hành giả được chuyển thành sự hiến dâng, những tình cảm hỷ nộ ái ố được hướng theo một hướng khác tích cực hơn. Cảm xúc yêu thương cũng trở nên trong sáng, thánh thiện. Người theo đạo lý Bhakti Yoga thấy Đấng Toàn Năng Ishvara ở khắp mọi nơi.

Tư thế cầu nguyện: Namaskar (hay còn gọi là tư thế Cầu Nguyện) hướng tới việc hợp nhất linh hồn hành giả với linh hồn của đấng tối cao. Triết lý hợp nhất với đấng thiêng liêng qua sự thành tâm, dâng hiến hay Bhakti có thể tìm thấy ở tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới. (Namaste: lời chào ở Ấn Độ)

Qua lòng thành cầu nguyện, thờ phụng và các nghi lễ, Bhakti Yogi trong tâm tự dâng hiến mình cho Đấng Tối Cao, mở tâm và chuyển hoá những cảm xúc thành tình yêu thương tật cả chúng sanh và vạn vật một cách không điều kiện. Niệm ca hay hát mantras tiếng Phạn là một hình thức thực tập của Bhakti Yoga.

Mantra yoga và Yantra Yoga

Mantra Yoga là cách sử dụng những thần chú gồm những chữ và những âm có quyền năng thần bí mà yogi dùng để xác lập mối liên hệ thần giao cách cảm một cách mật thiết với các vị thần.

Yantra yoga thì yogi dùng những biểu đồ hình học có ý nghĩa huyền bí. Mundra yoga với vài chú thích đã trình bày trong Tử Thư có thể coi là một nhánh của Yantra và nó dựa trên việc sử dụng bằng yoga những dấu hiệu huyền bí. Các dấu hiệu này thường được phát ra bằng những cử động của bàn tay, của toàn thân và ở một trình độ thấp hơn thì bằng những biểu tượng huyền bí ít nhiều có tính cách hình học.

B. Cấp độ 2: Dhyana Yoga và Raja Yoga

1. Dhyana Yoga >>

Pháp môn này dựa trên thiền định dẫn đến khả năng kiểm soát tâm trí. Như vậy nó riêng biệt nhưng lại là cơ sở cho các môn yoga khác. Việc làm chủ được pháp môn này là một trong những điểm cơ bản cần thiết để thành công trong Sammadhi Yoga. Nhưng Dhyana Yoga ở cấp độ cao hơn ở Laya Yoga ở chỗ nó chỉ được luyện tập khi yogi đã chiến thắng được sự chi phối của cơ thể đối với linh hồn.

2. Raja Yoga >>

“Raja” có nghĩa là tối thượng, vương giả do vậy Raja Yoga còn được gọi là yoga của hoàng gia. Đó là sự nối kết nối hay hợp nhất với sự tối thượng. Người tập phải hướng đến việc làm chủ bản thân và cuộc đời của mình thông qua việc rèn luyện ý chí, tình thương và ý nghĩ.

Raja Yoga là những bài tập luyện về Yoga tâm thức theo Yoga Sutra. Yoga Sutra mở đầu bằng câu "Yogash chitta vritti nirodhah", tạm dịch: "Yoga là việc kiềm chế những xao động trong trường của ý nghĩ". Cũng giống như là dòng điện tỏa ra điện trường, tập hợp các ý nghĩ tốt, xấu và trung lập tạo trường của các ý nghĩ gọi là chitta. Các ý nghĩ hỗn độn tạo nên các cuộn xoáy trong trường ý nghĩ, gọi là vritti. Cuối cùng, nirodhah là một từ diễn tả việc điều khiển, kiềm chế, quản lý nhưng không có tính chất ép buộc.

Trong mỗi con người đều tiềm ẩn những khả năng to lớn, chưa được khai mở. Raja Yoga đưa ra một phương cách luyện tập khoa học, một hệ thống thực hành tập trung và kiểm soát trí não nhằm giải phóng những năng lực tiềm ẩn này. 

Để đạt được điều này, hành giả cần tu dưỡng đạo đức tốt, có một thể xác khỏe mạnh, tư thế vững vàng, điều hòa hơi thở và dứt bỏ mọi cảm xúc. Chỉ khi nào tạo được nền tảng này thật vững chắc, hành giả mới có thể thành công trong phép tu luyện tập trung tư tưởng và thiền định. 

