View of Nation

Share & Comment

Siêu bác sĩ thật ra là câu chuyện về tầm nhìn dân tộc

Đối với một quốc gia, giàu tài nguyên khoáng sản không bằng giàu văn hóa; đối với một con người, giàu vật chất tiền tài không bằng giàu trí tuệ. Tài nguyên, vật chất càng khai thác nhiều càng mau cạn kiệt; văn hóa, trí tuệ càng dùng càng nhiều, chỉ tăng không giảm. Thế nên, đối với một quốc gia thì con người là tài nguyên có giá tri lớn nhất, là sự đầu tư trăm lợi không bao giờ lỗ. 

Lại nói dự án Siêu bác sĩ hướng đến khuyến khích mỗi một người đều tự thân tìm hiểu, nâng cao trí phán đoán, trở thành thầy thuốc cho chính mình và gia đình. Muốn trị bệnh tốt nhất là ở phòng bệnh, muốn phòng bệnh tốt nhất là ở dưỡng tâm, muốn dưỡng tâm tốt nhất lại là ở rèn luyện tính cách, làm cho cái tâm trở nên an định, có khả năng nhận biết điều phải. 

Mỗi một người dù là làm việc trong bất cứ ngành nghề gì cũng cần có một cái tâm an định. Dù là cá nhân mỗi người nói riêng hay là đất nước nói chung thì cũng cần phải trước cầu đạo lý, sau mới cầu ấm no, hạnh phúc. Giàu sang mà không hiểu được đạo lý, giàu sang ấy lại thành ra mối họa. Cả xã hội đều đặt trong tâm thái an định thì sao có thể loạn được, sao có thể không ngày một phát triển? Cái gọi là kỳ tích chỉ là cái hệ quả phụ nhất định xảy đến mà thôi.

Bản sắc văn hóa, cốt cách đặc thù lại không phải là cái hoa mỹ bề ngoài mà là tính cách chung thể hiện ở mỗi cá nhân, người ngoài nhìn vào thì nhận ra ngay đấy là đặc trưng dân tộc mình. Thế nên, dự án này đề cao tu dưỡng tâm tính, dựa vào đó trước là để hành động đúng đắn, phải đạo; sau là phòng và trị bệnh. Cái thừa lại thì dùng để quản lý gia đình, nuôi dạy con cái, còn lại mảy may mới dùng để phát triển dân tộc. Từ đó có thể thấy rằng, bản sắc dân tộc chính là cái hệ quả tất yếu sẽ đến sau khi đã làm nên nhân cách của thánh nhân.

Người có tâm thanh tĩnh thật tuyệt diệu biết bao, họ có cái nhìn biện chứng, tác phong bề ngoài linh hoạt, thấu hiểu các nguyên lý một cách chính xác, liệu sự nhìn xa trông rộng, gặp loạn bất kinh, thấy cảnh đẹp không bị mê hoặc, có thể thông đạt mọi thứ, bản thân không có những ý kiến chủ quan sai lệch, đại cơ đại dụng chính là từ đó mà ra. Nhờ vậy mà ý chí của họ rất an nhàn, ít có dục vọng, trong lòng của họ luôn luôn yên tĩnh, chẳng có sợ sệt, tuy lao động mà không mệt mỏi. 

Khi ấy bất kỳ ai cũng có thể tự nhiên trở thành bố mẹ giỏi. Đọc nhiều sách vở, học hỏi bên ngoài không bằng tự học ở bản thân mình, mỗi ngày duy trì một nếp sống đúng đắn. Được như vậy thì con cái sau này không dạy vẫn có thể nên người. Ấy không phải không dạy mà là không có gì là không dạy; thông qua cách ứng xử của bản thân, mỗi một việc đều vì con trẻ mà làm. Quá trình giáo dục con trẻ chính là phải bắt đầu ngay từ lúc bản thân vẫn còn thanh xuân, mỗi ngày đều tâm niệm:

Tấm lòng phải luôn rộng mở, thái độ phải luôn lạc quan. Hiểu rằng khỏe mạnh là phúc, đau bệnh cũng là phúc. Yêu thương tất thảy mọi người nhưng không sở hữu người nhà, không quản chuyện người khác. Vì không quản chuyện người khác nên không lo người khác nghĩ gì về mình. Dù giúp người hay được người giúp cũng cảm thấy biết ơn. Đối đãi mọi người không quá chú trọng lễ nghĩa xã giao nên không lúc nào là không thật lòng. Luôn nói sự thật nên luôn tươi trẻ. Vì không mong đợi nên chẳng bực mình, không tranh được mất nên không cảm thấy thiệt thòi. Tâm không tham nên cái gì cũng thuận, lòng tự thấy đủ dễ được mãn nguyện, không đòi hỏi nhiều nên cũng dễ đạt được. Hiểu rõ bản thân và tự nhiên là chung một thể nên luôn quý trọng môi trường xung quanh. 