Hatha Yoga là một hình thức của Raja Yoga, chú trọng vào việc thực hành các tư thế (asanas) và luyện thở (pranayama). Nếu bỏ qua Yamas, Niyamas và những bậc tu hành khác (xem phía dưới) thì không thể có Yoga.

Con đường này thường được gọi là Ashtanga Yoga, hay yoga tám nhánh. Là con đường kiểm soát tâm trí, hơi thở và cơ thể, và thiền định. Hatha Yoga là một hình thức của Raja Yoga, chú trọng vào việc thực hành các tư thế (asanas) và luyện thở (pranayama). Hatha Yoga đề ra một phương pháp có hệ thống dành cho việc kiểm soát những sóng của ý nghĩ. Nếu bỏ qua Yamas, Niyamas và những bậc tu hành khác (xem phía dưới) thì không thể có Yoga. Phần thực hành chính của Raja Yoga là thiền định. Khi cơ thể và năng lượng được kiểm soát, thiền định sẽ tự nhiên đến

Pháp môn này giúp yogi có những chứng nghiệm cá nhân, hiểu biết về chân lý trong ý nghĩa của câu châm ngôn Hy Lạp: “Tự biết mình hãy biết người”. Raja Yoga chia làm 4 pháp môn nhỏ:

Jnana Yoga

Đạo lý Jnana Yoga, dùng trí tuệ và triết lý để hướng tới sự phát triển tâm linh, miêu tả thế giới này như một ảo ảnh. Nhờ vào những kỹ thuật đầy uy lực của Viveka (hiểu biết, thông suốt) và của Vairagaya (vô tư, tỉnh táo), bức màn che đậy ảo giác của ta (Maya) được vén mở. Jnana Yoga được xem là phép tu luyện khó nhất của môn Yoga. Phép tu này đòi hỏi hành giả phải có một trí óc sắc sảo, một trí tuệ sáng suốt.


Đây là thiền định vedanta và tự đặt câu hỏi. Đòi hỏi rất nhiều sức mạnh của ý chí và trí tuệ, Jnana Yogi dùng trí tuệ để đặt câu hỏi về bản chất thật sự của người ấy là gì và bản chất của thực tại là gì. Trước khi thực hành Jnana Yoga, người tu học cần có những bài học kết hợp của những con đường yoga kia, bởi nếu không có tính không vì bản thân và tình yêu thương của Đấng Tối Cao, sức mạnh của cơ thể và tâm trí, sự tìm kiếm sự giác ngộ về ngã có thể chỉ là sự suy đoán vu vơ mà thôi.

Pháp môn này phụ thuộc vào tri thức thiêng liêng hay sự kết nối bằng việc quan sát và nhận biết nội tâm. Nói cách khác, cá nhân đạt được sự hiểu biết bản chất thật của tồn tại bằng cái nhìn nội tâm thông qua phương tiện yoga. Đây là phần căn bản của Raja Yoga.

Karma Yoga

“Karma” tiếng Phạn có nghĩa là hành động. Karma Yoga là tạo sự gắn kết hay hợp nhất bằng phương tiện của hành động đúng đắn. Trong chương 2 của Kinh Gita, Karma Yoga được coi như bao gồm tất cả các môn Yoga khác.

Karma Yoga là phụng sự bất vụ lợi, là con đường nhanh nhất để tâm hồn ta trở nên thanh khiết và vượt qua khỏi những giới hạn gò bó nó. Các tu sĩ Karma lao động cật lực cả bằng chân tay lẫn trí óc. Họ tìm cách loại bỏ sự ích kỷ trong tâm, dứt bỏ luyến ái, phụng sự nhân loại mà không mong chờ được đền đáp và luôn nhận ra được sự hợp nhất ở mọi trạng thái thiên hình vạn trạng của vũ trụ. 

Điều này cho phép họ có thể hòa hợp cùng với cái bản chất thánh thiện, vốn vẫn luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Karma Yoga là đạo lý thích hợp với những người tính khí tích cực, còn đa mang thế sự. Họ vẫn tiếp tục lặn ngụp trong dòng đời, nhưng dâng hiến bản thân, phụng sự những mục đích cao cả.

Đạo đường được điều hành hoàn toàn bởi những karma yogi tận tụy. Bằng sự làm việc không vì cá nhân, không nghĩ đến sự tưởng thưởng hay lợi lộc của cá nhân, và bằng cách tách rời khỏi thành quả của việc làm và thay vào đó dâng những thành quả đó cho Đấng Tối Cao, Karma Yogi thanh lọc trái tim và làm thăng hoa cái tôi kiêu ngạo.

Karma Yoga giúp yogi vượt qua cá nhân, đạt tới sự xóa bỏ mọi ý nghĩ tách rời của cái tôi, trong khi yogi hành động tích cực trong thế gian với toàn bộ năng lượng của mình để cống hiến cho lợi ích nhân loại.

Kundalini Yoga

Là pháp môn điều khiển năng lượng chuyển thông ở các luân xa từ trung tâm của dục ở số 1 lên số 7 tối cao. Đối với những Yogi theo con đường Mật tông thì Kundalini yoga là pháp môn tối thượng. 

Kundalini tiếng Sanskrit có nghĩa là “rắn” hay “sức mạnh của rắn”, gọi như thế là vì người ta cho rằng kundalini nằm cuộn mình giống như rắn trong luân xa gốc ở cuối cột xương sống. Trong Tantra Yoga, kundalini là một khía cạnh của Shakti, sức mạnh nữ thần, vợ của Shiva.


Hiện tượng đi kèm với Kundalini rất đa dạng, bao gồm những cảm giác cơ thể kỳ dị cùng những động tác, sự đau đớn, khả nặng thấu suốt, nhãn giới, ánh sáng rực rỡ vô cùng trong suốt, sức mạnh tâm linh, xuất thần, hạnh phúc và vượt qua cái tôi. Kundalini được mô tả là lửa dung dịch và ánh sáng dung dịch. Mô tả hay cảm giác kiểu Kundalini được tìm thấy trong các bài giảng bí truyền của người Ai Cập, Tây Tạng, Trung Hoa, một số bộ lạc Mỹ bản xứ và người Kung ở châu Phi.

Người tu luyện cần suy ngẫm, cảm nhận và đánh thức Kundalini và đưa nó lên cao qua cơ thể của chính mình. Lúc đầu, người tập có cảm giác nóng ở đốt sống, có thể nóng dữ dội hoặc ấm áp dễ chịu. Sau đó năng lượng đi lên trên bằng con đường tâm linh song song với cột sống, liên tục kích hoạt các luân xa, lên tới đỉnh đầu, kết hợp với năng lượng Shiva – dương cực và mang lại sự sáng. Sau đó người tập tìm cách hạ năng lượng xuống các luân xa khác, xuống dần đến luân xa cuối cùng để tạo ra sự thổi phồng ham muốn tình dục mãnh liệt. Trên đường đi của kundalini, những bệnh tật sẽ được tẩy rửa và năng lượng dục sẽ được chuyển hóa thành năng lượng sáng tạo.

Samadhi yoga


Trong sự kết nối hay hợp nhất bằng phương tiện của trạng thái vắng lặng tức là “Samadhi”, yogi vượt qua cá thể của mình và tâm thức tiểu vũ trụ, vứt bỏ các dây liên hệ và hợp nhất với tâm thức vũ trụ, hay còn gọi là Niết Bàn.


Phần 3: Năm điểm chính và tám bậc tu luyện của Yoga


1. Năm điểm chính của Yoga >>

Giống như chiếc xe cần một hệ thống bôi trơn, một bình điện, một hệ thống làm mát, nhiên liệu đầy đủ, và một tài xế có trách nhiệm, cơ thể cũng cần đến một số yêu cầu nào đó nếu nó muốn được hoàn hảo. Thầy Swami Vishnu-devananda đã tổng kết 5 nguyên tắc của Yoga để được một thân thể khỏe mạnh và một tinh thần bình an.