Người biết tự giáo dục mình dù có bao nhiêu con vẫn có thể giáo dục tốt, người không làm được điều này dù chỉ có một con cũng là không cách gì giáo dục được nên người. Con cái không thể nuôi dạy tốt, gia đình không quản lý giỏi lại mong có thể làm được gì tốt cho đất nước và dân tộc? Những trường hợp ngoại lệ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, mà thông thường là do cái mặt tác hại chưa có thời gian để thể hiện ra.

Người đạt đến tâm an định, trí tuệ sáng suốt thì mỗi một việc làm, mỗi một cách ứng xử đều là làm lợi cho đất nước dù việc đó có nhỏ bé đến đâu. Cũng như trời chẳng vì lợi riêng mà che muôn vật, đất chẳng vì lợi riêng mà chở trăm loài. Nhật Nguyệt chẳng vì lợi riêng mà tỏa sáng. Bốn mùa chẳng vì lợi riêng mà vận hành. Một người làm theo lối ấy thì dân tộc tiến được một bước, hàng triệu người cùng làm theo lối ấy thì dân tộc tiến được hàng triệu bước. Như vậy mới có thể không vướng vào tư tưởng dân tộc hẹp hòi mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc, đạt đến tâm không mong cầu thì liền có được. 

Đối với họ người với ta là một, xã hội và cá nhân cũng là một. Cũng như cá và nước là một, không thể không có nước mà cá sống được. Cho nên con người phải lo cho xã hội là vì không có xã hội, cá nhân không sao phát triển được lẽ sống của mình. Lo cho xã hội không phải là phận sự mà là lẽ tất nhiên, không lo không đặng; hai lẽ ấy chằng chịt dính líu với nhau, không sao rời nhau được. Cho nên có thể hiểu rằng: nói là lo cho đời, mà chính là lo cho mình; hoặc trái lại, nói là lo cho mình, mà chính là lo cho đời.

Thế nên dự án này nói Siêu bác sĩ là nói hình tượng, nói Siêu anh hùng là nói bản chất. Tuy nhiên bàn đến Siêu nhân gì, nói đến vận mệnh dân tộc gì thì trước hết vẫn là tu dưỡng tâm tính, truy cầu đạo lý, hành sự đúng đắn. Có được quan niệm đúng đắn thì sẽ có quyết định đúng đắn, dẫn tới hành vi đúng đắn và chúng ta sẽ có thể phòng ngừa bệnh tật phát sinh mà giữ lấy mạng mình. 

Đôi tay của người thợ khéo tay nhất thế giới bị tổn thương khiến ta động lòng thương tiếc cũng không thương tiếc bằng chính đôi tay mình bị đau. Ngọc ngà châu báu trên đời có đẹp hơn nữa cũng không làm ta say đắm bằng vật quý trong nhà. Người mà không biết quý tiếc bản thân thì làm sao có thể mong cầu quý tiếc ai khác? Mạng mình mà còn không biết tự giữ lấy thì sao có thể trông cậy giao cho vận mạng dân tộc?

Khả năng tự cứu lấy mạng mình, tự chủ số mệnh bản thân mà không đáng là chuyên môn suốt đời theo đuổi thì còn cái gì đáng là chuyên môn? Hà huống đây là điều vốn dĩ phải làm cũng như hoàn toàn có thể làm được. Đợi bệnh phát ra mới đi chạy chữa chính là đã mất nửa cái mạng rồi. Khi chạy chữa lại hoàn toàn giao phó tính mạng bản thân vào tay người khác, vô trách nhiệm như vậy sao có thể làm lợi cho đất nước? 

Một cá nhân xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó nhưng không hiểu đạo lý, nếu may mắn có thể thành công thì chỉ làm lợi cho chính mình là phần nhiều, nói gì đến đất nước? Lại nói người như vậy tâm không an định chủ định bệnh tật nhiều; khả năng phán đoán thấp chủ định không tự chủ được sinh mệnh; không biết cách nuôi dạy con cháu, chẳng những không kế thừa được tinh hoa của đời trước mà còn lưu lại họa hại đời sau. Người như thế về lợi ích lâu dài của bản thân lẫn dân tộc đều khó mà nắm bắt thì lấy gì mà lưu lại cho đời? Mỗi một cá nhân dù không xuất chúng mà hiểu biết đạo lý thì không chỉ làm lợi cho mình mà còn làm thay đổi vận mệnh dân tộc, sao có thể cho là vô dụng?

Dự án này khi nhắc đến có thể thấy ngay là khó ở trong khó, khó đến vô cùng. Nhưng từ xưa đến nay, có khi nào gian khó không là điểm tựa cho thành công, bệnh tật không là thời cơ cho thay đổi triệt để? Có thể hy vọng vào điều không thể hy vọng, thành tựu việc không thể thành tựu, ngay cả ải sinh tử cũng qua rồi, thì còn có gì là đáng sợ? Các dân tộc khác trên thế giới như Nhật Bản, Do Thái, Butan,.. còn không đủ để chúng ta nhìn vào đó mà nhận ra con đường vận mệnh mà dân tộc mình cần phải đi hay sao?












Tags:

Written by

But nevemind.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
@2015 | Designed by SuperDoctor