Tập Thể dục đúng cách - Asanas

Những tư thế yoga sẽ làm cho những cơ bắp được mãnh liệt và đồng thời được kéo giãn ra. Chúng sẽ làm bôi trơn các khớp xương, cơ bắp gân, dây chằng và các bộ phận khác của cơ thể. Asanas giúp làm êm dịu hệ thần ̣ kinh, cải thiện hệ tuần hoàn, giải tỏa căng thẳng, và gia tăng tính linh hoạt. Ta phải tập trung, thở đều, và thư giản khi tập các tư thế yoga.

Tập thở đúng cách - Pranayama

Thở sâu giúp tẩy rửa và nuôi dưỡng thể chất. Khi bạn hít sâu vào bạn đã cung cấp một lượng lớn Oxy, một nguyên tố thiết yếu cho mỗi tế bào trong cơ thể. Yoga áp dụng lối thở đúng cách bằng bụng, và có nhiều lối thở khác để được tăng cường sinh lực (prana).

Tập thư giãn đúng cách - Savasana

Nghỉ ngơi và kỹ thuật thư giãn đúng cách và tự nhiên sẽ giúp phục hồi cơ thể và thần kinh và chống lại stress trong đời sống phức tạp hàng ngày.

Dinh dưỡng và ăn uống đúng cách, ăn chay

Các chế độ ăn của Yoga chứa các loại thức ăn dễ tiêu hóa và có nhiều năng lượng và bổ dưỡng. Bạn sẽ có một trình độ sức khỏe khá cao, đầu óc nhạy bén và sự thanh thản của tâm trí. Cách ăn của yoga tránh ăn thịt cá và hành tỏi để được bình tâm. Bạn phải tránh uống rượu và hút thuốc lá nữa để được tăng cường sức khỏe.

Suy nghĩ tích cực và Thiền định

Để lái chuyến xe của mình đến mục đích trong cuộc đời, mình phải là người tài xế thông minh, sáng suốt và có một tâm trí căn bằng để kiểm soát. Thiền định sẽ giúp cho tâm trí được bình an và được tập trung hơn, do đó mà khả năng chăm chú của bạn sẽ tăng tiến. Suy nghĩ tích cực sẽ làm trong sạch trí não và bạn sẽ bắt đầu trải nghiệm được sự minh triết và sự thanh thản nội tâm.


2. Tám bậc tu luyện của Yoga >>

Thông qua việc tự quan sát bản thân một cách khách quan và khoa học, các tu sĩ Yoga đã nghiên cứu những trở ngại cản trở hành giả kiểm soát một cách có ý thức trí não của mình. Bậc hiền triết Patanjali đã thu thập những tri thức này trong cuốn kinh “Raja Yoga Sutras”, một cuốn kinh miêu tả những vận động bên trong trí não và thiết kế sơ đồ 8 bậc tu luyện (Ashtanga) nhằm giúp hành giả kiểm soát được trí não bất an và đạt tới trạng thái tĩnh lặng bền vững.

Tám cấp của Yoga cổ điển

Ba-đan-xà-lê miêu tả tám cấp của Yoga với những điểm đặc thù của nó. Hai cấp đầu tương quan đến việc tu trì giới luật, ba cấp kế đến tương quan đến việc tu tập thân thể và ba cấp cuối hướng dẫn trau dồi tâm thức.

Chế giới (yama), được hiểu là sự tự kiểm soát trong mọi hành động, bao gồm bất sát sinh, chân thật, không trộm cắp, Phạm hạnh (ở đây là tuyệt dục) và không giữ vật sở hữu.

Nội chế (niyama), bao hàm sự thanh tịnh trong ba cửa ải thân, khẩu và ý, tâm thức hoan hỉ, khổ hạnh, sự tu học thánh điển với khả năng dẫn đến giải thoát và lặp đi lặp lại âm tiết OṂ, quy y đấng Tự Tại, hiến dâng tất cả cho đấng tối cao.

Hai cấp Chế giới và Nội chế bên trên giúp hành giả tạo sự hoà hợp ở bản thân và dung hoà mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, của con người và vạn vật xung quanh. Để đạt được sự an nhiên tâm thức lâu dài thì Ba-đan-xà-lê cũng khuyên hành giả trau dồi những đức tính quan trọng khác như Từ, bi, hỉ và xả (tứ vô lượng tâm). Từ là tình thương bao trùm vạn vật, bi là tâm đồng cảm với chúng sinh, hỉ là niềm vui cùng người khác và xả là tâm thức không dao động trước khổ lạc, vinh nhục v.v...

Toạ pháp (āsana) là phép ngồi vững chắc và dễ chịu. Tư thế ngồi vững chắc và dễ chịu được đạt qua tâm thư giãn tuyệt đối, qua tâm vô thức về các cặp đối đãi như nóng lạnh, khổ lạc v.v... và qua sự quán chiếu cái tuyệt đối vô biên.

Điều tức (prāṇāyāma) là sự điều chế hơi thở ra vào, được định nghĩa là sự tách li hơi thở vào và thở ra. Việc điều chế hơi thở này chính là nguyên nhân làm cho tâm thức được tuần phục.

Chế cảm (pratyāhāra) có nghĩa là rút những giác quan ra khỏi những đối tượng của chúng. Sự kiểm soát toàn hảo này chỉ có thể được thực hiện khi tâm thức đã được điều phục.

Chấp trì (dhāraṇa) là sự tập trung tâm thức vào một chỗ nhất định, rất cần thiết cho việc điều chế tâm thức, vốn có bản chất tán loạn, hồi hộp không yên. Những điểm tập trung được nhắc đến là xa luân ở khu vực tim, chóp mũi, đầu lưỡi v.v... Một đối tượng bên ngoài, ví như một bức tượng của một Thần thể cũng có thể được dùng làm điểm tập trung.

Tĩnh lự (dhyāna) dòng tâm thức tương tục được gán vào đối tượng một cách tự nhiên, không bị một hoạt động tâm thức nào khác quấy nhiễu.

Tam-ma-địa (samādhi) là đỉnh điểm của quá trình thiền định. Nhờ sự trình hiện chân thật của bản chất đối tượng mà hành giả đang quán chiếu, hành giả siêu việt ngay cả sự nhận thức đối tượng.

Hai dạng Tam-ma-địa

Có hai dạng Tam-ma-địa:

Trong Tam-ma-địa có tư duy chủ động (Hữu tầm/Hữu tứ tam-ma-địa) thì tâm thức của hành giả vẫn còn hoạt động mặc dù ông ta đã bị thu hút hoàn toàn bởi sự chuyên chú vào đối tượng đã chọn.

Trong Tam-ma-địa không còn tư duy thì sự nhận thức đối tượng tham quán tự huỷ hoàn toàn và tâm thức của hành giả cũng ngừng hoạt động. Tâm thức tan biến. Chỉ còn Phú-lâu-sa nội tại với kinh nghiệm độc tồn tuyệt đối.

Theo thời gian, Yoga dần đi ra khỏi Ấn Độ và nổi tiếng trên toàn thế giới, được đơn giản hóa và cải tiến dần để Yoga không chỉ dành cho các đạo sư hướng tới sự giải thoát mà trở thành một bộ môn được phổ biến rộng rãi giúp con người bảo vệ sức khỏe, nâng cao tinh thần.



Phần 4: Cộng đồng Doyouyoga

www.doyouyoga.com

Doyouyoga là một cộng đồng toàn cầu cho tất cả những ai muốn nâng cấp cuộc sống của họ với sức khỏe và hạnh phúc bằng yoga . Trái tim của cộng đồng này là BẠN , bạn bè và hàng trăm ngàn người tuyệt vời, những người làm cho Doyouyoga trở thành một nơi sôi động cùng học tập, sinh sống và tạo nên nguồn cảm hứng .

Dưới đây là những gì có sẵn dành cho bạn .:

- Một tạp chí trực tuyến yoga gồm bài viết và video được tạo ra bởi những ý tưởng truyền cảm hứng cho mọi người trong thế giới sống khỏe mạnh bằng yoga.

- Một mạng xã hội được sử dụng bởi hàng chục ngàn người cùng kết nối, giao tiếp, chia sẻ hình ảnh, bài viết và những hiểu biết.

- Khóa học yoga trực tuyến cho phép bạn theo dõi sự tiến bộ của bạn, kiếm được phần thưởng với thành tích của bạn và tương tác với các thiền sinh khác trên cuộc hành trình của bạn.

- Bản tin hàng ngày và hàng tuần.










Tags:

Written by

But nevemind.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
@2015 | Designed by SuperDoctor